Multimedia Đọc Báo in

Từ sông Krông Bông ( Kỳ 11)

10:00, 11/10/2013

Bếp lửa tỏa hơi ấm ngôi nhà nhỏ. Khói bếp len qua kẽ hở giữa các tấm tôn được ghép theo chiều dọc, làm vách ngăn. Ngăn trước cũng chỉ đủ chỗ kê chiếc giường đôi hai người nằm và một phần nền nhà rộng bằng hai chiếc chiếu để lấy chỗ dọn cơm. Ngăn sau vừa đủ kê ba ông táo bằng đất nung, làm bếp nấu. Nồi niêu chén bát đều bằng đất. Bà Mười nói nấu cơm, kho cá bằng nồi đất, trã đất mới ngon. Bà chỉ sắm cái ấm nhôm để nấu nước. Nhà còn có một gác lửng bằng gỗ làm một cách qua quýt, miễn sao có chỗ ngả lưng xuống ngủ là được. Thường ngày Kỳ ngủ trên gác lửng. Từ ngày Thanh Xuân đến, Kỳ qua nhà ông anh ở. Thanh Xuân một mực xin ngủ chung giường với bà Mười, nên cái gác lửng bị bỏ trống.

Việc tổ chức bố trí Thanh Xuân ở lại nhà bà Mười, làm bà vui hẳn lên. Bà nhớ lần thị ủy gọi bà ra để làm việc. Chẳng may bà sốt đến nửa tháng. Chính Thanh Xuân đã chăm sóc bà. Bà cũng không hiểu vì sao lúc mới giáp mặt Thanh Xuân, bà đã cảm mến cô rồi. Có lần vui miệng, bà nói nửa đùa, nửa thật với đồng chí bí thư thị ủy: “Con nhỏ này làm liên lạc nội thị được đó”. Bà không ngờ ý nghĩ của bà lại mau thành sự thật như vậy. Rồi Thanh Xuân được bố trí ở nhà bà, làm cho bà sung sướng đến rưng rưng nước mắt. Mấy ngày ở ngoài cứ, bà ước ao thầm trong bụng, thằng Kỳ cháu ngoại bà, lấy được một đứa con gái như Thanh Xuân. Bà thường nói với Kỳ: “Bà thương nó quá mà thương không hết, không biết để ở đâu. Con thương nó giùm bà...”.

Có thể nói Kỳ đã đem lòng yêu mến Thanh Xuân ngay trong lần gặp mặt đầu tiên tại một địa điểm vùng ven. Anh coi đó như một giấc mơ chợt đến một cách tình cờ, đột ngột. Anh sinh sống, hoạt động trong nội thị. Thanh Xuân ở ngoài căn cứ, lặn lội công tác vùng ven. Họ gặp nhau, thật sự là một cơ hội hiếm hoi, không lường trước được. Vì vậy, khi Thanh Xuân vào nội thị, anh không kìm nén được nỗi xúc động. Trái tim anh run lên. Liền đó, anh rất buồn, một nỗi buồn phải chấp nhận, không cần nói ra nhưng ai cũng biết, khi anh phải sang ở đằng nhà ông anh theo ý của bà nội. Về phía bà Mười, là một đảng viên hoạt động nội thị lâu năm, ở độ tuổi ngoài bảy mươi, bà có kinh nghiệm sống và công tác. Điều bà trăn trở nhất, nó như một mong muốn cháy bỏng cuối đời bà là Thanh Xuân trở thành cháu dâu của bà. Nhưng bà không thể để Kỳ ở nhà khi Thanh Xuân đến, bởi nếu cứ để như vậy thì sẽ vô cùng bất lợi, nhất là đối với Thanh Xuân trong quá trình hoạt động. Thanh Xuân vào nội thị với trách nhiệm nặng nề, không đơn thuần là một liên lạc viên đường dài như bà nghĩ lúc ở ngoài cứ. Cả nhà gồm ba người, đều là đầu mối mà ngày đêm bọn cảnh sát, mật vụ theo dõi, săn lùng, nếu ở một chỗ, lỡ có bất trắc gì thì bị bắt cả chùm như bà Mười nói. Kỳ đi, bà buồn lắm.

