Những người gieo hạt giống tâm hồn
Rẽ đêm vận động học sinh trở lại lớp
Đêm. Những con đường đất quanh co, nhỏ hẹp, không điện chiếu sáng ở xã vùng biên Krông Na (huyện Buôn Đôn) như thêm phần hun hút, thinh vắng. Ấy vậy mà chiếc xe máy của Thiếu tá QNCN Trần Thế Hiền (Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Sêrêpốk) cùng các thành viên trong đoàn công tác vẫn băng băng khắp các buôn làng. Theo danh sách nhà trường gửi về, các anh sẽ tới 6 hộ gia đình có con em nghỉ học để vận động các em trở lại lớp.
Thiếu tá Trần Thế Hiền cho hay, khi có thông báo của nhà trường, Đội Vận động quần chúng sẽ độc lập, hoặc phối hợp với Hội Khuyến học xã, Hội Cha mẹ học sinh cùng tham gia vận động. Thông thường, đoàn công tác phải đến vào giờ trưa, hoặc tối mới gặp được phụ huynh, học sinh, vì đa phần thời gian còn lại trong ngày họ đều lên nương rẫy, rất hiếm khi ở nhà.
Đoàn công tác đến từng nhà có học sinh nghỉ học để vận động các em trở lại trường. |
Rẽ theo con đường đất đỏ, đoàn công tác đến thăm nhà em Y Khuyên Rya (buôn Ea Rông). Trò chuyện cùng Y Khuyên và người mẹ H’Tươi Rya bên sàn nhà, các anh hiểu thêm tâm tình cậu học sinh lớp 8. Khuyên hay ốm vặt, khiến việc học tập ít nhiều ảnh hưởng. Thấy mình chậm tiếp thu hơn bạn đồng trang lứa, cậu bé quyết định nghỉ học dù mẹ đã nhiều lần khuyên can. Xoa mái đầu Y Khuyên, Thiếu tá QNCN Trần Thế Hiền động viên gia đình đưa em đi kiểm tra sức khỏe, đồng thời nhắn nhủ cậu ghé qua Đội công tác địa bàn của Đồn để được cắt tóc miễn phí. Sau một hồi trò chuyện tâm tình cùng các thành viên đoàn công tác, Y Khuyên hứa ngày mai sẽ trở lại lớp.
Rong ruổi trên mọi nẻo đường để động viên học sinh, nhưng không phải lúc nào, đoàn công tác cũng được đền đáp xứng đáng. Không hiếm lần đoàn đến nhà học sinh, nhưng không được cha mẹ, các em tiếp đón. Thậm chí có trường hợp, vừa nghe tiếng xe máy trước cổng, các thành viên trong gia đình liền vội vàng trốn cửa sau. Nhiều trường hợp, phụ huynh còn đồng tình việc nghỉ học của con, bởi họ luôn mong có thêm người phụ giúp làm nương rẫy.
Tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng thường diễn ra nhiều nhất là sau hè, Tết, vụ mùa. Có nhiều nguyên nhân, nhưng theo cô giáo Phạm Thị Loan, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Võ Thị Sáu thì chủ yếu là do học sinh có thói quen, suy nghĩ hạn chế về việc học; cùng với đó là sự hời hợt, thiếu quan tâm của phụ huynh, khiến nhiều học sinh dù được vận động thường xuyên, nhưng vẫn không muốn trở lại lớp…
Gieo hạt giống tâm hồn
Luôn giành sự quan tâm đặc biệt cho trẻ em vùng biên, những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa nhằm tiếp sức các em đến lớp. Đó là những phần quà, học bổng được các anh vận động từ các mạnh thường quân; là hàng trăm chiếc xe đạp để con đường đến trường của các em ngắn lại, hay những tủ sách chất chứa yêu thương, được các anh kêu gọi sự giúp đỡ từ các cá nhân, tập thể khắp mọi miền Tổ quốc. Và hơn cả là thực hiện chương trình “Nâng bước em đến trường” với tổng số 42 học sinh trên địa bàn 4 xã biên giới được đỡ đầu mỗi tháng 500 nghìn đồng/em. Cách thức thực hiện chương trình cũng thật đặc biệt, toàn bộ kinh phí đều do cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh đóng góp, hỗ trợ.
Từ năm 2009 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp vận động gần 400 học sinh bỏ học trở lại trường, tổ chức 5 lớp xóa mù chữ cho 161 người dân trên địa bàn các xã biên giới. |
Nhiều học sinh, dù không nằm trong chương trình, nhưng vẫn luôn nhận được sự trợ giúp chân thành từ người lính quân hàm xanh. Em Hoàng Đăng Khoa (buôn Ea Mar, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) là một trường hợp như thế. Khoa quá nhỏ con so với lứa tuổi 12, bố và em trai bị bệnh kinh niên, sức khỏe yếu ớt, nên mọi việc trong nhà đều do mẹ cáng đáng. Nhiều năm bám địa bàn, biết Khoa có nguy cơ bỏ học do hoàn cảnh gia đình, Đại úy Phan Văn Lâm (Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Sêrêpốk) đã không ngần ngại trích một phần lương để tặng em mỗi tháng. Từ năm 2016 được anh Lâm giúp đỡ, động viên, việc học của Khoa trở nên nhẹ nhàng hơn. Nói về cậu học trò nhỏ, Đại úy Phan Văn Lâm chân thành: “Chúng tôi luôn quan tâm, nhưng không muốn gây áp lực gì nhiều cho em. Bởi thực tế, nơi vùng biên nắng gió, việc Khoa đến trường đều đặn, không để học lực yếu đã là một thành công rồi”.
Thiếu tá QNCN Trần Thế Hiền trò chuyện tâm tình với em Y Khuyên Rya. |
Không chỉ quan tâm đến học sinh, người lính quân hàm xanh còn nặng lòng với công tác xóa mù chữ. Đối tượng tham gia lớp học do các anh phối hợp tổ chức chủ yếu là những người tóc đã ngả màu sương, gia cảnh khó khăn, quanh năm chỉ biết ruộng đồng. Ấy vậy mà mỗi giờ đến lớp, họ luôn được các thầy giáo quân hàm xanh đối xử một cách trân trọng, lễ phép, lịch sự. Không chỉ kiên nhẫn dạy từng con chữ, các anh còn phụ học viên ngày công làm việc nhà, đồng áng; tặng thêm sách vở, dụng cụ học tập và khen thưởng khi học viên có thành tích học tốt.
Tham gia lớp xóa mù khi tuổi đã ngoài 50, bà Lê Thị Dung (thôn Chiềng, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp) càng thấm thía hơn giá trị con chữ. Hơn nửa đời người không biết mặt chữ, khiến mọi việc đối với bà thật quá khó khăn. Biết đọc viết rồi, bà mới thấy tự tin hơn ở bản thân mỗi khi làm bất cứ công việc gì. Bà Dung tâm sự: “Ghi nhận công lao của Bộ đội Biên phòng đối với bà và người dân xã vùng biên Ia Lốp chỉ biết gói gọn bằng hai từ cảm ơn. Cám ơn các chú đã gieo nhiều yêu thương cho vùng biên gian khó”.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc