Từ sông Krông Bông (kỳ 15)
Bảy giờ sáng. Chiếc Jeep không mui che của Kháng đậu êm ru bên ngoài cổng quán Sơn Cước - Viên trung tá đi trước, Kháng đi sau. Vừa ngồi xuống ghế, viên trung tá vừa ra hiệu và nói nhỏ với Kháng:
- Đậu xe vô sân. Đậu ở ngoài không bảo đảm an ninh.
Kháng chần chừ, bởi xưa nay, chưa có lệ xe nhỏ vô đậu trong cái sân hình chữ nhật, rộng chưa đến tám chục mét vuông, được rải lớp đá dăm khá dày nhưng chỗ đất đỏ vẫn cứ trồi lên khi có mưa.
Hồng Ánh hơi cúi đầu chào viên trung tá và cười với Kháng ngồi bên. Đôi mắt viên trung tá sau cặp kính trắng đã để ý Hồng Ánh khi cô từ quầy bước ra. Viên trung tá có vẻ sững sờ. Kháng đẩy vào cùi chỏ tay phải, làm viên trung tá sực tỉnh lại và cất tiếng chào như bị giật mình: “Ơ, tôi chào em”. Rồi anh ta rút khăn tay lau rất kỹ đôi mắt kính, như lâu lắm chưa lau một lần. Sau đó, nét mặt anh ta trầm ngâm hẳn.
Kháng nhận ra sự thay đổi tính tình của viên trung tá, bạn của mình. Thời học tú tài, viên trung tá tên là Cầu này vốn là một thanh niên vui tính, hay nói và học giỏi. Kháng và Cầu là bạn cùng xóm ở vùng sông Cầu, Phú Yên. Cầu được cha Kháng cứu khỏi chết đuối trên sông. Cha Cầu nhiều lần dặn con là “Cha thằng Kháng sinh mày lần thứ hai. Cái ơn đó mày mang suốt đời”. Chính vì vậy, về sau, Kháng đã mang lon trung tá, làm việc trong Bộ tổng tham mưu đầy quyền thế, Cầu vẫn giữ được mối quan hệ thân thiện với Kháng, Cầu thường gọi Kháng bằng tên hoặc bằng lão, theo như cách gọi vùng nhà quê Phú Yên, Bình Định. Còn với Cầu, do tính chất công việc đã lâu năm, nhất là do nhớ lời căn dặn của viên trung tá già người Mỹ tên Smít, cha đỡ đầu của Cầu: “Người có nhiều công việc cần giữ kín thì càng ít nói bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu. Đó là một tư chất vàng”. Cầu đã nhiều năm kiểm nghiệm lời dạy thâm thúy đó. Ngay ở trong Bộ tổng tham mưu, có một số sĩ quan hay mau miệng, ba hoa, thì thường bị bên quân pháp theo dõi. Từ đó, Cầu trở thành con người nghĩ nhiều, nói ít. Có lần cha Kháng nói: “Thằng Cầu trán dựng như bức vách, thế nào nó cũng thi đỗ, làm quan”. Lời ông nói trúng y chang. Kháng không ngờ cha mình lại có cái nhìn tinh tường của một ông thầy tướng số. Và Kháng cũng chưa hiểu do đâu, bản thân Cầu cũng mê tướng số. Trong cặp của Cầu, lúc nào cũng có một hai quyển tử vi. Cầu nói dân Mỹ rất mê bói toán. Các đời tổng thống, các ông chủ tỷ phú Hoa Kỳ đều nghe lời các chiêm tinh gia trước khi đưa ra một quyết sách. Nhờ quyển sách của chiêm tinh gia Huỳnh Liên, mấy năm ở Hoa Kỳ, Cầu kiếm khá nhiều tiền. Dân Hoa Kỳ không tiếc tiền để biết hậu vận đời mình. Lúc đầu, Cầu cứ tưởng chiêm tinh là chuyện vui vui, lạ lạ. Không ngờ... Đến CIA cũng bắt các điệp viên mình qua lớp học chiêm tinh.
Cầu trầm ngâm. Kháng cười hỏi:
- Còn cô gái này thì sao?
Cầu hỏi lại:
- Cô tiếp viên đấy hả? Ngừng một lát, Cầu tiếp - Đã nhìn rõ mặt đâu mà.
Khi Hồng Ánh để xong hai ly cà phê xuống bàn, Cầu ngửng mặt ra hiệu cho cô ngồi xuống đối diện với Kháng.
