Viên đá – Thơ – Tiếng dao băm âm vọng (Đọc tập Nguyên sơ – Thơ Nguyễn Đức Khẩn – NXB Văn học 2012)
Nguyễn Đức Khẩn viết chưa nhiều, nhưng rất mừng được thấy một tâm hồn thơ viết được những câu thơ thật là thơ.
Quỳnh Ngọc tôi ơi! Bài thơ mở đầu tập thơ cứ xoáy vào người đọc bởi tiếng dao băm khoai sắn ở vùng kinh tế mới:
Những em bé sinh ra
Âm thanh đầu tiên sau tiếng khóc
Là tiếng dao băm khoai sắn ran làng.
Gian nan chồng chất khi mới từ Thái Bình chuyển cư vào Dak Lak xây dựng quê hương mới. Lớp trẻ lớn lên theo năm tháng, làm đủ các ngành nghề, có cả bác sĩ, kỹ sư… thoát khỏi cảnh lầm than, riêng tiếng dao băm vẫn âm vọng, xa xót đến nhói lòng, càng thương nhớ lớp ông cha:
Tiếng dao băm còn vọng đến bây giờ
(Một nửa tiếng dao băm đã đi về đất
Một nửa thành Quỳnh Ngọc –
ba thôn).
Hành trình đời người theo quy luật tự nhiên, trẻ em thì lớn lên, người già thêm tuổi thọ cũng là thêm gần đất xa trời:
Cụ già tám mươi không nhớ
Bao mùa xuân ăn vãn đời mình?
Vầng xuân
Từ ăn vãn lạ mà hay. Mỗi mùa xuân đến thêm mòn vẹt cuộc đời cho đến không còn nữa.
Nhà buôn cộng sổ
Mải quên không cộng thêm tuổi tác
Vầng xuân
Triết lý nhẹ nhàng, con người mải mê với lỗ lãi mà quên đi cái lỗ thực của thời gian để bước vào lão hóa.
Nguyễn Đức Khẩn có những câu thơ viết về mẹ không giống với các nhà thơ khác:
Nhổ sợi bạc trên đầu
bập bõm soi tìm kỷ niệm
Lúc nhớ lúc quên
mòn câu kinh nguyện
Cõng nắng bơi sương
tìm sự sống nuôi già
Mẹ tôi
Thơ thật và cảm động, thể hiện sự kính thương người mẹ cả cuộc đời tần tảo tám mươi năm nên đã nhớ nhớ, quên quên. Bập bõm soi tìm, cõng nắng bơi sương là những cụm từ sáng tạo. Sự cần cù của mẹ cũng là điểm chung của bao bà mẹ, chỉ có qua gian khổ mới có thói quen hay lam hay làm ấy:
Mẹ quen nghĩ: nghỉ ngơi là có tội
Chân tay thừa nhặt que lá rụng rơi.
Tập thơ có bài Gọi buồn viết về cô gái lầm đường. Ghét đấy mà thương đấy. Kiếm được tiền và có thể có nhiều tiền nhưng soi phận mình, cô gái càng buồn, không thể trở về mái nhà xưa:
Và em
Những – nốt – thăng – trầm
Không thể nối vào bản giao hưởng cũ…
Chỉ có nỗi buồn
Gọi những nỗi buồn khác buồn hơn
Thông cảm với người phụ nữ bị đứt gánh giữa đường, đơn độc, lẻ loi tủi phận mình, chỉ còn tìm chỗ dựa tinh thần là con cháu, đối diện với màn đêm:
Người đàn bà… giữa đường
Bỗng biến thành ngôi sao cô đơn
Bị mặt trời săn đuổi
Người đàn bà đứt gánh
Tập Nguyên sơ có những bài khá hay, nêu được tâm trạng cần giãi bày qua thể thơ tự do. Câu ngắn nên dồn nén, lắng đọng. Tính triết lý từ đó gợi ra:
Cảm ơn sự nghèo khó
Giúp ta biết sẻ chia
Cảm ơn sự phản bội
Trả ta về với cội nguồn chung thủy
Xin cảm ơn người
Thường thì người ta cảm ơn vận may, cảm ơn người tốt, giúp đỡ mình. Ở đây, Nguyễn Đức Khẩn cảm ơn sự nghèo khó, cảm ơn sự phản bội. Cái sự lạ làm câu thơ đứng lại, không bị trôi tuột đi.
Triết lý nhân sinh được đẩy lên qua giọt khóc, nụ cười. Sự đồng cảm, sẻ chia, yêu thương hết mình mới có thể được:
Lấy được giọt khóc
Phải khóc nhiều hơn thế
Lấy được nụ cười
Càng phải khóc nhiều hơn
Ấy là đời
Có thể những câu thơ triết lý của Nguyễn Đức Khẩn còn đọng lại được là do đã trải nghiệm cuộc đời gian nan, gần vào tuổi thất thập.
Sinh năm 1946 tại Tam Quang, Vũ Thư, Thái Bình nhưng già nửa cuộc đời lại lập nghiệp ở Ea Na, huyện Krông Ana, Dak Lak. Sau tập Điệp khúc thương thương, xứng đáng trở thành hội viên Hội Văn nghệ Dak Lak, thơ anh ổn định và chững chạc dần, được in rải rác trên các báo chí Trung ương, địa phương, được tuyển chọn vào các tập Bốn mùa thơ, Tuyển thơ Dak Lak.
Nguyễn Đức Khẩn chân chất, có vẻ chậm chạp nhưng sự chậm chạp ấy là đằm sâu của suy tư. Biết mình cũng là biết người. Bài Viên đá thể hiện lẽ sống, quan niệm sống:
Tôi biết thân phận tôi
Viên đá đời chân thật
Nếu đem ra rải đường
Được kê cao quê hương
Tôi thấy mình hạnh phúc!
Mừng cho Nguyễn Đức Khẩn, mừng cho tập thơ Nguyên sơ. Viên đá này đã góp phần kê cao quê hương Thái Bình, Dak Lak, góp một tiếng thơ mới lạ. Viên đá – thơ – tiếng dao băm âm vọng.
Hữu Chỉnh
Ý kiến bạn đọc