Từ sông Krông Bông - Kỳ 13
Hồng Ánh lên chiếc xe lam trên quốc lộ hai mốt, đi về hướng Nha Trang. Đến cây số mười chín, cô xuống xe. Đã có sẵn hai người đàn ông từ vườn cà phê bên đường bước ra đón và họ gọi cô là Thanh Xuân. Nơi này cô đã quen thuộc. Xóm chỉ có tám gia đình, hơn bảy mươi khẩu. Toàn là dân kháng chiến chống Pháp từ Quảng Nam, Đà Nẵng lên đây lánh nạn, kiếm sống. Bên kia đường, ông chủ vườn cà là một người Hoa, cùng sống trong cảnh quen thuộc của các vùng ven, ban ngày quốc gia, ban đêm cộng sản. Xóm công nhân làm thuê này là vị trí rất quan trọng của thị ủy Buôn Ma Thuột, là đường dây liên lạc vô ra để lãnh đạo thị ủy từ căn cứ chỉ đạo phong trào nội thị. Nó có một mật danh BĐ 3, bàn đạp số ba, hay còn gọi là bàn đạp cánh Đông.
Ông Cửu bí thư, rồi đến người cán bộ của Ban an ninh khu Năm làm việc với Thanh Xuân có đến gần hai tiếng đồng hồ. Khi người cán bộ vừa đi khuất thì Thanh Xuân bỗng nghe tiếng chân người bước vội trong bóng tối. Thanh Xuân đang ngồi trên võng suy nghĩ về những điều người cán bộ vừa nói. Nghe tiếng động, cô liền đứng dậy, thì vừa lúc đó một bóng người từ lối mòn nhỏ phía bên trái võng bỗng chạy ào tới, ôm lấy cô. Trong giây lát, cô biết đó là con Nhung và cô cũng ôm chặt, vỗ vỗ lưng nó. Cô kêu lên khe khẽ: “Em”. Hai người im lặng. Trong lòng Thanh Xuân hình ảnh con Nhung bao giờ cũng đáng yêu, đầy thương cảm.
Nhung là một đứa bé có hoàn cảnh khác thường. Sang năm sáu mươi bảy này, nó tròn mười bốn tuổi. Nhà nó ở Khuê Ngọc Điền. Lúc nửa đêm, một chiếc cánh dơi B57 đi ăn đêm, ngang qua Khuê Ngọc Điền, đạp xuống một một chùm bom. Cha mẹ, hai anh chị nó không một ai sống sót. Cơ quan thị ủy đưa nó về nuôi. Lúc ấy nó mới tám tuổi, da ngăm đen. Một đồng chí thị ủy nhận nó làm con nuôi. Thường ngày, nó phụ bưng nước, quét nhà phục vụ các cuộc họp và phòng làm việc của ông Cửu. Nó nhỏ, hiền lành, dễ mến, nên cũng không ai để ý đến việc nó thường thường lẽo đẽo theo cha nuôi có mặt trong hầu hết các cuộc họp của Ban Thường vụ hoặc Ban Chấp hành thị ủy. Nó ngồi chơi rồi lăn ngủ lúc nào không biết, trên cái sạp nhỏ làm bằng le, sát vách tranh phòng họp. Có bữa, họp xong, mọi người đi hết, chỉ còn một mình nó ngủ ngon lành. Rốt cuộc, nó biết rất nhiều chuyện đại sự, đến nỗi không ít cán bộ từ các địa bàn công tác, khi về cơ quan, nếu không gặp được người cần gặp để làm việc, lại tìm nó để dò hỏi chuyện này, chuyện nọ. Tình hình như vậy diễn ra cho đến khi con Nhung lên chín, ông Cửu dặn người cha nuôi không để nó theo vào các cuộc họp nữa. Tuy vậy, người ta luôn nhắc tới nó với bao chuyện thật vui vẻ, ngộ nghĩnh.
Một lần, Ban Thường vụ đang họp, không biết như thế nào lại cần đến nó. Chị nấu bếp đi khắp nơi, ra tận ngoài rẫy bởi chị đoán nó đi bẻ bắp. Cuối cùng, thấy nó đang tắm dưới con suối phía sau nhà. Bây giờ chừng mười giờ sáng.
Chị nấu bếp trạc ba mươi tuổi, đứng trên lối mòn đổ xuống bờ suối. Con suối rộng chừng bảy, tám thước, nước trong vắt, mắt thường vẫn có thể thấy mờ mờ cát dưới đáy sâu ngập đầu. Hai bên bờ suối, cây nhỏ mọc ken dày. Chị cất tiếng gọi to, đặc giọng Quảng Nam:
- Nhung ơi!
