Multimedia Đọc Báo in

Những "cột mốc sống" nơi biên giới

06:47, 09/05/2021

Những ngày này, trên tuyến biên giới, các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh đang ngày đêm tuần tra siết chặt đường biên, ngăn chặn người xâm nhập biên giới trái phép mặc cho cái nắng nóng khắc nghiệt của mùa khô…

Sáng sớm, tại chốt phòng, chống dịch COVID-19 Đồn Biên phòng Ia R’vê, tiếng gà gáy như xóa tan bầu không khí yên lặng. Sau chuyến tuần tra xuyên đêm, đội tuần tra 5 người của Thượng úy Hà Khánh Duy cũng vừa về đến chốt. Trong bộ quần áo thấm ướt cơn mưa rừng đêm, Thượng úy Duy nói với mọi người trong chốt: “Sau mấy tháng nắng hạn, đêm qua trời bỗng mưa to, anh em băng rừng tuần tra hầu như ướt hết, trên đường về chốt anh em tranh thủ bắt được vài con ếch, xem như trưa nay có thêm món ếch cải thiện”.

Thượng úy Duy kể: Cách đây vài ngày, khoảng hơn 1 giờ sáng, đội tuần tra của chốt phát hiện một nhóm người chạy xe máy lao nhanh trên đường vành đai rồi chạy thẳng vào nội địa. Ngay lập tức, đội tuần tra báo cáo về đồn, đội công tác địa bàn phối hợp với công an địa phương nhanh chóng đón lõng và chưa đầy 1 giờ sau đã bắt gọn các đối tượng xâm nhập trái phép. Đây chỉ là một trong những tình huống đã được đơn vị lường trước nên cán bộ, chiến sĩ phản ứng rất nhanh. Ở các điểm chốt phòng dịch, bộ đội luôn cảnh giác cao độ, không chủ quan, lơ là bởi ai cũng đều nhận thức được chỉ một chút sơ hở, hậu quả sẽ rất khôn lường.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia R'vê tuần tra đêm trên biên giới.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia R'vê tuần tra đêm trên biên giới.

Chia tay cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia R'vê, chúng tôi đến chốt kiểm soát phòng, chống dịch Đồn Biên phòng Sêrêpốk vừa lúc mặt trời gần đứng bóng. Bước xuống xe, chúng tôi gần như bị choáng bởi sự chênh lệch nhiệt độ trong xe và ngoài trời. Nhiệt độ ngoài trời lúc này phải trên 40 độ, cảm giác cái nóng như muốn cháy da thịt. Cảnh tượng biên giới mùa này thật khắc nghiệt, cây cối trụi lá. Được sự đồng ý của Thiếu tá Phạm Văn Hiếu, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sêrêpốk, chúng tôi theo bước các anh đi tuần tra.

Chúng tôi vừa đi vừa chạy mới theo kịp bước chân tuần tra của các chiến sĩ. Thấy chúng tôi mồ hôi đầm đìa, Thiếu tá Phạm Văn Hiếu chia sẻ: “Để quen với khí hậu khắc nghiệt này, những người lính phải rèn luyện rất nhiều”. Quả thật, cần phải có tinh thần nỗ lực rất lớn để vượt qua được những khó khăn về điều kiện thời tiết, sinh hoạt nơi biên giới khắc nghiệt này. Tranh thủ phút giải lao dưới vách đá, Thượng úy Bun Bơ Lào nói: “Mỗi lần đi tuần như thế này, ngoài lương thực thực phẩm mang theo thì mỗi chiến sĩ luôn phải có bi đông đựng nước. Để có thêm sức khỏe, bộ đội thường xuyên rèn luyện thể lực và bổ sung thêm dưỡng chất. Vậy nên, tại chốt anh em cũng tự tăng gia thêm rau xanh, chăn nuôi gia cầm. Thời điểm quan trọng như thế này, mọi người xác định không được ốm. Nếu một người ốm, anh em sẽ vất vả hơn, nhiệm vụ sẽ khó khăn hơn”.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sêrêpốk tuần tra biên giới dưới thời tiết nắng nóng của Tây Nguyên.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sêrêpốk tuần tra biên giới dưới thời tiết nắng nóng của Tây Nguyên.

Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: Đường biên giới giữa tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Mondulkiri (Campuchia) dài hơn 73 km vừa trên sông suối vừa trên đất liền. Vào thời điểm mùa khô, đường qua lại biên giới dễ dàng hơn, gần như đâu cũng có thể là lối mòn, đường mòn. Trong khi đó, công tác phân giới mới đạt khoảng 53%, chủ yếu là đường biên giới trên sông suối, còn lại đường biên giới trên đất liền chưa phân giới. Đối với những đoạn chưa phân giới này, dấu hiệu đường biên giới chưa rõ ràng dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật, vô ý qua lại biên giới trái phép và cũng không loại trừ khả năng các đối tượng lợi dụng để vượt biên, xâm nhập, mang theo dịch bệnh vào đất nước. Với những yếu tố đó, đòi hỏi lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh phải nỗ lực gấp bội phần mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Đã bước sang năm thứ hai xảy ra dịch COVID-19, Tây Nguyên cũng đã trải qua hai đợt mùa khô cũng là từng ấy thời gian các cán bộ, chiến sĩ biên phòng gác lại việc riêng, xa gia đình kiên trì bám chốt, bám đường biên canh giữ biên cương, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào đất nước.

Ngọc Lân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.