Từ sông Krông Bông (Kỳ 3)
Võng Hà treo trên bờ con suối nhỏ, rộng chừng năm mét, nước trong vắt, chỗ sâu nhất cũng chỉ ngập đến ngang bụng. Hà đánh răng không có thuốc. Ở đây mọi người gọi nó là kem đánh răng, Hà đã gửi mua, chừng mươi ngày nửa tháng nữa mới có. Sau đó anh chỉ ăn đúng một khúc mì luộc dài chưa đến một gang tay và to bằng cán dao. Anh uống vài hớp nước ấm không biết ai đã đổ đầy bi đông khi anh chưa thức dậy.
Anh ngồi trên võng, thả hai bàn chân xương xẩu xuống đôi dép đúc màu đen. Nhìn dòng suối vắng lặng, anh cảm thấy buồn nặng trĩu. Thực ra, anh cảm thấy tủi thân, cô quạnh. Chưa bao giờ khi ốm đau mà anh không được chăm sóc chu đáo, tận tình. Anh bỗng thèm cái không khí ấm áp, đầy ắp tình thương yêu của gia đình. Anh đột nhiên thấy nôn nao, thèm ăn quá đỗi. Anh thèm một bát canh rau ngót, thèm một bát riêu cua, thèm một bát nước rau muống luộc có vị chua của sấu và mấy quả cà pháo muối chua. Những thức đó quen thuộc biết bao nhiêu với cuộc sống thường ngày của gia đình anh và của bao triệu người Hà Nội. Thế mà giờ đây, sao anh cảm thấy nó xa vời vợi những hương vị bình dị ấy, hình như nó chỉ còn lưu trong ký ức.
Rồi anh ngã lưng xuống võng dưới tán cây, đắm mình trong nỗi nhớ nhà.
Đầu tháng tám năm sáu mươi tư, giữa lúc cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đã thật sự diễn ra ở miền Bắc, gia đình Hà lại có nhiều cái vui riêng. Hà nhận quyết định của thủ trưởng đơn vị cử anh đi làm nghiên cứu sinh tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Mười ngày sau, Lan Hương, cô con gái rượu của gia đình, được trường âm nhạc chọn đi học pianô tại nhạc viện Traicốpxki. Cả nhà vui, cái vui đầy trăn trở. Bà mẹ vừa cười vừa chảy nước mắt. Con cái sẽ đi xa cả, ở nhà chỉ còn ông bố sáu mươi lăm, bà mẹ sáu mươi mốt. Anh em Hà ai cũng dành ở nhà với bố mẹ.
Hà nói riêng ý nghĩ của mình với bố mẹ:
- Em con có năng khiếu âm nhạc đặc biệt. Có lần, khi nghe đĩa nhạc giao hưởng, con thì chỉ nghe ầm ầm ào ào, còn nó thì tỏ ra xúc động. Nó giảng cho con chủ đề chính của bản nhạc, giai điệu nó ra sao, người ta hòa âm phối khí ra sao, rồi đoạn này, đoạn nọ có loại nhạc cụ gì đang tham gia hòa tấu. Nó như thấy hai tay của người nhạc trưởng và trên trán ông ta đẫm ướt mồ hôi khi đoạn nhạc rất chậm cuối cùng đang kết thúc bản giao hưởng. Và tất cả những người nghe trong nhà hát đều nín thở theo dõi. Nghe nó nói, cứ tưởng nó ngồi trong nhà hát... Được học bên Mạc Tư Khoa, chắc chắn nó sẽ trở thành một nghệ sĩ pianô có tài. Nó sẽ làm nức lòng bố mẹ. Với lại, chiến tranh đang lan rộng, đạn bom không biết ra sao. Con không muốn em con phải chịu bom, đội đạn. Con là con trai, con chịu được. Con cũng biết đi chợ, nấu cơm cho bố mẹ. Con quyết định ở nhà. Tiếc lắm, nhưng con phải ở nhà. Con mong bố mẹ hiểu con. Em con nên người, thành tài, là con sướng lắm. Nó cũng là con mà. Con sẽ tìm con đường khác để làm khoa học.
Nghe con nói, ông bố vẫn cứ trầm tư, đi đi lại lại quanh bàn nước. Ông thức trắng mấy đêm liền, băn khoăn về tiền đồ của con cái. Lúc mệt, ông chỉ uống mấy hớp chè thanh nhiệt. Ông đứng rất lâu bên cửa sổ. Ông rất hiểu tương lai của con trai ông sẽ ra sao nếu nó đi nghiên cứu, học tập bên Đức chừng năm bảy năm. Khi chuyến xe điện cuối cùng trên đường Thụy Khuê leng keng chạy ngang qua trước mặt, ông quay lại, trầm ngâm một lúc lâu mới buông mấy tiếng:
- Bố đồng ý.