Con Nhung đang bơi. Nghe gọi, nó quay mặt lại, vừa bơi đứng, vừa hỏi, cũng một giọng Quảng Nam:
- Có chuyện chi, chị Sáu?
- Đồ khỉ, mi về họp.
- Họp chi vậy?
- Thì họp thường vụ chớ họp chi.
- Ừ, chị cứ chọc em.
- Thiệt mà, mi về họp thường vụ.
- Ứ, chị cứ chọc em. Em lo đủ nước uống rồi mà.
- Cái con khỉ. Chú Cửu nói mi về họp thường vụ. Mi có về không? Cuộc họp quan trọng lắm.
Nhà con Nhung ở bên sông, nó biết bơi rất sớm. Năm lên tám, nó bơi như rái cá. Bây giờ nó lặn sâu xuống nước, xuôi dòng dừng năm sáu thước rồi quay lại. Nó ngóc đầu lên ngay trước mặt chị cấp dưỡng và khi nó đứng thẳng người thì nước chỉ còn ngang ngực. Nó đưa hai tay vuốt mặt rồi hất ngược tóc ra phía sau. Nó vốn tính hay cười vui vẻ, mà giờ đây sắc mặt của nó có vẻ nghiêm lại. Vừa lên bờ, nó nói:
- Chắc có chuyện chi, mấy chú mới gọi. Đang họp thường vụ mà mình cứ lảng vảng gần đó là không được đâu. Lãnh đạo họp chưa xong, thằng địch đã biết hết trọi thì chỉ có nước chết. Phải không chị Sáu?
Chị nấu bếp gắt:
- Mi giảng nghị quyết cho tau đó hả? Đừng có lôi thôi nữa. Về mau, thay quần áo, rồi lên họp.
Đến đây, vừa nhìn con Nhung bước lên bờ, khi tắm, nó chỉ mặc một chiếc quần dài đen, không mặc áo, chị vừa nói:
- Úi, hai ngọn đồi đã nhô lên ngực mi rồi đó.
Con Nhung vội mặc chiếc áo dài tay màu xám tro, nét mặt có phần bẽn lẽn.
Chị nấu bếp ra vẻ dằn giọng:
- À, cái tội mi to lắm. Hồi nãy tao nhờ mi đổ thêm mấy gáo nước vô nồi bắp hầm, răng mi không đổ? Đầu óc mi để rớt chỗ mô mà không nhớ. Nồi bắp cháy khô, khét lẹt. Mô Phật, cơm khê, bắp khê thì ai dám ăn, xui thấy mồ. Mấy thằng thám báo đang ngủ ngoài thị trấn Phước An chắc cũng ngửi được mùi bắp khét, hắn mò vô tập kích cơ quan, thì cái tội nớ là của mi, nghe chưa? Trưa ni, răng tau cũng bị rầy một trận. Mấy anh bên thị đội bày tau gắp than bỏ vô nồi bắp để chữa khê, rứa mà có ăn thua chi mô.
Hai chị em bước mau như chạy. Bỗng chị nấu bếp dừng lại, nét mặt ra điều quan trọng, nói nhỏ với con Nhung:
- Mấy ổng họp gì mà suốt buổi sáng, tau không thấy ai uống một hớp nước. nghe đồn sắp tới đánh nhau to lắm - Chị hạ giọng - Mi rỉ tai xin chú Cửu cho tau đi phía trước, phục vụ chiến dịch - Ơ, mi cười cái chi? Thì người ở phía trước cũng phải ăn uống chớ sao. Trưa nay mi rỉ tai chú Cửu nghe. Hình như chú Cửu sắp đi họp trên tỉnh mấy ngày, ở tận buôn Đắc Tua trong hậu cứ. Nhớ giúp chị nghe.
Con Nhung muốn bật cười, nhưng nét mặt của nó hơi đanh lại, bởi nó biết chắc có chuyện gì đó nên ông Cửu mới cho người gọi về gấp gáp đến vậy. Nó nói với chị đầu bếp một câu cho xong chuyện:
- Ở phía trước có nấu nướng gì đâu mà xin, chị Sáu.
Con Nhung không ngờ câu nói cho xong chuyện lại khiến chị nấu bếp phản ứng thẳng thừng. Chị đứng lại, xoay người ra phía sau, nói thẳng vô mặt con Nhung:
- Mi không chịu giúp tau thì thôi. Đừng có bịa chuyện...
Từ đó cuộc đối thoại trở nên sôi nổi.
- Ơ, em bịa cái gì?
- Mi đừng có già mồm. Mi mới nói là phía trước có nấu nướng gì đâu. Không lẽ ở phía ở phía trước, người ta chỉ hít thở khí trời để cầm hơi hay sao?
