Multimedia Đọc Báo in

Rừng cổ tích - những ám ảnh ký ức về rừng

13:41, 03/11/2012

(Đọc trường ca Rừng cổ tích – tác giả Đặng Bá Tiến, NXB Hội Nhà văn, năm 2012)

Khi nhiều thứ trong cuộc đời đã hóa thành cổ tích thì tôi được đọc trường ca Rừng cổ tích của nhà báo, nhà thơ Đặng Bá Tiến.

Có những cái tên mang âm hưởng của sự cảnh báo và dự đoán, nhưng cái tên của trường ca này không mơ hồ như thế, mà là sự thật đến phũ phàng của Tây Nguyên hôm nay. Chữ “rừng” chùng xuống nghẹn ngào và “cổ tích” vút lên lần cuối cho sự mất rừng ở xứ sở nổi tiếng một thời khi chiều xuống loang đầy rừng lạnh. Trước và sau trường ca này, rừng còn ám ảnh bao nhiêu nhà thơ nữa trong vang vọng của chữ và dự đoán của thi sĩ? Chữ “cổ tích” không những làm tính từ, bổ nghĩa cho chữ “rừng” mà còn phải bổ nghĩa cho bao nhiêu điều/thứ/cái nữa chúng ta đành buông tay để mọi thứ thành cổ tích giữa thế kỷ 21 này?

Ám ảnh rừng xuyên suốt trường ca. Rừng là cánh cửa mở ra, cũng chính là cánh cửa để khép lại, nhưng không kết thúc mà hướng người đọc đến những cảm xúc khác. Sự đau đớn vì con người đã tàn phá một vùng thiên nhiên hùng vĩ đến cạn kiệt cứ xoáy mãi vào lòng người đọc hôm nay; tiếng dội của nó còn âm vang ở bên ngoài tác phẩm, tê dại.

Rừng cổ tích gồm 10 chương, trong đó 2 chương cuối Hồi tưởngVĩ thanh có dung lượng nhỏ nhắn như một bài thơ trữ tình mà tác giả hóa thân thành nhân vật “anh” của câu chuyện trữ tình để khép lại sự đau đớn và tuyệt vọng, ánh lên lần cuối sự lạc quan mà ít người làm thơ hôm nay vẫn còn giữ được:

CHƯƠNG IX: HỒI TƯỞNG

Mười năm

rồi… ba mươi năm trôi

đêm nay anh ngồi bên dòng Sêrêpôk

mẹ thương anh héo lòng

đã về cùng cái đất

H’Lan chờ anh tóc đã sợi trắng, sợi xanh

 

30 năm

đám cưới chưa thành

sống giữa thời bình mà thời gian hẹp quá

người chờ đợi vẫn ngồi mòn bậc đá

nửa trái tim anh vẫn thao thức nỗi rừng…

 

30 năm anh nào có phút dừng

mà chẳng kịp tới hôn trường khi son trẻ

mà chẳng kịp làm vui lòng mẹ

mẹ ơi

mẹ thương con xin thương cả những dại khờ…

CHƯƠNG X: VĨ THANH

Từ ấy

giữa rừng Bản Đôn có căn gác đơn sơ

vợ chồng người gác rừng sống với lá hoa, muông thú

cổ thụ chín tầng cành, xòe ô che chở

mỗi ban mai chim hát, múa quanh nhà  

mỗi chiều tà

tù và lại rúc lên bổng trầm tha thiết

cây nghe tiếng tù và xanh biếc, đầy hoa

chim nghe tiếng tù và lời ca thêm thánh thót

voi nghe tiếng tù và ngà mọc dài thêm…

 

Rừng Bản Đôn nổi tiếng linh thiêng

mấy thế kỷ sau tiếng tù và còn vọng

giữa rừng đêm lúc trầm lúc bổng  

như ru cây, ru muông thú ngủ yên lành

như người gác rừng chưa khuất

vẫn cầm canh

giữ cho rừng bình yên mãi mãi!

Tám chương còn lại “rừng” và “anh” thay nhau là nhân vật của cảm xúc thẩm mỹ. Cái mà nhà thơ tìm kiếm vẫn nằm trong mạch kể chuyện của một trường ca cổ điển, nhưng nó lôi cuốn chúng ta bởi tiết tấu, vận tốc của chữ, cú pháp, cách diễn đạt… Tất cả đều tràn đầy nồng nhiệt của một người yêu rừng như con trai yêu người Mẹ. Những cơn sóng dồn dập từ lúc:

Ấy là những đêm hành quân

được chợp mắt trong hương rừng

trong tiếng suối ru

trong bàn tay vuốt ve của lá

anh đã mơ…

Một chút binh đao, khói lửa chiến tranh được gợi lại làm đề từ:

hết Tây Nguyên

tràn về Bình Phước, Đồng Nai

anh đi

nhưng tâm trí tình yêu ở lại

với cánh rừng bạt ngàn

dòng sông thác trắng, hùng vĩ, mộng mơ

Để cuối cùng “anh” trở lại “rừng”:

anh tự dặn mình phải trở lại nơi đây

trở lại với điệp trùng rừng cây

trở lại với những mùa lễ hội

những mùa săn voi

những đêm ăn trâu

những ngày cúng thần bến nước, cúng thần cây đa

những đêm rượu cần mềm môi

những ngày tìm ong

những ngày lấy măng

những mùa trỉa bắp…

 

Sẽ trở lại nơi này

sống chết với đất này

anh nguyện với lòng anh!

