Nhà thơ Quang Dũng hai lần… mượn tên
Quang Dũng – thi sĩ “Xứ Đoài mây trắng bay” với những bài thơ vào loại tuyệt tác như: Tây Tiến, Đôi mắt người Sơn Tây… tạo ra sức truyền cảm mạnh mẽ trong nhiều thế hệ bạn đọc. Đã có nhiều người viết về cuộc đời cùng giai thoại của nhà thơ, nhưng còn có một sự thật còn hơn cả giai thoại chưa được ai nhắc tới, đó là chuyện trong cuộc đời mình, Quang Dũng đã hai lần… mượn tên.
Lần thứ nhất, ông đã mượn tên của người anh họ. Nhà thơ Quang Dũng có tên khai sinh là Bùi Đình Dậu. Đến khi đi học, do thiếu tuổi nên ông đã phải đổi giấy tờ cho người anh con nhà bác, là Bùi Đình Diệm (cụ Diệm thật – nay là cụ Dậu hiện đã hơn 80 tuổi, đang sống cùng con cháu ở Đan Phượng, Hà Nội). Chính vì vậy, khi giới thiệu tiểu sử của nhà thơ Quang Dũng, nhiều sách báo đã ghi tên thật của nhà thơ là: Bùi Đình Dậu (tức Diệm) (theo Kỷ yếu Nhà văn Việt Nam, NXB Hội Nhà văn 2007) hay viết là: Bùi Đình Dậu (còn có tên khác là Diệm) (theo SGK Ngữ văn 12, NXB Giáo dục, 1994).
Lần thứ hai, nhà thơ Quang Dũng đã mượn tên của người con trai cả của mình. Trong bài thơ nổi tiếng Đôi mắt người Sơn Tây có câu: “Mẹ tôi em có gặp đâu không/ Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ”. “Thằng con bé nhỏ” đó tên là Bùi Quang Dũng, con trai cả của nhà thơ. Năm 1949, Bùi Quang Dũng mới 2 tuổi, sống cùng ông bà nội ở quê. Thời gian này, nhà thơ (lúc đó còn chưa lấy bút danh là Quang Dũng) đang phục vụ trong quân đội. Nhớ con trai da diết, nhà thơ đã lấy tên con làm bút danh của mình cho những bài thơ viết trên đường Tây Tiến. Không ngờ, cái tên Quang Dũng ấy đã gắn chặt vào cuộc đời ông. Đến khi con trai đi học thì rắc rối xảy ra, khiến nhà thơ phải dắt con đi làm thủ tục đổi tên từ Bùi Quang Dũng thành Bùi Quang Vĩnh. Anh Quang Vĩnh sau này trở thành nhạc sĩ, giảng dạy ở trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên, còn cái tên khai sinh của mình (Quang Dũng), anh đã nhường cho cha để hình thành một bút danh nổi tiếng trong nền thơ ca Việt Nam: Nhà thơ Quang Dũng.
Ý kiến bạn đọc