Lê Đức Thọ và những vần thơ còn mãi với thời gian
Đồng chí Lê Đức Thọ - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam là một chiến sĩ cách mạng yêu thơ và làm nhiều thơ. Tuy không phải là một nhà thơ chuyên nghiệp, nhưng thơ ông giàu chất sống thực tế, chứa chan tình cảm cách mạng, thiết tha yêu đời, yêu người nên có giá trị truyền cảm lâu dài.
Rồi những mùa xuân cũng nối tiếp đi qua, những năm tháng như những cột mốc ghi nhận những chặng đường để lại, tiếp nối những chặng đường mới. Chặng đường mới bắt đầu từ Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công. Tuy nhiên, tưởng rằng “Ước hẹn năm xưa đã trọn rồi”, mọi người có thể “cùng nhau uống cốc rượu đầy/ Cười lên cho bõ những ngày lầm than”, nhưng với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, thực dân Pháp lại nổ súng gây hấn, cuộc chiến đấu lại tiếp diễn. Hết thực dân Pháp lại đến đế quốc Mỹ, cuộc chiến kéo dài 30 năm. 30 năm, hành trình thơ Lê Đức Thọ lại gắn liền với hai cuộc kháng chiến. Cuộc hành trình đầy gian truân đó đã đưa đến cho thơ ông một chất sống thực. Những cảnh đời, những con người lần lượt hiện ra trên con đường đó. Đó là hình ảnh của những bà mẹ kháng chiến với quán nước ven đường mừng đón người con chiến sĩ vất vả trên chặng đường xa: “Đâu biết ngày nào mong gặp lại/ Miếng trầu bát nước tiễn đưa con/ Tuổi già vui với gian lều hẹp/ Một chút lòng thành gửi nước non” (Người mẹ). Hay cụ thể hơn, đó là hình ảnh của những người mẹ như mẹ Tơm, mẹ Suốt.
Không chỉ có nhà thơ Tố Hữu mới có những vần thơ hay về mẹ Suốt mà hình ảnh mẹ Suốt trong thơ của Lê Đức Thọ cũng đầy xúc động và đọng lại một cách sâu sắc trong ký ức người đọc : “Đò xưa vắng bóng Mẹ rồi/ Nhìn sông nhớ Mẹ ngậm ngùi xót xa/ Quân thù đã giết mẹ ta/ Một đêm mưa gió máu hòa dòng sông/ Mẹ về với những chiến công/ Ghi trang sử đẹp anh hùng Bảo Ninh” (Nhớ mẹ). Không những thế, chỉ một lần gặp gỡ trong chuyến ông đi công tác với người lái thuyền ở mũi Cam Ranh mà hình ảnh con người đó đã đến với thơ như một nhân vật cụ thể đồng thời cũng là biểu tượng cho một người chỉ huy và lãnh đạo tài giỏi con thuyền cách mạng, biết vượt qua hiểm nguy, đạp lên sóng gió : “Tia mắt sáng bừng nhằm thẳng hướng/ Thuyền chờm lượn sóng, quyết chèo qua”.
Đặc biệt xúc động trong thơ Lê Đức Thọ là hình ảnh những người chiến sĩ, những em bé liên lạc. Hình ảnh những người chiến sĩ trong thơ ông mang nét đặc thù riêng, rất đời thường. Trong tập thơ “Nhật ký đường ra tiền tuyến”, ông đã thể hiện được sâu đậm không khí khẩn trương, sôi nổi của cả nước lên đường đánh giặc. Ông dành nhiều trang thơ đẹp đẽ viết về những chiến sĩ lái xe, những cô gái công binh … những người chiến sĩ đang tiếp bước nhau trên đường ra trận. Mỗi người đều có trước mắt cái đích thắng lợi, mang trong tâm hồn một khoảng trời xanh và trong tim là những lời nguyện ước. Lời nguyện ước ấy với ông cũng như bao chiến sĩ trên đường ra trận là lời của non nước, lời căn dặn của đồng chí, đồng bào. Còn các em bé liên lạc - những em nhỏ lẽ ra đang được hưởng thụ những trò chơi dân gian qua những bài đồng dao diệu vợi nhưng vì hoàn cảnh đất nước đang bị giặc ngoại xâm tàn phá nên các em lại phải chịu cảnh vất vả gian truân : “… Rồi từ buổi ấy em liên lạc/ Khi ở Nhã Nam khi Ngọn Rào/ Đường luồn qua rừng rậm/ Hiểm trở và gian lao/ Vách lèn thăm thẳm đứng/ Dốc ngược mấy tầng cao/ Vin cây em lần bước/ Có khi ngã lộn nhào…”. Nhưng gian khổ, vất vả, hiểm nguy đâu ngăn được bước chân em. Với lòng tin tưởng ở Bác Hồ và cách mạng mà ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, các em vẫn cùng với “Lửa đêm mấy ngọn chập chùng/ Trong khuya vắng tiếng chim rừng kêu sương/ Ngày mai trên quãng đường trường/ Có em bé lại dẫn đường bên anh/ Miệng cười chân bước nhanh nhanh/ Như con chim nhỏ trên cành vui tươi” (Em liên lạc).
Vậy đó, thơ Lê Đức Thọ như có hơi thở của sự sống, có những chất liệu đến từ giữa cuộc đời. Có lần ông đã từng tâm sự rằng: “Trong cuộc đời chiến đấu của mình, thơ thường đến với tôi vào những lúc tôi ra đi đến một vùng đất mới. Với tôi, thơ là một loài cây mới, một quê hương mới, những cảnh ngộ mới, những niềm vui nỗi buồn mới, tôi lại muốn đến với thơ như một thôi thúc sâu xa” (Lê Đức Thọ- Một vài suy nghĩ về thơ. Báo Văn nghệ, số 13 (1982). Có phải vậy chăng mà cho đến bây giờ, dù bao năm, bao tháng đã trôi qua, bụi mù thời gian đã phủ lấp nhiều thứ, nhưng những vần thơ như gieo, như khắc của ông vẫn cứ neo trong lòng bạn đọc. Riêng tôi, cho tới giờ phút này, lòng tôi vẫn như ngân rung cùng với lời thơ đầy âm vang mà ông đã làm tại Chiến khu Việt Bắc năm 1947 : “Như mầm non chớm nở/ Những em bé thơ ngây/ Cùng cha anh tiến bước/ Xây đắp một ngày mai/ Tay cầm tay siết chặt/ Mọi tầng lớp nhân dân/ Theo Cha già dân tộc/ Thề quyết giữ giang san/ Non sông bừng tỉnh dậy/ Hoa cỏ một màu tươi/ Lòng người vang nhịp sống/ Một mùa thu muôn đời”… (Thu muôn thuở-1947).
Ý kiến bạn đọc