Cho biên cương thêm xanh
Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa góp phần cho biên cương thêm xanh.
Giữa vùng biên có khí hậu khắc nghiệt, việc trồng cây trái rất kỳ công, vậy mà doanh trại Đồn Biên phòng Ia R’vê đang bước vào mùa khô vẫn ngập tràn sắc xanh. Hệ thống bồn hoa, cây cảnh được cắt tỉa, chăm sóc cẩn thận, chuẩn bị sẵn sàng bung sắc chào xuân mới.
Dưới sự hướng dẫn của Trung tá Nguyễn Văn An (Phó đồn trưởng) và Đại úy Trịnh Xuân Tuyên (Chính trị viên phó), chúng tôi có dịp thăm khuôn viên doanh trại. Tận dụng nắng trưa, một chiến sĩ của Đồn cần mẫn phơi khô cỏ voi, chuẩn bị thức ăn dự trữ cho đàn bò gần 30 con vào mùa khô nắng cháy kéo dài sắp đến. Nhờ hiểu được sự trái tính trái nết của thời tiết nên không chỉ trong chăn nuôi mà trong tăng gia sản xuất Đồn cũng triển khai rất hiệu quả. Mỗi luống rau, tấc đất vùng biên đều thấm bao mồ hôi, công sức của các chiến sĩ quân hàm xanh…
Cảnh quan doanh trại Đồn Biên phòng Ia R'vê ngập tràn sắc xanh. |
Đi qua những cung đường đất ngoằn ngoèo, chúng tôi xuống địa bàn xã Ia R’vê mà Đồn quản lý. Dù xã có 14 thôn nằm rải rác trên diện tích rộng nhưng Đồn vẫn nắm chắc mọi hoạt động ở các thôn. Nhiều năm qua, không chỉ chung tay xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, đơn vị còn tích cực giúp dân về nhiều mặt, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Thật khó để đo đếm được hết công sức và cả tình cảm mà người lính quân hàm xanh đã dành cho mảnh đất này. Xem đồng bào các dân tộc như ruột thịt, nên khi tới thăm bất cứ gia đình nào, các anh đều được bà con đón tiếp nồng hậu, thân thiết. Ông Hồ Văn Điều (thôn 3) xúc động khi nhắc đến sự đồng hành, giúp sức của các chiến sĩ đối với gia đình. Từ một hộ nghèo trên quê hương mới Ea Súp, nhưng nhờ sự giúp đỡ bền bỉ của những người lính nơi đây, gia đình ông đã vươn lên làm giàu với thu nhập bình quân 200 triệu đồng/năm. Không riêng ông Điều, trên vùng biên đất cằn sỏi đá có rất nhiều hộ dân khác cũng được bộ đội Biên phòng giúp thoát nghèo bền vững…
“Khi người dân, địa phương cần sự giúp đỡ, chúng tôi không nề hà khó khăn, luôn sẵn sàng có mặt, từ dọn cỏ, thu hoạch mùa màng, đến khắc phục hậu quả thiên tai, sửa đường giao thông nông thôn, xây dựng mô hình giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa, nâng cao trình độ dân trí...”.
Đại úy Trịnh Xuân Tuyên, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ia R’vê
|
Không chỉ nắm chắc địa bàn quản lý, Đồn còn có sự gắn bó mật thiết với lực lượng bảo vệ biên giới của nước bạn. Theo kế hoạch từ trước, Đồn Biên phòng Ia R’vê cùng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê, Công an huyện Ea Súp phối hợp sang thăm lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia. Đang mùa khô nên cung đường đất nối liền tuyến biên giới hai tỉnh Đắk Lắk và Mundulkiri cũng dần chuyển màu vàng cháy. Đón người anh em, lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn đã có mặt ở cổng Đồn Công an Ô Rô cùng tay bắt mặt mừng. Cán bộ, chiến sĩ của lực lượng bảo vệ biên giới hai nước trao đổi, trò chuyện bằng cả tiếng Khmer và tiếng Việt.
Trở thành phiên dịch viên bất đắc dĩ cho chúng tôi, Trung tá Nguyễn Văn An trổ tài ngoại ngữ khiến nhiều người phải kinh ngạc. Anh khiêm tốn cho biết, nhờ tiếp xúc với cán bộ, chiến sĩ nước bạn nhiều nên cũng biết chút ít. Cuộc trò chuyện cứ thế kéo dài trong không khí thân tình, ấm áp. Trung úy Bun Thái, Đồn phó Đồn Công an Ô Rô chia sẻ, mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa lực lượng vũ trang hai nước phát triển rất tốt đẹp. Người anh em Việt Nam đã hỗ trợ Đồn rất nhiều thứ, từ xây dựng doanh trại, lương thực thực phẩm, đến kéo đường điện thắp sáng, nhờ đó đời sống cán bộ, chiến sĩ được nâng lên đáng kể. Nhiều cán bộ, chiến sĩ bị ốm nặng đã được cán bộ quân y Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk chữa trị tận tình, chu đáo…
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia R'vê vững tay súng nơi tuyến đầu Tổ quốc. |
Có thể nói, trong mọi nhiệm vụ được giao, cán bộ chiến sĩ các đồn biên phòng của tỉnh luôn nỗ lực hoàn thành tốt, góp phần giữ bình yên chốn biên cương Tổ quốc.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc