"Nơi tâm tình" của người lính
Những năm qua, “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân” (Tổ tư vấn) ở Tiểu đoàn 303 (Trung đoàn 584, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) đã trở thành “nơi tâm tình”, kịp thời giải đáp, tư vấn những khó khăn, vướng mắc trong sinh hoạt, công tác… cho nhiều cán bộ, chiến sĩ, nhất là cánh lính trẻ.
Mới đây, khi được tham dự một buổi sinh hoạt dân chủ của Tổ tư vấn thuộc Đại đội bộ binh 5, chúng tôi cảm nhận một bầu không khí cởi mở, sôi nổi, thân tình giữa các chiến sĩ cũng như giữa cán bộ với chiến sĩ. Tại buổi sinh hoạt, các chiến sĩ đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến pháp luật, kỷ luật quân đội hay thắc mắc về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Giao thông đường bộ… Tất cả những thắc mắc đều được giải đáp rõ ràng, chính xác dựa trên các văn bản pháp luật, chỉ thị, quy định.
Tổ tư vấn được thành lập cách đây hơn 5 năm và hiện nay tại Tiểu đoàn 303 có 3 Tổ tư vấn. Mỗi Tổ tư vấn gồm 5-7 người cả cán bộ lẫn chiến sĩ. Khi cán bộ, chiến sĩ gặp vướng mắc về những vấn đề trong cuộc sống đều có thể gặp trực tiếp thành viên của Tổ tư vấn để được tư vấn, tháo gỡ. Các thành viên Tổ tư vấn được phân công làm nhiệm vụ tư vấn ngoài việc nắm chắc những nội dung cơ bản của một số Luật, Bộ luật, các chế độ quy định của quân đội, đơn vị… còn phải có phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, giản dị, gần gũi, biết quan tâm, lắng nghe, chia sẻ; đồng thời biết giải quyết kịp thời mọi tình huống thực tiễn cuộc sống đặt ra.
Một buổi sinh hoạt của Tổ tư vấn thuộc Đại đội Bộ binh 6. |
Đại úy Bùi Minh Trung, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 303 cho biết: “Diễn biến tâm lý, tư tưởng của chiến sĩ trẻ rất phức tạp, nhất là trong những thời điểm nhạy cảm như khi mới nhập ngũ vào đơn vị, khi chuẩn bị xuất ngũ, trong những dịp nghỉ lễ, Tết... Tuổi thanh niên rất dễ mất bình tĩnh khi gặp những tình huống bất hòa trong cuộc sống, nếu không được quan tâm chia sẻ, động viên kịp thời thì dễ dẫn tới suy nghĩ, hành vi tiêu cực. Vì thế, Tổ tư vấn phải luôn chủ động gần gũi bộ đội hoặc thông qua cán bộ,chỉ huy các cấp để nắm bắt tình hình, phát hiện và có biện pháp tiếp cận, tư vấn hiệu quả để quân nhân có nhận thức và hành động đúng đắn. Mặt khác, Tổ tư vấn thường xuyên liên hệ với chính quyền địa phương, nhân dân gần đơn vị để nắm tình hình địa bàn, các tệ nạn xã hội, các mối quan hệ của cán bộ, chiến sĩ với nhân dân… Từ đó có biện pháp tiếp cận phù hợp để giáo dục”.
Đại úy Bùi Minh Trung, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 303
|
Hằng năm, Tiểu đoàn 303 là một trong những đơn vị được giao nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới, bởi vậy Tổ tư vấn phải kịp thời nắm bắt các biểu hiện về tư tưởng, tình cảm của các tân binh để đề ra các phương hướng giải quyết, góp phần ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm kỷ luật quân đội và quy định tại đơn vị. Đơn cử như binh nhất Phạm Tuấn Dũng (SN 1994, Tiểu đội 18, Trung đội 2, Đại đội Bộ binh 6), những ngày đầu chưa quen với môi trường quân đội nên có dấu hiệu chán nản, sống khép kín, ít tham gia các hoạt động vui chơi giải trí của đơn vị; mỗi khi đơn vị giao nhiệm vụ thì thiếu tập trung, lơ là, hiệu quả công việc không cao. Nhận thấy sự bất thường đó, cán bộ Tổ tư vấn đã tìm đến gặp gỡ thì được biết, Dũng là con trai một trong gia đình, từ nhỏ được cha mẹ bao bọc, chiều chuộng nên khi sống trong môi trường quân đội với nội quy, giờ giấc nghiêm ngặt cảm thấy bị gò bó, khó thích nghi. Tổ tư vấn đã cử người thường xuyên gần gũi động viên, chia sẻ … Nhờ thế, Dũng đã an tâm tư tưởng, bắt đầu hòa nhập với đồng đội, tích cực tham gia các hoạt động của đơn vị.
Ý kiến bạn đọc