Hồi chiều, khi xếp lại giường chiếu, bà tình cờ thấy chiếc khăn tay của Thanh Xuân nhét sau áo gối. Bà tự hỏi: “Không biết nó thêu lúc nào:”. Chiếc khăn vuông, màu trắng, mỗi cạnh dài bằng gang tay. Trên mặt khăn có thêu hai chữ màu đỏ X-K. Phía trên hai chữ, thêu đôi chim câu lồng cánh bay lên. Bà cầm chiếc khăn ra ngoài hiên nắng chói để xem đi xem lại kỹ lưỡng, bởi bà vốn không tin đôi mắt kèm nhèm của mình. Bà khấp khởi vào nhà, nhét chiếc khăn vào chỗ cũ, rồi ngồi trên giường, lặng lẽ khóc. Chỉ mới có bấy nhiêu, biết là chưa vào đẩu vào đâu, nhưng bà vẫn cảm thấy nhẹ trong người. Bà bước ra chợ mua mấy lá trầu, về nhà vừa canh nồi cám heo, vừa nhai bỏm bẻm. Trong đầu bà, hình bóng hai chữ X-K và hai con chim bồ câu choáng ngợp. Bà tự nhủ: “X-K. Là ai nữa? Là hai đứa nó đó thôi”.

Ba tiếng gõ cửa không mạnh lắm vẫn đủ phá tan bầu không khí tĩnh lặng bao quanh ngôi nhà bên con suối hẻo lánh. Bà Mười ngồi phắt dậy, bảo Thanh Xuân lên gác lửng. Cả hai đều biết có chuyện chẳng lành. Nếu Kỳ về, tiếng gõ cửa đều kèm theo tiếng kêu “Nội ơi”. Thanh Xuân vội xỏ dép nhựa, nhón chân chạy lên gác. Vào những lúc như thế này, bà Mười nhanh nhẹn đến không ngờ. Bà vội lên gác theo Thanh Xuân, rút chốt cánh cửa sổ rộng sáu tấc. Thanh Xuân lấy cuộn dây dù to bằng ngón tay cái, màu xanh lá cây, móc một đầu vào chiếc đinh to đã đóng sẵn phía trong bậu cửa và cô theo dây để tụt xuống phía ngoài vách gỗ, hai quai dép nhựa móc trong ngón tay trỏ. Khi cô vừa đứng chân trên bậu cửa, tiếng đập cửa và tiếng la quát tháo dưới nhà càng lớn. Cô vội nói với bà Mười:

- Nội cất giùm con chiếc khăn tay. Con để nó trong gối bông.

Bà Mười giục:

- Ừ, nội nghe rồi. Tụt xuống lẹ đi.

Từ cửa sổ xuống con suối cạn sau nhà cao chưa đầy năm mét. Lúc còn ở lưng chừng dây, Thanh Xuân ngước mặt lên nói với bà:

- Nội gửi chiếc khăn cho anh Kỳ giùm con.

- Ừ, nội nghe rồi. Xuống lẹ đi. Bà Mười lại giục.

Thanh Xuân nói tiếp:

- Rồi bữa nào ra cứ, ảnh gửi lại cho con.

Tiếng đập cửa làm rung mái tôn. Bà Mười không còn tâm trí nào  để nghe câu nói cuối cùng của Thanh Xuân. Bà chỉ biết xua tay ra hiệu cho Thanh Xuân xuống mau. Tuy vậy, miệng bà vẫn nói: “Được rồi, bà nghe rồi” để Thanh Xuân an tâm. Bà vội cuộn đoạn dây dù, lận vô lưng quần, rồi khép cửa lại. Bà nhón chân xuống cầu thang, vội nhét dây dù vào bếp cám heo đang đỏ lửa. Hai cánh cửa bị đạp tung. Trước mặt bà, ba tên mặt hầm hầm, mặc thường phục, đầu đội mũ hình trái dưa, màu nâu sẫm. Bà biết bọn này không phải cảnh sát, không phải an ninh quân đội, mà là bọn an ninh đặc nhiệm.

Một tên nhìn bà trừng trừng, hỏi:

- Sao không chịu mở cửa, thằng Kỳ đâu?

