Multimedia Đọc Báo in

Tình quân – dân ở buôn vùng biên Đrang Phốk

08:40, 19/01/2019

Nhiều năm trước đây, vì cuộc sống mưu sinh săn bắt, hái lượm mà những người dân buôn Đrang Phốk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) sống du canh, du cư, phiêu bạt qua những cánh rừng Tây Nguyên.

Chứng kiến cuộc sống khó khăn, vất vả của bà con, năm 1985, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã đến tuyên truyền, vận động, giúp đỡ bà con dừng chân lập lại buôn. Sẻ chia với bà con buôn Đrang Phốk từ những năm tháng thiếu cơm, nhạt muối, bộ đội đã về “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con, dựng lại nhà cửa, xây dựng đời sống mới, làm cho cây lúa trổ bông, nương rẫy xanh tốt, vườn cây trĩu quả. Bà H’Phin Knul, người dân trong buôn cảm động: “Hồi xưa bà con mình nghèo khổ lắm, phải đi kiếm củ năng, củ mài để ăn. Từ khi có các chú bộ đội đến giúp đỡ, bày cho cách làm ăn, bà con đỡ vất vả nhiều rồi”.

Cán bộ, chiến sĩ giúp bà con buôn Đrang Phốk thu hoạch lúa.
Cán bộ, chiến sĩ giúp bà con buôn Đrang Phốk thu hoạch lúa.

Buôn Đrang Phốk hiện có 127 hộ dân và 7 dân tộc anh em sinh sống; đời sống phụ thuộc hoàn toàn vào sản xuất nông nghiệp, trước đây tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 90%, đến nay chỉ còn 45%. Với mong muốn buôn làng được ổn định bền vững, không để bà con “cái bụng đói, cái đầu không thông”, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh, mà trực tiếp là Ban CHQS huyện Buôn Đôn đã đẩy mạnh công tác dân vận, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cùng vào cuộc, vận động tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với bà con; giúp bà con thay đổi tập quán sản xuất, không còn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, biết áp dụng khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt.

Đại úy Đinh Phương Nam, Đại đội phó Đại đội 5, Ban CHQS huyện Buôn Đôn cho biết: Trong những năm qua, đơn vị đã tổ chức khơi thông hơn 15 km kênh mương nội đồng, khai hoang đất, dẫn nguồn nước làm một mô hình ruộng lúa nước kiểu mẫu với diện tích trên 700 m2; trực tiếp đến từng gia đình thăm hỏi, động viên, hướng dẫn về kỹ thuật, các bước trong chăm sóc, phát triển các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: trồng điều, hồ tiêu và các loại cây ăn quả như bơ, sầu riêng, xoài… Bộ đội cũng hỗ trợ hàng trăm cây, con giống và các loại phân bón giúp bà con phát triển kinh tế. Đơn cử như gia đình chị H’Thang là hộ nghèo, neo đơn trong buôn. Trước đây, dù chỉ có một sào ruộng nhưng vì hoàn cảnh neo đơn nên chị H’Thang không biết xoay xở thế nào cho kịp vụ mùa. Trước hoàn cảnh đó, các chiến sĩ Ban CHQS huyện Buôn Đôn đã giúp đỡ chị ngày công làm ruộng, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc lúa đúng kỹ thuật, cho năng suất cao.

Bộ đội làm vệ sinh đường nội buôn Đrang Phốk.
Bộ đội làm vệ sinh đường nội buôn Đrang Phốk.

Bên cạnh đó, trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Buôn Đôn còn hỗ trợ sửa chữa được 10 ngôi nhà cho các hộ nghèo; xây tặng 1 ngôi nhà Tình nghĩa; nhận giúp đỡ 5 gia đình chính sách phát triển kinh tế, giúp nhân dân hàng nghìn ngày công thu hoạch hoa màu; phối hợp với Bệnh viện Quân y 175, Bệnh xá 48 (Bộ CHQS tỉnh) tổ chức 2 đợt khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân trong buôn với kinh phí gần 150 triệu đồng; thăm hỏi tặng trên 300 suất quà; tổ chức cho bà con vui xuân đón Tết, giao lưu văn hóa, văn nghệ, các đợt hớt tóc cho người dân; làm mới, sửa chữa nhà cộng đồng và 5 km đường nội buôn.

Buôn Đrang Phốk hôm nay đã khởi sắc hơn, những nếp nhà kiên cố ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Các cán bộ, chiến sĩ được bà con xem như “những người con của buôn làng” bởi chính họ là người luôn bám buôn, động viên bà con chung tay xây dựng vùng biên ổn định về an ninh chính trị, ngày càng phát triển về kinh tế, thắt chặt tình cảm gắn bó quân - dân.

Phan Diệm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.