- Eo ơi, hít khí trời không thôi thì sao chịu nổi. Ai cũng phải ăn chớ.
- Ớ hay, không nấu thì nhai gạo sống hả?
- Rứa thì chị Sáu không biết rồi.
- Tau không biết cái chi?
- Thì em nói cho chị nghe. Chưa bao giờ em nghe chú Cửu bí thư hay các thường vụ nói đến chuyện nấu nướng ở phía trước cả. Bám vùng ven, ăn lương khô cả ngày. Có đến hai loại lương khô của Tàu giúp mình. Loại 702 của chiến sĩ, loại 704 cho các bán cán bộ. Có lần chú Cửu cho em một miếng 704, ngon quá là ngon. Nghe nói lương khô có nhiều chất bổ lắm.
- Trời ơi, mi cứ tưởng một mình mi biết chuyện đó. Lương khô như mi nói chỉ có ở đơn vị bộ đội chủ lực từ Hà Nội vô. Lâu lâu mới có vài ba miếng xuống tới mình, chỉ để ăn cho vui, đâu có nhiều mà thay cơm, thay cháo.
- Rồi rồi, em thừa nhận chị nói đúng. Chừng hết lương khô, các chú ăn thứ khác.
- Là thứ chi rứa?
Đến đây, con Nhung cười tinh quái:
- Em đố chị, hết lương khô, các chú ăn thứ chi mà không phải nấu nướng?
Chị Sáu nhíu mày:
- Lạ rứa hè? Nếu mò ốc dưới suối, nếu hái lá bép trong rừng, cũng phải nấu mới ăn được. Lạ rứa hè?
Con Nhung giục:
- Thôi thôi, mình về mau, mấy chú chờ lâu, lỡ việc.
Hai chị em lại bước như chạy. Câu chuyện vẫn được tiếp tục trong hơi thở gấp:
- Răng lạ rứa mi, thứ chi ăn mà không phải nấu?
- Thì gạo sấy đó. Chỉ cần đổ một ca nước suối vô là ăn được.
- Ới cha mẹ ơi, gạo sấy của mấy thằng lính ngụy đeo trên lưng lúc đi càn quét thì ai không biết. Nó đem theo để nó ăn, chớ đâu phải nó cúng cho mi.
- Ừ, rứa là chị không biết chi hết. Mấy chú nói lúc nào hết gạo sấy, hết súng đạn, cứ mò vô đồn mấy thằng bảo an mà lấy. Đó là chưa kể trong bảo an, dân vệ, có không ít người là cơ sở của ta. Mấy người đó vác gạo sấy ra cho mấy chú. Có gạo sấy, có nước suối, nháy mắt là có cơm ăn. Rứa chị ra đó để làm chi? Nấu nướng ở vùng ven, nguy hiểm lắm. Máy bay thấy khói. Còn dưới đất, mũi bọn biệt kích hít mùi lửa. Đội công tác dễ bị tập kích.
Chị Sáu đứng lại, hỏi con Nhung:
- Ai bày mi lắm lý sự rứa?
Giọng con Nhung đầy lo lắng:
- Thôi thôi, mình về mau, mấy chú chờ. Đi một lát, nó nói tiếp - Có giỏi, chị cứ gặp chú Cửu để xin đi phía trước...
Sau đó, con Nhung không để ý đến việc đối đáp với chị Sáu. Trong đầu nó lần lượt nhớ lại đủ thứ chuyện và không biết ông Cửu định hỏi chuyện gì. Chắc là chuyện... Trong lần địch càn cách nay một tuần, con Nhung chạy thục mạng giữa làn đạn đại liên từ trực thăng vãi xuống, nó bất ngờ gặp một đồng chí thường vụ cũng chạy cùng đường. Đồng chí thường vụ tay xách vỏ thùng đạn đại liên của Mỹ, trong đó có văn bản nghị quyết của thường vụ vừa thông qua, đã được đánh máy. Đồng chí giấu thùng đựng bản nghị quyết trong một hầm đá, sau đó bị trúng đạn, hy sinh. Chỉ có con Nhung mới biết cái vỏ thùng đạn đang nằm ở đâu... Ông Cửu bảo chị nấu bếp đi tìm con Nhung về, có chút việc - Và chị đã nói như ra lệnh nó “Mi về họp thường vụ”. Thế rồi, con Nhung đứng một cách đàng hoàng giữa cuộc họp của ban thường vụ thị ủy để thưa chuyện cái vỏ thùng đạn...
(Còn nữa)
Trích tiểu thuyết của Trúc Hoài
Ý kiến bạn đọc