Multimedia Đọc Báo in

Đến với bài thơ hay: Tổ quốc nhìn từ biển

16:17, 29/09/2011

Tổ quốc nhìn từ biển

Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa.

Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc
Các con nằm thao thức phía Trường Sơn
Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn.

Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không.

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo
Lạc Long cha nay chưa thấy trở về
Lời cha dặn phải giữ từng thước đất
Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi.

Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể
Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù
Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ
Thương Hòn Mê bão tố phía âm u.

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích
Những đau thương trận mạc đã qua rồi
Bao dáng núi còn mang hình góa phụ
Vọng phu buồn vẫn dỗ trẻ, ru nôi

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa
Đã mười lần, giặc đến tự biển Đông
Những ngọn sóng hóa Bạch Đằng, cảm tử
Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng

Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo
Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn
Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy
Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân

Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả
Những chàng trai ra đảo đã quên mình
Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước
Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh.

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi.

Nguyễn Việt Chiến
Trong thời gian qua, bài thơ này được rất nhiều bạn yêu thơ tìm đọc. Điều này cũng dễ hiểu bởi bài thơ đã nói được phần nào ý chí và nguyện vọng của mỗi người dân Việt Nam yêu nước về bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Bài thơ ở thể trường ca mang đậm chất sử thi. Nhà thơ đã nhắc lại lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Bạn đọc bắt gặp các hình ảnh quen thuộc về mẹ Âu Cơ, cha Lạc Long Quân, hòn vọng phu, dáng Tổ quốc ta như một con tàu… trong trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm và “Tổ quốc ta như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó, mũi Cà Mau” trong thơ Xuân Diệu…

Bài thơ đã tạo được sự xúc động trong lòng bạn đọc từ những hình ảnh gợi cảm được tạo nên bởi trái tim yêu thương con người và Tổ quốc Việt Nam của nhà thơ: “Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy/ Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân” và “Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả/ Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn”.

Một cái hay nữa trong bài thơ này là nhà thơ đã tạo được một tứ thơ độc đáo: “Tổ quốc nhìn từ biển”. Tứ thơ mới, mang tầm nhìn của thế kỷ XXI. Từ góc nhìn, tầm nhìn Tổ quốc Việt Nam từ biển, Nguyễn Việt Chiến đã dễ dàng tạo ra lớp lớp sóng cảm xúc về lịch sử, con người Việt Nam và kết lại bằng một xúc cảm dồn nén: “Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất/ Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi”.
Trước đây, giới lý luận đã đưa ra khái niệm “dự báo” khi bàn về chức năng văn học. Điều này, bạn đọc dễ dàng nhận thấy trong bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của Nguyễn Việt Chiến. Bởi lẽ, bài thơ được tác giả viết tại “Trại viết văn nghệ quân đội” tại thành phố Hạ Long tháng 4-2009 nhưng người đọc tưởng như tác giả mới viết xong bài thơ này vào tháng 5, tháng 6-2011 khi mà tàu Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đấy cũng là nét đặc sắc trong bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển”…

Trương Tử Kỳ

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.