Multimedia Đọc Báo in

Lớp bổ túc vùng cao – một bài thơ hay về nghề giáo

08:03, 28/11/2013
Lớp bổ túc vùng cao
 
Ngôi nhà vách chửa dựng đâu
Học trò đếm được trên đầu ngón tay
 
Đọc theo cô giáo Rắc - lây
Giọng trầm giọng bổng lượn bay giữa rừng
Tôi nghe lòng cứ rưng rưng
Nhất là những lúc ngập ngừng thật lâu
 
Gió chao nghiêng ánh đèn dầu
Chữ mờ chữ tỏ nên câu nhập nhòe
 
Các em đôi mắt rụt rè
Các anh, các chị lắng nghe từng lời
Tiếng vang ngân ấm giữa trời
Đêm dù lạnh, mắt không rời bảng đen
 
Đều đều nhịp thước thân quen
Em đứng đó, thắp - ngọn - đèn-lửa - tim
Đôi khi cái dấu nghe chìm
Nhưng bao câu chữ vẫn tìm đến nhau
 
Lớp đêm ở một vùng cao
Theo tôi vào giấc chiêm bao. Nhói lòng...
 
(Rút từ Tuyển tập thơ Thầy giáo và Nhà trường)

Đỗ Quang Vinh

Không ghi thời điểm sáng tác, nhưng tôi đoán bài thơ Lớp bổ túc ở vùng cao của Đỗ Quang Vinh ra đời cách đây đã lâu, ít nhất cũng phải từ những thập niên 70, 80 của thế kỷ trước. Bài thơ ghi lại cảm xúc dâng trào trong lòng tác giả khi chứng kiến một lớp học bổ túc ban đêm nơi miền núi năm xưa. Có lẽ vậy chăng mà thi phẩm có được một sức khái quát rộng lớn về một thời cơm độn đèn dầu, việc mang cái chữ đến vùng cao quả là gian nan, vất vả.

Hai câu thơ mở đầu miêu tả không gian lớp học. Đó là một ngôi nhà nhưng chưa có vách dựng. Thế hệ học sinh bây giờ đọc lên chắc ngờ ngợ không tin, thậm chí có em giật mình không thể tưởng tượng ra, nhưng đó lại là sự thật. Ngôi nhà không vách biến thành lớp học, học trò thì chỉ đếm trên đầu ngón tay với nhiều lứa tuổi khác nhau. Trông lớp học tội nghiệp là vậy nên cũng rất đáng thương, tất cả đều tập trung chăm chú đọc theo cô giáo Rắc - lây khiến nhà thơ đứng nhìn mà rưng rưng nước mắt:

Đọc theo cô giáo Rắc -lây          

Giọng trầm giọng bổng lượn bay giữa rừng

Tôi nghe lòng cứ rưng rưng

Nhất là những lúc ngập ngừng thật lâu

Cái không gian tuềnh toàng của ngôi nhà không vách đối lập với thái độ và tinh thần học tập rất cao của các em khiến ta càng thêm cảm động. "Học trò đếm được trên đầu ngón tay" ấy cứ rụt rè đôi mắt lo âu của các em sợ mình chưa thuộc bài, các anh chị thì lắng nghe từng lời cô giảng "vang ngân ấm giữa trời" sao mà thương đến thế. Rồi nữa, cái ánh đèn dầu chao nghiêng trước gió khiến cho câu chữ trên bảng như mờ nhòe không rõ càng khắc họa sâu sắc hình tượng lớp bổ túc vùng cao năm xưa mới thật bé nhỏ làm sao!

Học trò chăm chú lắng nghe bằng tất cả niềm khao khát không nguôi trong tư thế "mắt không rời bảng đen" để uống từng câu từng lời của cô giáo. Cô giáo Rắc - lây lúc này như một biểu tượng sáng đẹp vô cùng giữa không gian lớp học: "Đều đều nhịp thước thân quen/Em đứng đó, thắp - ngọn - đèn-lửa - tim"

Bóng tối của màng đêm bao trùm khắp núi đồi, ngọn đèn đêm không đủ xua tan hết thì chính cô giáo lại trở thành ánh sáng của ngọn - đèn - lửa - tim thắp trên bục giảng. Bài thơ hay cũng nhờ ở chỗ cảm xúc đến thật chân thành, tự nhiên như thể tác giả bắt gặp lấy hình tượng rồi kết nối mà thành. Chữ gọi chữ, lời gọi lời, cứ thế dựng lên một biểu tượng thật đẹp về hình ảnh người giáo viên đứng lớp  âm thầm mà lớn lao, bình dị mà cao đẹp khiến nhà thơ cảm thấy nhói lòng khi trong giấc chiêm bao hình ảnh lớp học vùng cao nghèo khó mà sự nỗ lực vươn lên của cô và trò thật đáng được nêu gương lại hiện trở về:

Lớp đêm ở một vùng cao

Theo tôi vào giấc chiêm bao. Nhói lòng...

Lớp bổ túc ở vùng cao là một bài thơ hay viết về nghề dạy học. Hình tượng lớp học trò bổ túc vùng cao và cô giáo Rắc - lây dạy chữ mãi mãi như là một biểu tượng sáng đẹp về tinh thần hiếu học, vượt khó của dân tộc ta trong một giai đoạn gian nan nhưng cũng đáng tự hào.

Lê Thành Văn


Ý kiến bạn đọc