Hồng Ánh vừa ngồi xuống, vừa nói:
- Quầy chỉ còn thuốc ba số, caraven, quân tiếp vụ. Hết thuốc mêlia, bà chủ xin lỗi, các anh chờ một đỗi.
Đôi mắt Cầu sau cặp kính trắng nhìn chằm chằm vào mặt Hồng Ánh. Khi thấy Oanh đi lấy thuốc trở về, Hồng Ánh lại quầy.
Kháng hất mặt nhẹ về phía Cầu, ý muốn hỏi “Thế nào?”
Cầu lắc đầu mấy lần, vừa cười vừa nói:
- Không có gì để nói nữa. Dáng người cao ráo, bước đi thong thả. Đàn bà, con gái mà có đôi mắt to, sáng. Đó là hạng người vừa giàu vừa sang. Sơn nữ này mà về Sài Gòn, các phu nhân mệnh phụ thèm chảy nước miếng. Còn đối với giới mày râu, thế nào cũng xảy ra cái cảnh đọ gươm, đọ súng.
Hồng Ánh bưng đến một gói mêlia để trên cái đĩa nhựa nhỏ. Cầu quay sang chuyện trò với Hồng Ánh.
Cầu hỏi:
- Sao em phải làm ở đây?
Hồng Ánh bối rối:
- Dạ... thì em kiếm cơm mà.
Cầu cười:
- Không, chỗ này không phải của em. Ông trời sắp đặt lộn rồi.
Hồng Ánh ngạc nhiên. Cầu tiếp:
- Em phải đứng một chỗ khác.
- Tối mai anh ra khiêu vũ - Cầu hớp ngụm cà phê cuối cùng rồi tiếp - Mà anh chỉ nhảy cặp với em thôi.
Vẻ mặt Hồng Ánh hơi bối rối. Đầu cô gật nhè nhẹ, kèm theo một tiếng “Dạ” - Cầu đứng dậy như muốn ra về, lại chần chừ một lát rồi ngồi xuống ghế - Anh ta nói với Hồng Ánh:
- Hay em đi với anh. Em có chịu không? Xuống Vũng Tàu tắm biển một bữa rồi về Sài Gòn.
Hồng Ánh thật sự bối rối, mặt biến sắc, chưa biết nói gì. Trong thâm tâm, cô nghĩ:
“Vô cuộc rồi đây. Chưa biết ý định của anh ta thật sự như thế nào? Đành phải vừa dò vừa tính”. Cô cất giọng run run:
- Anh làm em bất ngờ quá.
Cầu cười:
- Em cần có một chỗ đứng khác.
- Dạ em đâu có dám.
Hồng Ánh ngồi im. Cô đang tính các công việc cần làm trước mắt. Còn Kháng, anh ngồi nghe hai người bàn chuyện, không góp một lời nào. Anh rất biết Hồng Ánh đang đi một nước cờ nào đó mà anh chỉ có thể hình dung một cách mù mờ.
Đến trưa tròn bóng, Hồng Ánh kêu đau bụng, không ăn cơm được, xin bà chủ cho ra ngoài phố ăn một chén cháo cho nhẹ bụng. Và cô lập tức đến gặp người cán bộ chỉ huy mình lâu nay vẫn sắm vai một người khai thác, buôn bán gỗ. Mọi tình tiết câu chuyện giữa viên sĩ quan bộ tổng tham mưu với Hồng Ánh được điện khẩn cấp ra ông Cửu bí thư, xin ông cho ý kiến chỉ đạo tiếp. Ông Cửu bảo phải chờ ít nhất một ngày, bởi ông cần xin ý kiến của các cấp trên. Điện đài nội thị được đặt trong căn nhà gỗ ọp ẹp, ngay bên cạnh chùa Khải Đoan, cái chùa lớn nhất của Phật giáo địa phận Dak Lak.
