Multimedia Đọc Báo in

Những "hạt nhân" trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

08:28, 27/04/2019

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vừa tổ chức gặp mặt, biểu dương 20 cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số có nhiều thành tích trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đây cũng là những “hạt nhân” nòng cốt tại địa phương cơ sở, góp phần quan trọng xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân…

Vinh dự được tham gia buổi gặp mặt, ông Ma Bá Chuyến, người dân tộc Tày đến từ xã biên giới Ia R’vê (huyện Ea Súp) khiêm tốn chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác huy động toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Xã biên giới Ia R’vê có diện tích hơn 22.000 ha, có 2.062 hộ, 6.710 nhân khẩu với 20 dân tộc anh em cùng chung sống.

Vinh dự, tự hào sinh sống nơi phên dậu Tổ quốc, với ý thức, trách nhiệm của một công dân, bằng uy tín của một người dân đã gắn bó từ những ngày đầu thành lập xã, ông Ma Bá Chuyến đã không quản thời gian, công sức đi khắp địa bàn 14 thôn, tích cực tuyên truyền, vận động bà con ý thức tự giác tuân thủ các quy định của pháp luật, không vi phạm quy chế biên giới, săn bắt, vượt biên trái phép. Bên cạnh đó ông đã phối hợp, xây dựng 14 tổ tự quản đường biên, mốc giới với hàng trăm tổ viên tham gia. Cùng với các chiến sĩ biên phòng, lực lượng này đã tạo nên một bức tường thành vững chắc, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả trong công tác bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. 

Ông Ma Bá Chuyến trình bày tham luận tại buổi gặp mặt.
Ông Ma Bá Chuyến trình bày tham luận tại buổi gặp mặt.

Đến từ buôn Kô Tam, xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột), già làng Y Rah Êban lại có cách làm hay giúp gắn kết các dân tộc anh em trên địa bàn thông qua việc hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho các hộ đồng bào dân tộc Êđê nơi đây. Là người nhanh nhạy, nắm bắt nhu cầu thị trường, khi thấy tiềm năng, lợi ích kinh tế to lớn của cây sầu riêng, từ những năm 2000, ông Y Rah Êban đã mạnh dạn đầu tư trồng hơn 80 cây sầu riêng và học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc để cây sinh trưởng tốt. Thành quả từ việc trồng cây sầu riêng đem lại cho gia đình ông thu nhập trung bình mỗi năm từ 2-4 tỷ đồng, đỉnh điểm khi sầu  riêng có giá, gia đình ông thu nhập đến 9 tỷ đồng/năm.

Kinh tế vững vàng, am hiểu kỹ thuật, ông luôn nhiệt tình, sẵn sàng hỗ trợ cây giống, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc sầu riêng cho bà con khó khăn trong buôn. Nhiều hộ đồng bào dân tộc Êđê trên địa bàn xã nhờ sự giúp đỡ chí tình của ông Y Rah mà kinh tế gia đình đã ổn định, cải thiện thu nhập, con cái chí thú làm ăn, tránh sa vào các tệ nạn, góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.

Già làng Y Rah Êban chia sẻ cách làm, giúp bà con phát triển kinh tế.
Già làng Y Rah Êban chia sẻ cách làm, giúp bà con phát triển kinh tế.

Đã có thâm niên 27 năm, kinh qua qua nhiều cương vị công tác, như chủ tịch, bí thư, ông KSơn Ngãi (xã Ea Na, huyện Krông Ana) được bà con trong buôn tín nhiệm, nể trọng, xem như “cây đại thụ” của buôn làng. Với những am hiểu về phong tục tập quán của bà con, được trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật, cộng thêm kỹ năng, phương pháp hòa giải linh hoạt, phù hợp, ông KSơn Ngãi cùng lực lượng công an tham gia hòa giải thành công hàng chục vụ mâu thuẫn liên quan đến lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, đặc biệt là đất đai.

Xã Ea Na có nhiều dân tộc sinh sống, trong đó một bộ phận dân di cư từ phía Bắc vào lập nghiệp, sự khác biệt về phong tục tập quán, những bất đồng về ngôn ngữ đã dẫn đến những vụ việc tranh giành, lấn chiếm đất đai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự. Bằng uy tín của mình, ông KSơn Ngãi đã đến từng nhà, gặp gỡ các gia đình tuyên truyền giải thích chính sách di dân, định cư của Đảng, Nhà nước cho bà con nhận thức một cách đầy đủ, thấu đáo, từ đó mọi người xóa bỏ mọi mâu thuẫn, đoàn kết giúp đỡ hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, giữ gìn phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc.

Ông KSơn Ngãi chia sẻ kinh nghiệm trong công tác hòa giải với phóng viên báo chí.
Ông KSơn Ngãi chia sẻ kinh nghiệm trong công tác hòa giải với phóng viên báo chí.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Y Dec H’đơk cho biết: “Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.020 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Bằng uy tín, trách nhiệm của bản thân, họ luôn tiên phong, xung kích đi đầu trong công tác vận động bà con chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nêu cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch”. Đội ngũ những người có uy tín có mặt ở tất cả 184 thôn, buôn của các huyện, thị xã, thành phố. Bằng những cách làm hay, hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm tình hình cụ thể của từng địa phương, họ đã góp phần quan trọng tạo sự chuyển hóa những địa bàn phức tạp, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Thời gian qua, những người có uy tín đã góp phần củng cố, xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của 384 mô hình quần chúng tự quản an ninh trật tự; 2.400 tổ an ninh nhân dân. Hằng năm lực lượng này tham gia hòa giải thành công nhiều vụ tranh chấp; cung cấp nhiều tin báo tố giác tội phạm có giá trị cho cơ quan công an phá án.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.