Câu hỏi nạt nộ đó làm bà nhẹ cả người. Bà nghĩ như thở phào trong bụng: “Bọn này đi kiếm thằng Kỳ”. Bà làm như mới bị đánh thức đột ngột, đưa hai tay dụi mắt, rồi chỉ vào tai, ý ra hiệu là  bà nặng tai, không nghe rõ. Một tên hỏi to như hét vào tai bà:

- Thằng Kỳ đâu? Thằng Kỳ đâu?

Bà ú ớ một đỗi, rồi nói chậm rãi:

- Nó đi theo đám xì ke, xuống Đà Nẵng, Nha Trang gì đó cả tháng nay rồi.

Một tên quát to như thịnh nộ với bà:

- Bà già nói láo. Chiều hôm qua, tui thấy nó dưới suối Đốc Học. Nó leo lên cột điện, sửa điện cho người ta. Bọn này rượt theo không kịp. Mẹ kiếp. Lúc đó đông người qua lại, nếu không thì bao nhiêu đạn trong khẩu ru lô này đều lọt hết vô óc nó.

Bà Mười run lên:

- Các ông nói chi mà ghê quá. Ngừng một lát để thở, bà nói tiếp - Không lẽ nó đã về...

Tên vừa quát, nhìn thẳng vô mặt bà. Tiếng của nó rít qua hai hàm răng:

- Tụi này còn lạ gì cái mặt của bà. Bà làm bộ, làm tịch giỏi quá.

 Bà Mười bỗng mếu máo:

- Nó bỏ tui, nó đi cả tháng trời...

Tên đặc nhiệm đó buông một câu:

- Bà giả bộ giỏi lắm.

Vẻ bên ngoài bà Mười là vậy. Còn bên trong, đầu óc của bà rất tỉnh táo. Bà tìm cách khơi gợi để bọn an ninh đặc nhiệm nói thêm, qua đó bà biết được dụng ý của chúng và những tin tức nguy hiểm đến với cháu bà. Bà càng vững dạ khi thấy chúng không đả động gì đến Thanh Xuân. Nhưng bọn an ninh đặc nhiệm không tra hỏi gì thêm. Một tên từ trên gác xuống, nhìn đồng bọn, lắc đầu. Rồi y hất hàm ra hiệu rút lui. Tới cửa, y ngoảnh mặt lại, hỏi bà Mười:

- Còn con Hồng Ánh đâu?

Bà Mười niềm nở:

- Dạ, nó đi bốc cho tui thang thuốc chữa đau lưng. Chắc nó sắp về. Chút nữa mấy thầy đến quán Sơn Cước uống cà phê, nó ở trển mà.

Chúng lẳng lặng đi thẳng.

Trong lòng bà Mười ngổn ngang nỗi lo âu, nỗi mừng lẫn lộn. Lo vì rõ ràng chúng đang truy bắt cháu bà. Mừng vì, dẫu có nghi ngờ, theo dõi, nhưng hiện giờ chưa thấy chúng động đến Thanh Xuân. Mừng vì chiếc khăn thêu hai chữ X-K... Bà liền lên gác mở cửa sổ, cái khuy chặt phòng lỡ gió khép cửa lại. Rồi bà xuống nhà, lấy chiếc chiếu nhúng nước, đem phơi trên dây thép ngoài sân. Bà lấy thêm chiếc khăn mặt đã ướt, đem phơi bên chiếc chiếu. Xong xuôi, bà ngồi chờ Thanh Xuân, nét mặt tư lự.

Thanh Xuân ngược suối, nhìn thấy cánh cửa sổ sáu tấc mở toang. Cô biết bọn địch đã rút, không có gì đáng lo ngại. Cô theo con đường mòn, vào nhà từ phía trước. Thấy chiếu phơi, có chiếc khăn một bên, cô hoàn toàn yên tâm. Cửa sổ mở, phơi chiếu, phơi khăn là ám hiệu báo yên. Bà Mười đã bàn tính trước với cô một số ám hiệu cần thiết, dự phòng cho các tình huống khác nhau.

Không chờ Thanh Xuân về, bà Mười khép hai cánh cửa trước rồi xách giỏ nhựa đi chợ ngay. Bà nhờ một cô bán cá rất trẻ, tuổi cỡ con bà, chuyển cho Kỳ chiếc khăn thêu và dặn thêm là bọn mật vụ đang săn tìm Kỳ...

(Còn nữa)

Trích tiểu thuyết của Trúc Hoài

 


Ý kiến bạn đọc