Những biến tấu này không có gì khác hơn là tình yêu cháy bỏng với rừng, là tiếng gọi tha thiết: rừng ơi…

Tám chương còn lại, số 8 tình cờ hay nhà thơ cố ý, để 8 cuộc ganh đua về âm thanh và chữ nghĩa chạy theo nhau suốt từng chương, cả khi nhà thơ thương quê mới ngẫu hứng nhớ về quê cũ:   

ngả nghiêng với nỗi nhớ quê

dẫu làng Chùa nơi anh cắt rốn, chôn nhau tháng tám ngày ba sống nhờ đọt mưng, khoai chạc

nỗi nhớ mẹ cồn lên như ghềnh như thác

năm nay mẹ đã bảy mươi tròn

ngày anh đi đã nửa đầu tóc bạc

giờ mẹ còn ngồi vuốt ngực đợi chờ anh?

người yêu giờ đã lỡ tuổi xuân xanh

đã lấy chồng?

hay còn chờ anh thì khổ

ngày chia tay cả nụ hôn cũng vội vàng dang dở

dang dở cả ngàn đêm

không tròn giấc ngủ…

Cắt ngang những tâm sự ấy, nhà thơ trở lại với ám ảnh truyền kiếp của rừng. Rõ ràng rừng quyến rũ nhà thơ hơn cả, kéo “anh” vào những con chữ, đôi khi làm “anh” quên kể chuyện với những thi hứng bất ngờ. Tình yêu, và bây giờ là sự tuyệt vọng khi rừng đã mất, là điểm xuất phát và cũng là cái đích của “anh”. Nhưng quan trọng nhất, những tình cảm ấy rất cổ điển, rất thơ.

“Anh” làm trung tâm thì “rừng” làm đối trọng, cả hai thay nhau vị trí như người đang soi gương, gặng hỏi, tha thứ, đau đớn, trách móc, những khía cạnh nhỏ nhất, vô định nhất của tâm hồn nhà thơ. Không phải ngẫu nhiên mà nhà báo, nhà thơ Đặng Bá Tiến rất say mê chụp ảnh, vì “anh” luôn luôn muốn ngắm nhìn thế giới xanh biếc, ngắm nhìn “rừng” qua ống kính của mình, ống kính tâm hồn và ống kính nghệ sĩ. Con đường làm anh chọn lựa vùng đất này và cũng là con đường để anh dấn thân thành nghệ sĩ, tìm những khúc quanh của đời mình, lý giải hành trình đến với thơ ca và nghệ thuật.

Một chi tiết thú vị khi anh cho câu hát ay-ray và câu ví dặm “hợp hôn” với nhau, như máu của chàng trai xứ Nghệ chảy trong tim của cô gái Êđê, như biển gặp rừng, như Lạc Long Quân gặp Âu Cơ trong truyền thuyết lãng mạn sinh ra dân tộc. Cuộc tình ảo hay thật này đã làm cho hai nền văn hóa lồng vào nhau, như người nghệ sĩ hằng ngày soi gương và tự vấn. Nó là âm hưởng của những phản chiếu, những thay đổi của chính Tây Nguyên những tháng ngày này:

Ôi câu ay-ray

ôi câu ví dặm

ta muốn rước về ở chung một buồng tim

ta muốn đưa về ở chung một bếp

ta muốn chiều chiều ngồi trên bến nước

nghe khúc ay-ray và nghe câu ví dặm ân tình

ta muốn đứa con yêu thương của ta được ru bằng câu

ví dặm của cha                    

được nựng ngọt ngào bằng lời ay-ray của mẹ

nó sẽ lớn lên với vóc hình dũng sĩ

có tâm hồn thiết tha như câu ví

và nồng nàn mơ mộng như điệu ay-ray

Rừng đã mất. Nhưng thời gian và ám ảnh liệu có còn? Và đó là sự níu giữ của trường ca với những suy nghĩ về hiện tại đang diễn ra, hoang mang vì sự ngắn ngủi, mong manh… gần như không tồn tại của nó. Điều đau xót đến vô lý này đã xảy ra ở Tây Nguyên, và đã lấy đi của chúng ta một trong những vùng rừng đẹp nhất. Rừng cổ tích và không biết bao nhiêu chữ nghĩa đã đổ xuống còn hơn nước mắt Nữ thần Mặt Trời, để kêu cứu và tuyệt vọng cùng rừng.

Và có lẽ những ký ức về rừng sẽ còn mãi mãi trong thơ ca, trong nhiếp ảnh và nghệ thuật của những nghệ sĩ bám trụ ở vùng đất này như Đặng Bá Tiến, để giữ lại những ánh sáng văn hóa, bập bùng mãi không thôi…

Lê Vĩnh Tài


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.