Multimedia Đọc Báo in

Từ sông Krông Bông (kỳ 14)

15:47, 02/11/2013

Tháng sáu năm 1967.

Một tháng sau khi ở cứ về, đang đứng ở quầy bar lúc chín giờ sáng vắng khách, Hồng Ánh bỗng thấy anh lính biệt động Trần Văn Kháng xuất hiện. Đã quy định lâu nay Hồng Ánh không còn là đầu mối liên lạc của Kháng nữa. Vậy mà anh ta lại đến, chỉ một mình.

Kháng không ghé đến quầy. Anh vào ngồi tại một bàn hơi xa chỗ có bốn năm khách cũng là lính đang uống cà phê và trò chuyện. Bàn tay phải chống cằm của Kháng đã mấy lần vẫy vẫy một cách thận trọng để ra hiệu cho Hồng Ánh đến. Hồng Ánh biết nhưng cô chưa đến ngay. Đợi khi bà chủ đi ngang quầy, Hồng Ánh mới bưng một dĩa nhựa nhỏ, phía trên có gói thuốc lá quân tiếp vụ và một hộp diêm. Cô định bước đi, thì bà chủ quán càm ràm:

- Mấy đứa đi mô cả rứa? Nhìn quanh quất vẫn không thấy ai, bà nói với Hồng Ánh - Thôi cô đi mau đi, đừng để khách chờ lâu.

Hồng Ánh ghé vô bếp, nói cho một ly cà phê đen nóng, cô biết Kháng chỉ quen uống như vậy thôi.

Hồng Ánh để gói thuốc trước mặt Kháng thì anh lên tiếng ngay. Hồng Ánh nháy mắt ra hiệu, nhắc Kháng có người ngồi không xa, phải nói nhỏ. Và cô nói luôn:

- Mình không có thời gian để nói chuyện lâu đâu anh. Chớ sao mà anh đến, em ngại lắm. Hình như có mấy đứa đang theo dõi em.

Hồng Ánh nhớ lại, chừng nửa tháng nay, không biết từ đâu lại có một xe bán khô bò đến đứng tại vỉa hè đối diện bar Sơn Cước. Người bán là một lão già ngoài năm mươi tuổi, đầu đội mũ rộng vành màu đen, che khuất mặt. Cái món khô bò trộn đu đủ nạo, rưới vô một ít tương ớt, một ít dấm, ngọt ngọt, chua chua. Người ta thường bán món đó lúc chiều tối - Đằng này, lão già đứng bán suốt ngày. Lão chọn vị trí có thể ngồi lên chiếc ghế cao sau xe, nhìn thẳng vô quầy bar.

Nhân lúc quán ồn ào, hai người nói chuyện. Giọng Kháng hào hứng hiếm thấy:

- Không biết chú Bảy đi đâu, anh kiếm mấy lần, không gặp. Chờ không được, anh mới tới đây. Giọng Kháng bỗng ngập ngừng - Có thằng bạn học cùng quê từ Sài Gòn mới lên. Năm nay nó ba mươi sáu tuổi, hơn anh một tuổi. Nó leo lên  tới lon trung tá, làm trong Bộ tổng tham mưu. Ừ, nó học ở Mỹ, về được một năm. Nó lên Buôn Ma Thuột một tuần rồi, không biết làm chuyện chi. Mấy quan sư bộ 23, mấy quan áo cổ cồn bên tòa hành chính nể nó một phép. Lên đây sáu bảy ngày mà đã ba ngày cỡi trực thăng thị sát đường mòn Hồ Chí Minh của Bắc Việt. Nó nói thấy bụi mù lên như dòng sông đỏ phía trên lá rừng. Ừ, nó biết anh ở trên này mà, nên nó đòi anh lái xe cho nó. Thì nó đòi gì nữa mà không được. Mấy đại tá trên này, gặp nó, đều chào răm rắp.

Hồng Ánh rất chăm chú nghe Kháng nói và không lấy làm ngạc nhiên bởi những thông tin vừa rồi. Cô hỏi lại:

- Anh lái xe cho anh ta?

- Ừ, thì nó biết tay lái của anh cũng khá. Với lại là bạn cũ của nhau.

- Anh kể tiếp đi.

