Multimedia Đọc Báo in

Luôn hướng về nguồn cội

09:16, 14/08/2020
Phát huy truyền thống đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, hằng năm, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hướng về cội nguồn bằng tấm lòng biết ơn chân thành.
 
Từ tháng 6-2016, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Lịch ở xã Hòa Phong, huyện Krông Bông. Mẹ Lịch quê ở TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam, có chồng và con trai hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngoài hỗ trợ tiền mặt mỗi tháng 1 triệu đồng, đơn vị còn cử cán bộ, chiến sĩ thường xuyên thăm hỏi, tặng các đồ dùng, vật dụng thiết yếu, đem đến niềm vui tuổi già cho Mẹ và gia đình.
 
Nhân Ngày Thương binh – Liệt sỹ năm nay, Đoàn công tác của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh do Thượng tá Trần Minh Trọng làm Trưởng đoàn lại đến thăm Mẹ Lịch với tất cả sự tri ân sâu sắc. Đơn vị cử cán bộ quân y khám sức khỏe và hướng dẫn gia đình cách chăm sóc Mẹ; hỏi han công việc trong nhà để có sự giúp đỡ kịp thời, thấu đáo.
 
Đáp lại tình cảm đó, Mẹ Lịch ân cần, trân quý những người con áo lính như chính ruột thịt của mình. Gần như lần nào đón các con đến thăm, Mẹ cũng mặc bộ áo dài truyền thống, thường trực nụ cười hiền hậu, bịn rịn nắm tay chuyện trò. Ở độ tuổi xưa nay hiếm (101 tuổi), nhưng sức khỏe và sự minh mẫn của Mẹ khiến ai cũng phải trầm trồ.
 
Con trai Mẹ, anh Lê Lược cho hay, hằng ngày bà vẫn phụ các con trông coi cửa nhà, làm cỏ, chăm sóc vườn rau, bảo ban con cháu học hành, gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước. Mẹ có được sức khỏe trời phú ấy, một phần là nhờ nguồn động viên tinh thần to lớn từ người thân, bà con làng xóm, chính quyền địa phương và các anh bộ đội.
 
Cán bộ quân y kiểm tra sức khỏe cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Lịch.
Cán bộ quân y kiểm tra sức khỏe cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Lịch.
Không chỉ thường xuyên quan tâm thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng, năm nay Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh còn huy động nguồn lực cơ quan, trích quỹ hỗ trợ xây nhà Tình nghĩa tặng 2 đối tượng chính sách nhân dịp 27-7.
 
Đó là gia đình ông Trần Tiến Dũng (ở phường Thiện An, thị xã Buôn Hồ), quân nhân tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, đang được hưởng trợ cấp theo Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ và gia đình bà H’Giêng Pang Ting (ở xã Krông Nô, huyện Lắk), là quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đang được hưởng chế độ bệnh binh, mất sức lao động 61%. Số tiền hỗ trợ mỗi căn nhà 80 triệu đồng, được trích từ tiền lương, phụ cấp của cán bộ, chiến sĩ, từ quỹ tăng gia sản xuất của đơn vị và vận động từ nguồn xã hội hóa.
 
Góp phần chăm sóc người có công, hiện nay các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh đang nhận phụng dưỡng 13 Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Có ngôi nhà mới, ông Trần Tiến Dũng cảm động: “Các chú bộ đội chân thành, chu đáo hết mức, từ ngày khởi công cho đến lúc hoàn thành đều thăm hỏi, chia sẻ cùng gia đình. Cảm ơn bộ đội Cụ Hồ và chính quyền, địa phương, sự quan tâm của các đơn vị là niềm khích lệ lớn để gia đình tôi cố gắng nhiều hơn trong cuộc sống”.   

Triển khai đa dạng các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, năm nay các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang tỉnh đã tổ chức đến thăm hỏi, tặng quà các cán bộ nguyên là lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị qua các thời kỳ; tổ chức gặp mặt, tặng quà đối tượng người có công, thân nhân liệt sỹ đang công tác tại đơn vị; phối hợp tu sửa, dọn dẹp vệ sinh tại nghĩa trang liệt sỹ, đài tưởng niệm; thăm hỏi thương binh, bệnh binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách trên địa bàn.
 
Thượng tá Trần Duy Hưng, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Krông Bông cho biết, cũng như các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang tỉnh, công tác tri ân người có công luôn được Ban Chỉ huy Quân sự huyện coi trọng. Sự quan tâm của đơn vị tuy còn rất nhỏ bé, nhưng hy vọng sẽ phần nào xoa dịu những đau thương mất mát của người có công, góp phần động viên họ vươn lên trong cuộc sống.
 
Quỳnh Anh
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.