Rồi ông nói thêm như giải thích:
(Xem tiếp trang 11)
- Với bố thì không lo, bố còn khỏe. Chỉ mẹ con, cái bệnh thấp khớp ấy hành hạ nhiều năm, chịu sao nổi. Lúc này, anh con đang ở chiến trường, thì con cần có mặt ở nhà. Tình hình nay mai chưa biết ra sao. Mấy anh bên Quân khu Thủ đô nói thế nào cũng đánh nhau to trên bầu trời Hà Nội. Chắc chiến tranh ngày một ác liệt ngay trên miền Bắc. Để em con đi, như gửi nó đến một nơi yên tĩnh. Nó đang đứng trước cánh cửa tương lai đang mở. Nó là hy vọng của nhà ta.
Ông ngừng nói một đỗi, đôi mắt rưng rưng. Chưa bao giờ Hà thấy ông xúc động đến như vậy. Mấy chục năm qua, lúc nào Hà cũng thấy ông luôn điềm tĩnh trước mọi tình huống. Giờ đây, ông vừa đi đi lại lại, vừa đằng hắng mấy lần liên như để nén cảm xúc. Ông lặp lại câu nói lúc nãy:
- Bố đồng ý với con.
Đột nhiên ông bước đi đến bên Hà đang ngồi bên chiếc bàn nước gỗ tạp đã cũ. Ông đưa hai bàn tay gầy guộc nắm lấy hai vai Hà và nhìn thẳng vào mắt anh bằng cái nhìn đằm thắm. Ông nói:
- Em con sẽ nhớ ơn con mãi mãi.
Lan Hương đi Mạc Tư Khoa đúng lúc bà mẹ đau khớp nặng. Ông bác sĩ chỉ cho riêng Hà biết bệnh đã có dấu hiệu biến chứng vào tim. Sau khi đắn đo, Hà xin chuyển công tác từ cơ sở nghiên cứu sinh học sang dạy học tại một trường cấp ba gần nhà. Tuy có vất vả trong vài tháng đầu để quen với môi trường dạy học, nhưng dù sao, với tư cách là người đứng lớp, anh có thì giờ nhiều hơn để lo cho bố mẹ. Đến cuối năm, bố chị dâu chết, chị bán nhà, về ở với bố mẹ Hà. Thêm chị dâu và cháu nội ba tuổi, gia đình Hà bớt quạnh quẽ, neo đơn. Và anh có thời gian để tập trung nghiên cứu phương pháp dạy học.
Tháng ba năm sáu mươi lăm, Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng, chiến tranh khốc liệt cả nước. Thanh niên thủ đô bừng bừng khí thế phong trào “ba sẵn sàng” cứu nước. Hà rạo rực, phấn chấn đến không ngủ được. Trường có gần đến một trăm giáo viên, các thầy mạnh khỏe đã lên đường nhập ngũ gần hết, tổ bộ môn chọn cán bộ đi công tác chiến trường miền Nam. Được sự đồng ý của bố, Hà chia tay gia đình, vượt Trường Sơn hơn bốn tháng trời, đến Đắc Lắc cùng với bảy tám thầy cô khác cùng đi. Anh nhớ mãi, mẹ anh đau khớp ngồi duỗi thẳng hai chân trên giường. Bà rơm rớm nước mắt, đặt vô lòng bàn tay anh một gói năm hộp cao sao vàng và nói: “- Nó sẽ rất cần cho con...”. Trước khi Hà đi ngủ, bà dặn anh chịu khó thức khuya để viết cho em mấy chữ. Đến nửa đêm, bà lục đục dậy, mở tủ lấy chiếc nhẫn vàng y ông tặng bà hồi đám cưới tại chiến khu Việt Bắc năm xưa. Bà sợ Hà không nhận nên giao cho ông để ông đeo cho Hà vào sáng sớm hôm sau, trước lúc Hà ra đi.
Bấy giờ, khi đã ở chiến trường gần năm tháng, anh mới thấy mọi sự không như anh đã tưởng. Ngay từ lúc cầm bút viết đơn xin tình nguyện đi B, anh đã cố gắng lường trước và chấp nhận tất cả những gian khổ, hi sinh và anh đã xác định quyết tâm vượt qua, như bao người. Tuy vậy, những điều mà anh đã hình dung, đã lường trước đều rất đại khái, mơ hồ, không ăn nhập một chút nào với thực tế gian nan hàng ngày. Anh thấy mình thực sự đối đầu với một thử thách ghê gớm. Những công trình khoa học, những học vị, những tiếng Anh, tiếng Nga... Với anh, tất cả những thứ đó như đã thuộc về dĩ vãng lâu lắm rồi; họa hoằn đôi khi nghĩ tới, thì chẳng qua đó là một sự mơ tưởng xa xôi, để tạm yên lòng, để tự an ủi mình giữa những ngày tháng gian lao, đối mặt với cái đói và cái no, cái sống và cái chết.
(Còn nữa)
Trích tiểu thuyết của Trúc Hoài
Ý kiến bạn đọc