- Nó ở một phòng, không ai được phép vô, ngoài anh với nó. Anh lái xe, quét nhà, giặt ủi quần áo cho nó. Vậy thôi. Đến đây Kháng bỗng hạ giọng - Có chuyện này... Nó thức thâu đêm nghiên cứu bản đồ. Ừ, cái bản đồ nhằng nhịt, có hàng chữ to phía trên: “Đường mòn Hồ Chí Minh Bắc Việt”. Lúc nào không xem, nó gập bản đồ vô cặp, bỏ vô két sắt. Này, mình lấy chiếc cặp đó được không?. Nhiều lúc nó mệt, ngủ thiếp đi. Nhoáng một cái, mình xách cặp ra xe, nhót ra căn cứ.

Hồng Ánh kêu lên:

- Chết, chết... Không được đâu. Nó biết ngay, anh mất chỗ đứng trong đó. Chớ có vội.

Kháng có vẻ nghĩ ngợi:

- Không biết lúc nào nó về Sài Gòn. Hình như mai mốt có cuộc họp gì đó quan trọng lắm. Nó nói đang chuẩn bị cho cuộc họp...

Hồng Ánh ngắt lời Kháng:

- Bây giờ thế này... Cô nhìn thẳng vô mặt Kháng - Anh lén chụp hình tấm bản đồ. Còn khi biết chắc anh ta đi họp, anh tìm cách gài máy ghi âm ở chỗ nào đó. Thì chỉ có anh mới biết rõ gài máy ở chỗ nào. Trong cái cặp, cái mũ, hay trong giày của anh ta. Máy nhỏ lắm mà. Nó dài cỡ lóng tay, dẹp lép, có lớp nhựa dẻo, gài đâu dính đó mà.

Mặt Kháng trầm ngâm giây lát:

- Ừ, cứ thử...

Hồng Ánh lại ngắt lời:

- Sao lại thử, làm là làm thiệt. Phải tính toán cho kỹ. Nếu cách này không xong mình tính cách khác. Bản đồ để mình xem. Còn phần ghi âm, mình sẽ biết nhiều thứ, mình hiểu thêm cái bản đồ. Được vậy sẽ êm mọi chuyện, vẫn giữ được liên hệ với anh ta.

Hồng Ánh hạ giọng:

- Anh coi chừng sập bẫy của bọn nó đó. Phải kiểm tra xem trong phòng có cài máy quay phim không. Rồi phải coi chừng tấm bản đồ anh ta để trên bàn là bản đồ giả nhằm đánh lạc hướng… Bọn CIA nhiều mẹo lắm. Anh đừng bao giờ mó máy đến cái két sắt, không khéo mở đúng khóa còi báo động thì anh lãnh đủ.

Nét mặt Kháng trở nên đăm chiêu. Anh chú ý nghe Hồng Ánh nói, gật mấy lần.

Sau đó khá lâu, Hồng Ánh mới có cơ hội lấy máy ảnh và máy ghi âm để chuyển cho Kháng.

Đêm về, Hồng Ánh thấy khó ngủ. Cô bồn chồn và cảm thấy nặng nề một chút. Cô có cảm giác như lúc chuẩn bị đặt chân vào nội thị lần đầu tiên. Và cô cảm thấy như ngày mai đây thôi, cô sẽ làm một việc quá sức mình. Nó sẽ như thế nào, cô chưa biết ngoài sự căng thẳng mỗi lúc một tăng. Cô tự nhủ: “Biết như thế nào được, thì phải cố lên thôi, tùy cơ mà ứng biến”. Rồi cô nhớ tới Quang, tim đau quằn quại “Phải, chắc anh đang đau khổ lắm. Trời ơi, mình biết nói với ai bây giờ? Ai có thể gỡ sự hiểu lầm này cho mình? Đang không lại để cho anh ấy mang một nỗi đau không biết đến bao giờ mới giải. Còn lẽ nào anh ấy là gián điệp như người ta đồn đại? Nhất định là không. Mà anh ơi, sao em khổ quá. Dù sao, chú Cửu chỉ nói với em một tin là anh đang đi tập huấn... chuyện cái khăn, chuyện tấm hình... Nếu có điều xấu, thì chắc chú Cửu sẽ nói, nói bằng cách của chú. Đằng này, chú có nói gì đâu. Vậy chắc là không có điều dữ”. Hồng Ánh lăn qua, trở lại. Một lúc sau, cô ngồi dậy trong đêm, bên bà Mười mà cô chắc là chưa ngủ, mặc dù bà đã nằm im đến mức không nghe tiếng bà thở. Cô lại nghĩ: “Những chuyện như thế sao không đến tai chú Cửu? Mà chú chỉ nói anh ấy đang đi tập huấn về công tác vận động quần chúng do tỉnh tổ chức. Phải rồi, chắc không có điều dữ... Chao ôi, cầu mong là như vậy...”.

Ngay trưa tròn bóng ngày hôm sau, Kháng đến bar, mặt không giấu nổi phấn chấn. Vừa ngồi xuống ghế, anh nói ngay:

- Mọi chuyện êm xuôi, em ơi. Anh ngủ ngoài nhà xe. Năm giờ sáng đã thấy đèn phòng nó sáng trưng - Anh gõ cửa vô để pha cà phê. Nó chê anh quê mùa, pha cà phê dở ẹt. Nó còn nói dóc là có đứa bạn gái ở Vũng Tàu, cà phê có dở qua tay nó cũng thành ngon, y như mụ phù thủy hóa phép. Kháng hạ giọng - Em ơi, mọi chuyện êm xuôi... Nó hớp một hớp cà phê, cắm cúi trên tấm bản đồ một đỗi. Anh ủi đồ ở góc phòng. Lúc nó vô phòng vệ sinh, anh vội đến chụp hai kiểu liền tấm bản đồ. Thì phải chụp hai kiểu cho chắc ăn, mình có phải thợ đâu. Ừ, không đụng đến, không xê dịch tấm bản đồ. Lúc anh ngồi xuống ủi đồ tiếp thì nó ra. Ừ, có Tề Thiên Đại Thánh thì cũng không biết gì ráo. Còn cái máy ghi âm, sướng quá, anh cài nó dưới cái lon trung tá, trên vai áo. Mọi chuyện êm ru. Anh ủi xong đồ, nó mặc đi ngay.

Hồng Ánh cười rất tươi:

- Thế thì mừng quá.

Kháng tiếp:

- Quá trưa, nó về, mặt đỏ gay, chắc ngà ngà say. Nó lăn ra ngủ, anh lấy quần áo đi giặt... Bây giờ, anh giao hết mấy thứ đó cho em.

Hồng Ánh ra hiệu cho Kháng ngồi im. Cô đứng dậy, đi tới quầy. Cô hỏi Oanh mấy đồng tiền lẻ để thối tiền dư cho Kháng. Khi quay lại, cô xách luôn cái giỏ xách tay nhỏ của cô để trên kệ rượu sau lưng quầy. Và cô đã ý tứ để cái giỏ trên mặt bàn, sát ly cà phê đã uống cạn của Kháng. Lựa lúc, Kháng rút gói giấy báo, trong đó có máy chụp hình và máy ghi âm, từ túi quần rằn ri, nhét vô giỏ.

Đến chiều tối, giao liên đường dài là một phụ nữ trạc ba mươi lăm tuổi, đang có mang cỡ năm tháng, đã chuyển hai cái máy ra địa bàn BĐ 3. May quá, chị gặp đội công tác lúc chín giờ tối, tại nhà bà Tần. Và đội công tác đã xé rừng đi thông đêm, qua sông Kana, về đến văn phòng Huyện ủy tại buôn Lum lúc mờ sáng, gặp ông Cửu. Chừng mười lăm phút sau, ông Cửu đi hỏa tốc về tỉnh, cùng đồng chí cán bộ an ninh khu và một nữ giao liên trẻ người Êđê.

Đi chừng năm bảy phút hết rừng le mờ mờ tối, phía trước là khoảng sáng cánh đồng cỏ lác. Nghe tiếng u u của chiếc L.19. Ông Cửu ngẩng mặt lên thì thấy chiếc L.19 bay rất chậm phía đồng cỏ. Ba người dừng lại bìa rừng le.

Ông Cửu ca cẩm:

- Máy bay máy bò gì mà chậm rì rì như rùa. Đến Khuê Ngọc Điền, chắc mình đi đường trong, theo triền núi, thì may lắm đến trưa mới tới Đăk Tua được. Nghe nói văn phòng Tỉnh ủy mới dời chỗ ở, lại mất công đi tìm. Ờ, anh Sáu, anh cho tôi nhúm thuốc rê coi. Vội vội vàng vàng, quên mất túi thuốc. Miệng tôi lạt quá - Ơ, chưa đi được đâu, nó quành lại kìa...

(Còn nữa)

Trích tiểu thuyết của Trúc Hoài


Ý kiến bạn đọc