May mà quán sá chiều nay đông khách, bận rộn, ồn ào. Năm người lính nói mới ở mặt trận tam biên về, gọi một đĩa chân gà, mà uống đâu gần năm lít rượu đế, mặt anh nào cũng đỏ gay như gà chọi, giọng nói lè nhè, không nghe rõ họ nói cái gì, hình như có người dựa lưng vô vách, ngáy khò khò, tay để trên đùi còn cầm cái chân gà gặm dở. Hồng Ánh nghĩ nếu không có cái cảnh ồn ào và công việc của quầy lúc đông khách đã chi phối đầu óc cô; nếu không có màn kịch một thiếu tá biệt động không biết đã ngà say ở đâu, vào quán ngồi một mình một bàn, loạng choạng đến quầy, hoạnh họe cô là sao lại đem đến cho anh ta một ly cà phê sánh đổ ra đĩa, ngó gớm ghiếc, không sao uống được, buộc cô phải gọi người chạy bàn đổi một ly khác; mà đâu đã yên, viên thiếu tá vẫy tay mấy lần gọi Hồng Ánh tới, trách là sao không xin lỗi anh ta và yêu cầu Hồng Ánh ngồi tiếp anh ta, cô không cần nói một câu nào cũng được, chỉ cần ngồi yên để anh ta chiêm ngưỡng “em gái hậu phương xứ bụi - mù - trời”, lấy thêm chút sinh khí để sớm mai ra trận tiền; nếu không có tất cả những chuyện đó thì chắc cái đầu cô đã nổ tung, bởi bao ý nghĩ bỗng đâu ùa tới bám riết, làm buốt nhức hai thái dương, đều bắt đầu từ chuyện viên trung tá bộ tổng tham mưu rủ cô đi Sài Gòn. Hồng Ánh nghĩ: “Chuyện này thì cấm kị, không được hé ra với bà Mười, nếu biết, chắc bà ngất xỉu luôn. Còn với Quang, trời ơi, chưa xong chuyện này đã sinh chuyện nọ, làm sao mà chịu nổi. Chuyện cái khăn tay, chuyện tấm hình, giờ lại thêm chuyện người yêu đi theo một ông trung tá... Chuyện chưa đâu vào đâu, chỉ cần hình dung trong đầu óc thôi, đã thấy bàng hoàng. Phía trước là cái gì? Số phận mình sẽ ra sao? Anh Quang sẽ đau khổ đến mức nào? Làm sao mà biết trước được. Không biết đến lúc nào ông Cửu mới cho ý kiến? Rõ ràng đây đâu phải chuyện của riêng mình. Công việc của tổ chức cần mình...”.
Đắn đo mãi, cuối cùng Hồng Ánh không cho bà chủ biết chuyện viên trung tá rủ cô đi Sài Gòn. Trong lòng ngổn ngang bao chuyện, rối như tơ vò, Hồng Ánh xin bà chủ cho về sớm lúc mặt trời tắt nắng. Cô đang đi trên con đường mòn đất đỏ, bỗng có một thanh niên đạp xe đuổi theo. Một thanh niên cơ sở quen thuộc, được lệnh chở cô đến một nơi nào đó. Và vào lúc trời nhá nhem tối, Hồng Ánh được kết nạp vào Đảng Nhân Dân Cách Mạng sớm hơn cô tưởng. Lễ kết nạp được tổ chức tại một cơ sở xay xát gạo nhỏ, nằm phía đông nam thị xã. Người chủ cơ sở kinh doanh gỗ, bí thư chi bộ đọc quyết định của thường vụ thị ủy, quyết định kết nạp cô. Tổ đảng này gồm có bốn đảng viên, trong đó có chị bán cá quen thuộc. Và điều Hồng Ánh chưa biết trong số bốn đảng viên có mặt hôm nay, có cả thiếu tá Ba Hưng là người lưu giữ tấm hình của Quang. Còn cái cơ sở xay xát lẹp xẹp là chỗ làm ăn sinh sống của Ba Hưng... Một niềm tự tin dâng trào trong cô. Cô nhớ tới Quang và tự dưng ứa nước mắt khi nhanh chân về nhà. Rồi cô đã thức trắng đêm. Vui sướng, bồi hồi, lo lắng và dằn vặt khổ đau, cô muốn ngủ, dẫu năm mười phút thôi, nhưng mắt cô cứ mở, đầu óc luôn tỉnh táo và các câu hỏi cứ bám riết trong đầu: “Điều gì sẽ đến với mình trong nay mai? Cuộc đời mình rồi sẽ ra sao? Và Quang nữa. Trời ơi, bây giờ anh đang ở đâu? Làm sao mình gặp lại được nhau, để anh cho em một lời khuyên, ngay bây giờ...”.
