"Chìa khóa" nâng cao chất lượng huấn luyện dân quân tự vệ
Dân quân tự vệ (DQTV) là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất nên công tác huấn luyện luôn là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu cho các chiến sĩ.
Vì vậy, trong những năm gần đây, huyện Cư M’gar đã có nhiều chủ trương, giải pháp để xây dựng lực lượng DQTV vững mạnh, rộng khắp, qua đó góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Trong đó, mô hình “Cụm huấn luyện liên xã” được xem là “chìa khóa” mở hướng đi mới nhằm nâng cao chất lượng công tác huấn luyện.
Năm 2018, lực lượng DQTV huyện tiếp tục huấn luyện theo phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, kết hợp chặt chẽ giữa huấn huyện quân sự với giáo dục chính trị; huấn luyện sát nhiệm vụ, đối tượng, địa bàn, thực tế chiến đấu, lấy thực hành là chính. Tuy nhiên, khác mọi năm là việc huấn luyện thường riêng lẻ tại các địa phương, năm nay Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện triển khai lập “Cụm huấn luyện liên xã” cho các đối tượng DQTV. Theo đó, với 17 xã, thị trấn và 13 cơ quan, đơn vị, huyện đã thành lập 5 Cụm dân quân và 3 Cụm tự vệ; mỗi cụm có từ 3-4 đơn vị, địa phương và do một đơn vị, địa phương làm Cụm trưởng.
Lực lượng dân quân tự vệ huyện Cư M'gar huấn luyện điều lệnh đội ngũ. |
Trước mùa huấn luyện, Ban CHQS huyện phân công cán bộ xuống cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ các cụm làm tốt công tác chuẩn bị từ khâu xây dựng kế hoạch, soạn thảo giáo án, bài giảng, củng cố mô hình, học cụ, vật chất, thao trường, bãi tập; triển khai tốt kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng cho đối tượng cán bộ, giáo viên trực tiếp đứng lớp cả về nội dung, tổ chức và phương pháp huấn luyện; đồng thời hướng dẫn các đơn vị, địa phương huy động quân số tham gia huấn luyện theo quy định.
Theo đánh giá của Ban CHQS huyện, kết thúc mỗi đợt huấn luyện, qua kiểm tra đánh giá có 100% chiến sĩ đạt yêu cầu; trong đó, có trên 75% chiến sĩ đạt khá, giỏi; ở các nội dung bắn đạn thật, ném lựu đạn xa trúng đích, chiến thuật bộ binh có trên 80% chiến sĩ đạt khá, giỏi. Đáng chú ý, kể từ khi huấn luyện theo mô hình mới này, tỷ lệ DQTV đạt loại khá, giỏi tăng lên rõ rệt. |
Trong quá trình huấn luyện, lực lượng DQTV được học đầy đủ các nội dung giáo dục chính trị, quân sự theo quy định. Đối với những bài tập điều lệnh, đội ngũ là những nội dung huấn luyện khó đối với chiến sĩ DQTV năm thứ nhất nên giáo viên hướng dẫn riêng lẽ từng người, khi thuần thục mới luyện tập theo đội hình. Sau khi kết thúc các nội dung huấn luyện, Ban CHQS huyện đều tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả đối với 100% quân số ở tất cả nội dung, khoa mục. Ngoài ra, để giúp cán bộ, chiến sĩ DQTV yên tâm, hăng hái tham gia huấn luyện, Ban CHQS huyện yêu cầu các địa phương bảo đảm chế độ, tiêu chuẩn đầy đủ, kịp thời; quán triệt đến toàn thể chiến sĩ DQTV tham gia huấn luyện bảo đảm chế độ giờ giấc, tuân thủ Luật Giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trong suốt thời gian huấn luyện; đồng thời, bảo đảm tuyệt đối an toàn về người và vũ khí, trang thiết bị phục vụ công tác huấn luyện.
Lực lượng dân quân tự vệ huyện Cư M'gar thực hành bắn đạn thật. |
Để tạo không khí cởi mở, vui tươi trong quá trình huấn luyện, ngoài những bài giảng về quân sự - quốc phòng, các giáo viên còn lồng ghép bằng cách kể những câu chuyện gắn với thông tin thời sự, thực tế ở địa phương, đặc biệt là những nội dung cơ bản của Luật DQTV, công tác dân vận… Chính nhờ cách truyền đạt dễ nghe, dễ hiểu nên hầu hết chiến sĩ “sao vuông” tham gia huấn luyện đều chấp hành nghiêm túc nội quy kỷ luật thao trường, chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn về người và vũ khí trang bị trong suốt quá trình học tập; các chiến sĩ học tập với tinh thần quyết tâm cao, không ngại khó khăn gian khổ, nhiệt tình hăng say trong từng bài học mới với khẩu hiệu “Vượt nắng thắng mưa, say sưa học tập”.
Trung tá Phạm Tuấn Khiêm, Chính trị viên Ban CHQS huyện cho biết: “Nếu như trước đây, vào mùa huấn luyện hằng năm, mỗi cán bộ, giáo viên thường phải chuẩn bị từ 90-100 giáo án, bài giảng thì khi thực hiện mô hình "Cụm huấn luyện liên xã" đã giảm xuống còn 30 giáo án, bài giảng/người, qua đó giúp họ có thêm thời gian chuẩn bị cho bài giảng của mình chi tiết, tỉ mỉ hơn; quân số tham gia huấn luyện được tập trung đông hơn, chất lượng tốt hơn trước đây; việc bảo đảm vật chất, mô hình, học cụ phục vụ công tác huấn luyện được đầu tư bài bản, có chất lượng hơn. Bên cạnh đó, trong huấn luyện cụm còn tổ chức được các hoạt động sinh hoạt bổ trợ như: sinh hoạt chính trị, các hoạt động văn nghệ, thể thao, qua đó tạo khí thế thi đua sôi nổi giữa các đơn vị; đồng thời giúp các đơn vị giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm hay để vận dụng vào điều kiện thực tế của đơn vị, địa phương mình”.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc