Nam Cao làm thơ
Nói đến Nam Cao, người ta nghĩ ngay đến một cây bút văn xuôi kiệt xuất. Nhưng Nam Cao còn là một thi sĩ.
Ông đã làm nhiều thơ, xuất hiện trên thi đàn khá sớm (từ 1936) và với một bút danh rất “yểu điệu thục nữ”: Nguyệt. Thơ của Nguyệt – Nam Cao, về nội dung cũng như hình thức, đại loại như bài “Chiều” dưới đây:
Chiều thắm lại hàng cây yên dáng nhớ
Trăng không lên sao đẫm lệ lu mờ
Tôi khua lòng, lòng ướt át vào thơ
Buồn đẫm cánh không bay nhè nhẹ được
Đời tối quá, em ơi! Tôi nguyện ước
Một bàn tay thắp hộ lửa lòng lên
Một tấm thân ấm áp ghé ngồi bên
Câu dìu dịu vỗ về trong nhức nhối
Đôi tai bạn để nghe lời chim nói
Em xa xôi, tôi cô độc, em ơi!
Còn gì buồn bằng những lúc sương rơi
Từng hạt nặng trên lưng tàu lá chuối
Sương khóc hộ cho đời tôi trơ trọi
Cho đời em lạnh lẽo chốn phòng không
Cho con tim đơn lẻ giữa mênh mông
Những vần thơ ấy đọc lên nghe cũng mùi mẫn, mượt mà, lâm li, sướt mướt dễ lẫn vào giọng điệu bao nhiêu thi sĩ lãng mạn của “cái buổi ban đầu thơ mới ấy” nhưng chẳng hiểu vì lý do gì mà một tâm hồn đa sầu đa cảm ấy, Nguyệt thi sĩ đã trút bỏ được cái lốt “yểu điệu thục nữ” của mình để biến thành một Nam Cao – văn xuôi sắc sảo cường tráng, viết nên những Chí Phèo, Lão Hạc, Đời Thừa, Sống Mòn… và trở thành tên tuổi lừng danh trong trào lưu văn học hiện thực phê phán.
Ý kiến bạn đọc