Xế chiều ngày hôm sau, Hồng Ánh nghe tiếng rao của người bán bánh bao đang đẩy xe bánh lăn từ từ qua trước cổng quán. Hồng Ánh biết tiếng “bao” kéo dài khá lâu là một ám hiệu. Cô ra mua bánh. Người bán bánh là anh ruột của Kì. Anh vội bỏ vô bọc giấy màu nâu ba bốn chiếc bánh. Khi cầm chiếc bánh sau cùng, anh nói: “Cái này của em, có dấu dao cắt bớt một chút”. Anh không lấy tiền, không nói gì thêm, đẩy xe đi một cách vội vàng. Hồng Ánh rất biết người bán bò khô đứng bên kia đường, đối diện cửa quán, chắc chắn theo dõi không sót một chi tiết nào cảnh mua bán bánh bao này. Trước khi trở lại quầy, Hồng Ánh cắn ăn một miếng bánh bao có dấu dao cắt. Mấy đứa bạn xúm lại ăn bánh. Rồi khách đến, ồn ào. Cà phê đã bưng đến các bàn, không khí ồn ào lắng lại. Trong khi chờ khách mời, Hồng Ánh vừa ăn bánh bao, vừa đi vào phòng tắm để rửa mặt - Nằm giữa phần nhân bánh bao là một viên thuốc con nhộng và phía trong vỏ thuốc là một mảnh giấy nhỏ được cuộn chặt cẩn thận - Hồng Ánh nhúng mảnh giấy vô nước trong chậu nhựa. Khi cầm tờ giấy ra khỏi nước, trong chốc lát, Hồng Ánh thấy những con chữ đã hiện dần lên. Đây là nét chữ của ông Cửu, dứt khoát không phải ai khác. Nội dung ngắn gọn: “Cháu, việc đến chỗ cháu đã tính là vô cùng cần thiết - Nhưng chú không quyết định - Cháu đắn đo rồi quyết định, bởi đây là một thử thách rất nhiều mặt - Chú tin cháu có lòng tự tin và can đảm. Nếu cháu quyết định đi thì nhớ đến gặp cô Bảy để cầm giúp chú mấy ký cà phê gửi chú Sang uống cho vui. Chú Chín”. Vừa lúc đó, có tiếng đập cửa phòng tắm, gọi cô ra tính tiền cho khách. Hồng Ánh bước ra, tay còn cầm mẫu bánh bao chưa ăn hết. Cô cũng không quên rửa mặt, đắp nước nhiều lần lên trán nhằm giảm bớt sự căng thẳng tột độ đang diễn ra trong đầu - Đứng ở quầy, bên cạnh mấy bạn gái, trước mặt các sắc lính kẻ ngồi, người đi qua đi lại, tuy vẻ bên ngoài, Hồng Ánh vẫn giữ được cái tự nhiên thường ngày, nhưng bên trong đầu, những dòng suy nghĩ cuồn cuộn cứ ào ạt kéo tới: “Thế là tổ chức muốn mình đi với Cầu, tìm cách lọt vào bộ tổng tham mưu. Cái nơi ấy quá xa lạ đối với mình. Rồi sẽ xoay xở ra sao? Trước khi đi, phải đến gặp cô Bảy. Phải, chắc cấp trên căn dặn mình qua cô Bảy. Còn chú Sang là ai? Chắc là một đầu mối mới ở nơi mình sắp tới. Ừ, mình không sợ. Nhưng mà còn Quang, còn Quang... Đấy mới là điều băn khoăn, day dứt. Trời ơi, mình đi với một người trai trẻ, chưa vợ con. Rồi cái gì sẽ đến? Rồi Quang... Mình biết nói với ai, và ai hiểu th ấu tâm can mình bây giờ? Chỉ có anh, anh Quang ơi, bây giờ anh đang ở đâu? Anh mau đến cùng em, đến ngay lúc này... Chắc anh trách em nhiều lắm... Không biết con Nhung có được đi với mình không? Chú Cửu lần này lại ký tên là Chín. Giá chú viết được dài hơn...”.
Mạch suy nghĩ đó cứ trở đi, trở lại trong đầu Hồng Ánh cho tới gần sáng. Một ý mới chợt đến nung nấu thêm ý chí của cô. Cô nghĩ như đếm từng lời: “Cứ mon men từng bước vô bộ tổng tham mưu. Những tin tức ở đó mới đắt giá. Đánh ngay giữa sào huyệt của bọn chóp bu mới hả dạ. Chẳng lẽ đây là cơ hội, là dịp may hiếm có để trả thù? Anh Quang ơi, em biết, em biết mà... Em đi giữa rừng giáo gươm, dễ sa cơ lỡ vận. Chừng đấy, anh ơi, em vẫn cứ là của anh trong máu thịt. Anh đừng buồn, anh cho em đi... mỗi khi nhớ cha mẹ, nhớ các em, em không sao chịu nổi. Phải đi đến đó thôi, anh à - Em vô bộ tổng tham mưu quân ngụy...”.
(Còn nữa)
Trích tiểu thuyết của Trúc Hoài
Ý kiến bạn đọc