Multimedia Đọc Báo in

Kiên cố hóa chốt phòng chống dịch trên tuyến biên giới

06:16, 15/03/2021

Chia sẻ với những khó khăn, vất vả của bộ đội biên phòng (BĐBP) trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 trên biên giới, vừa qua Bộ Quốc phòng đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị xây dựng các chốt phòng dịch bán kiên cố, góp phần cải thiện đời sống sinh hoạt cho cán bộ, chiến sĩ.

Thượng tá Nguyễn Minh Tuyên, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 BĐBP tỉnh cho biết, hiện nay, trên đoạn biên giới dài hơn 73 km tiếp giáp giữa tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia), đơn vị đã triển khai kiên cố hóa toàn bộ 6 chốt cố định kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 bằng các nhà - chốt bán kiên cố. Những nhà - chốt bán kiên cố này có diện tích 39 m2, nền láng xi măng, khung làm bằng thép tiền chế và những vật liệu chắc, nhẹ. Ưu điểm của loại nhà - chốt này là được thiết kế mô đun hóa, không sử dụng mối hàn nên có thể tháo lắp dễ dàng và có thể tái sử dụng. Thời gian lắp chỉ từ 1 - 2 ngày. Toàn bộ mái và vách được dựng bằng tôn cách âm, cách nhiệt, được chằng néo để chống gió lật.

Đoàn công tác của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh kiểm tra và động viên cán bộ, chiến sĩ  sau khi lắp đặt nhà - chốt bán kiên cố Đồn Biên phòng Ia R'vê.
Đoàn công tác của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh kiểm tra và động viên cán bộ, chiến sĩ sau khi lắp đặt nhà - chốt bán kiên cố Đồn Biên phòng Ia R'vê.

Ngoài diện tích làm việc và nghỉ ngơi, BĐBP tỉnh còn thiết kế bếp nấu ăn, khu vệ sinh, vườn rau xanh, khu chăn nuôi...; đồng thời triển khai đầu tư mua sắm trang thiết bị, doanh cụ đồng bộ cho các nhà - chốt nhằm đảm bảo cho từ 10 cán bộ, chiến sĩ sinh hoạt và công tác. Tổng chi phí cho một nhà - chốt là trên 200 triệu đồng.

Việc kiên cố hóa các chốt phòng dịch khiến cán bộ, chiến sĩ BĐBP đang thực hiện nhiệm vụ trên tuyến biên giới rất phấn khởi, càng an tâm công tác. Chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 của Đồn Biên phòng Sêrêpốk khi mới thành lập được cán bộ, chiến sĩ dựng lên bằng cây gỗ, thưng bạt xung quanh, mái lợp tôn; mùa mưa phải đối mặt với giông lốc, gió rét, còn mùa khô thì phải đối diện với nắng nóng kéo dài, đêm về nhiều côn trùng độc hại. Từ khi thay thế bằng nhà – chốt bán kiên cố này, cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại đây cảm thấy yên tâm, sinh hoạt thuận lợi hơn; mặc dù Tây Nguyên đang bước vào mùa khô, thời tiết nắng nóng nhưng nhờ có hệ thống cách nhiệt nên trong nhà – chốt các cán bộ, chiến sĩ vẫn cảm thấy dễ chịu.

Đoàn công tác của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh kiểm tra hệ thống nước sinh hoạt sau khi lắp đặt nhà - chốt bán kiên cố Đồn Biên phòng Ia R'vê.
Đoàn công tác của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh kiểm tra hệ thống nước sinh hoạt sau khi lắp đặt nhà - chốt bán kiên cố Đồn Biên phòng Ia R'vê.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia R’vê cũng tỏ rõ sự vui mừng khi chốt kiểm soát phòng, chống dịch được nâng cấp. Bởi cách đây chưa lâu, cán bộ, chiến sĩ đơn vị phải sống trong nhà bạt (cấp tiểu đội), nền nhiệt độ trong chốt thường cao hơn nhiệt độ ngoài trời nhiều lần; để tránh nắng nóng nhiều khi cán bộ, chiến sĩ phải mắc võng nằm ngoài rừng. Giờ đây, có nhà bán kiên cố, điều kiện sinh hoạt được cải thiện, cán bộ, chiến sĩ có thêm động lực, yên tâm bám trụ, tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ vững an ninh biên giới, phòng chống dịch Covid-19.

Ngọc Lân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.