Multimedia Đọc Báo in

Triết lý nhân sinh từ dòng sông tâm tưởng

14:16, 05/05/2012

Dòng sông một bờ

Có một dòng sông mang tên em

Dòng sông anh tự đặt

Xin mùa thu chiếc lá làm thuyền

 

Có một dòng sông trôi vào lãng quên

Nước trong như nước mắt

Điều chưa đến mà sao thấy mất

 

Có một dòng sông chỉ có một bờ

Phía bờ kia quay mặt

Dòng sông anh không qua được bao giờ.

Nguyễn Khắc Thạch

 

Tôi biết nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch trong những năm tháng sống ở Huế. Ngày đó không dám nói là người yêu thơ nhưng chúng tôi đọc thơ rất nhiều. Hầu hết những cây bút thơ ở Huế chúng tôi đều biết đến, trong đó có nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch. Thơ anh không diễn đạt theo kiểu dàn trải giống như một số nhà thơ khác, trái lại, thơ anh ngắn gọn cô đọng mang chiều sâu triết lý nhân sinh. “Dòng sông một bờ” là một bài thơ như thế.

“Dòng sông một bờ” cũng là tên một tập thơ riêng của anh. Bài thơ ngắn gọn 3 khổ 9 câu được viết theo lối thơ tự do nên cảm xúc không gò bó mà câu thơ được diễn đạt đi đến tận chiều sâu tâm hồn. Bài thơ cũng nhắc nhở, mách bảo một điều gì đó hình như qua rồi và không trở lại để cả ý thơ là một sự nuối tiếc xót xa. Cũng là “anh, em” đấy nhưng cách thể hiện của Nguyễn Khắc Thạch có những nét rất riêng. Đại từ “em” ở ngôi thứ hai như vừa thực vừa hư.

Mượn hình ảnh quen thuộc là dòng sông và danh từ “em” tác giả bày tỏ cảm xúc trữ tình: “Có một dòng sông mang tên em”. Mới đọc câu thơ đầu ta cứ tưởng đây là một sự thực. Có thể đây là dòng sông nào đấy quen thuộc nơi anh: sông Lam, sông Gianh hay sông Hương? Bởi anh sinh  ra ở xứ Nghệ, lấy vợ ở Quảng Bình và bây giờ định cư tại Huế. Nhưng không, đến câu thứ  hai sự thật lại không ngờ. Đây không phải là dòng sông có thật mà là “dòng sông anh tự đặt”, thế rồi ta như bắt gặp câu chuyện riêng tư cứ bồng bềnh trôi trên dòng sông không xác định đó. “Xin mùa thu chiếc lá làm thuyền”. Chiếc lá hư hay thực, ở đây chiếc lá là câu chuyện. Dù hư hay thực thì so với dòng sông chiếc lá kia quá nhỏ bé trước không gian, thời gian rộng lớn mênh mông… Cách dùng từ rất hay, “xin” chứ không phải mượn. Từ “xin” cùng với cách dừng câu thơ thứ ba đột ngột và sang khổ với cảm giác hụt hẫng trống không để lại nhiều ấn tượng về hai mặt của hai chiều nội dung và hình thức thơ.

Sang khổ thơ thứ hai, nhà thơ lại tiếp tục nói về dòng sông. Ở đây không còn là dòng sông phiếm chỉ như dòng sông trong khổ thơ thứ nhất mà là dòng sông khẳng định. “Dòng sông trôi vào lãng quên”. Câu chuyện đã được chuyển sang một thời điểm khác, thời điểm quay về với nuối tiếc xót xa cho nên dòng sông ấy chỉ còn trong hoài niệm. “Nước trong như nước mắt”, có nước gì trong hơn nước mắt bao giờ nhưng có lẽ nước mắt cho  riêng mình lại càng trong và mặn mà hơn. Dòng sông hoài niệm thì làm gì có nước, chỉ có nước mắt mà thôi. Một cách so sánh ngầm hoàn toàn mới lạ rất phù hợp với nội dung bài thơ. Đến đây, người viết trực tiếp giãi bày tâm sự của mình một cách rõ ràng. “Điều chưa đến mà sao thấy mất” – câu thơ hay đến không ngờ. Điều đến rồi mất đã đành nhưng điều chưa đến lại mất, mất trước cái thời điểm hiện tại lại càng hay hơn. Xuân Diệu cũng đã từng viết: "Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt". Cũng ý thơ đó nhưng Nguyễn Khắc Thạch không nói thế. Anh khẳng định điều mất là điều chưa đến, thế mới hay.

Khổ thơ thứ ba: “Có một dòng sông chỉ có một bờ/ Phía bờ kia quay mặt/ Dòng sông anh không qua được bao giờ”. Khác với hai khổ thơ trên “dòng sông mang tên em” và “dòng sông trôi vào lãng quên” người nghe như hợp lý. Còn dòng sông ở khổ thơ thứ ba thì “dòng sông chỉ có một bờ” người đọc thấy không có nghĩa, nhưng đem đối chiếu theo mạch logíc bài thơ thì ta thấy hoàn toàn hợp lý. Bởi xét ở nghĩa thứ hai thì dòng sông đó cũng là tâm sự riêng của nhà thơ. Nếu như nhà thơ khẳng định dòng sông một bờ thì sang câu hai lại tiếp tục giãi bày: “Phía bờ kia quay mặt”. Dòng sông có quay mặt được không hay chỉ là điều trắc ẩn. Tác giả dùng biện pháp nghệ thuật nhân hóa để biến dòng sông “danh từ” sang dòng sông “động từ”. “Quay mặt” vì sao? Quay mặt là giận hờn, không đồng ý, là từ chối…để một mình đứng  lại với thời gian ngóng trông, cho nên cuối cùng nhà thơ khẳng định “Dòng sông anh không qua được bao giờ”.

Dòng sông đã trở thành tâm điểm chính đi suốt chiều dài bài thơ. Nó là đối tượng để tác giả bày tỏ và gửi gắm cảm xúc của chính mình. Dòng sông ở đây vừa mang ý nghĩa tả thực vừa mang ý nghĩa tượng trưng. Cái thực là cái ta biết đến để sống và sẻ chia. Cái tượng trưng là cái trong tâm tưởng theo ta suốt cuộc đời, lúc nào đó ta chạnh lòng nhớ lại và cảm thấy nhói đau.

Dòng sông là dòng chảy, trôi đi phù sa đất đai và kỷ niệm của con người. Nhưng dòng sông trong bài thơ là dòng sông một bờ. Dòng sông không qua được bờ bên kia là một dòng sông khác. Theo tôi đây cũng là dòng sông tâm tưởng, dòng sông thời gian. Bởi thời gian trôi đi mãi mãi chẳng trở lại bao giờ. Một bờ là hiện tại còn phía bờ kia là quá khứ nên con người không thể quay lại kỷ niệm xưa. Kỷ niệm sẽ đẹp và nhớ mãi trong mỗi con người. Đây cũng là triết lý nhân sinh của bài thơ.

Đào Tấn Trực


Ý kiến bạn đọc