Multimedia Đọc Báo in

Từ sông Krông Bông (Kỳ 19)

10:02, 06/12/2013

Nắng chiều sắp tắt. Bầu không khí đầy bụi đỏ, nóng bức. Một cơn gió xoáy nhẹ cuốn vài ba chiếc lá khô lên ngay trước mặt chiếc xe lam chở đầy chuối. Chuối còn nguyên buồng, hầu hết là chuối xanh, lác đác vài buồng đã có trái chín ửng vàng.

Hồng Ánh ngồi đầu trong cùng băng gỗ kê sát thùng xe, ngay phía sau tài xế. Phía ngoài thành xe, sau lưng Hồng Ánh có căng tấm ni lông màu xanh rất dày, cũ bẩn, và lỗ chỗ nhiều miếng rách. Xe chạy qua một hai đường phố ngắn chưa được rải nhựa, rồi xuôi theo hướng đông nam thị xã, đến một vùng sum suê những vườn bơ và mít. Một lớp mỏng bụi đất đỏ bazan nhẹ phủ xuống vườn cây.

Chiếc xe chạy chậm lại trên con đường đất rộng chừng năm sáu mét và nó dừng hẳn lại trước một người đàn ông tuổi trạc năm mươi, dáng hơi thấp trong bộ pijama màu cỏ úa - Ông đứng trước cái cổng hai cánh được làm bằng những thanh gỗ xù xì, chắc chắn.

- Nay có chuối ngon, ông Ba mua cho một buồng. Anh tài xế lên tiếng.

Người đàn ông có tên là Ba hỏi lại bằng chất giọng miền tây Nam bộ:

- Dậy hả? Ông bước gần đến người lái xe, nói tiếp - Dậy thì cho qua một buồng. Dác giùm trong nhà, bà xã qua tính tiền luôn. Cứ thẳng nhà bếp, bả ở trỏng.

Hồng Ánh bước xuống, kéo một buồng chuối lên vai, một tay giữ chiếc nón lá vừa che đầu vừa che mặt. Cô đi thẳng một mạch vào cổng. Vừa lúc ấy, chiếc xe lam cũng chuyển bánh chạy mau.

Ông Ba mới quay vào tới cổng thì một chiếc Jeep mui trần dừng lại phía sau lưng. Tài xế mặc thường phục. Anh ta chưa xuống xe đã lên tiếng kêu “Anh Ba ơi!”.

Ông vừa cười vừa nhíu mày:

- Ừa, thiếu úy Thống. Có chuyện gì dậy?

Viên thiếu úy cười:

- Dạ, ông tỉnh trưởng mời thiếu tá chơi bài tối nay. Chơi tại nhà tỉnh trưởng mà.

Nét mặt ông Ba vui hơn. Ông cười cởi mở:

- Nhờ thiếu úy dề thưa dùm dới tỉnh trưởng là tui xin cảm ơn, tui không đến chơi được, bởihổm rày trời chuyển, cái lưng tui đau nhức quá, hổng ngồi chiếu lâu để hầu ổng được.

Viên thiếu úy có vẻ vui hơn:

- Trời ơi, tưởng chuyện gì. Nếu thiếu tá đau lưng, mỏi gối thì cứ đến đó, ông tỉnh trưởng mời vài chung mắt trâu rượu đặc biệt thì sức lực của thiếu tá sẽ cường tráng lên ngay.

- Rượu đặc biệt là thứ gì dậy? Ông Ba hỏi

Viên thiếu úy mau miệng trả lời:

- Vậy là thiếu tá chưa ngó tủ rượu của ổng rồi. Rượu ngâm tam xà, ngũ xà, lục xà. Rượu ngâm tay gấu, tắc kè, bào thai con nai. Rượu ngâm sâm Cao ly. Lại nghe nói có hũ rượu ngâm thuốc bắc theo đơn thuốc tẩm bổ của Từ Hy Thái Hậu xứ Tàu. Đó là chưa kể tủ rượu Tây nữa. Ông tỉnh trưởng trở thành nhà sưu tập rượu số một rồi. Cẩm nang của bà Từ Hy chắc chắn sẽ làm thịt da thiếu tá cuộn rần rần suốt đêm thôi. - Đến đây, viên thiếu úy bỗng hạ giọng - Thưa thiếu tá, y ngập ngừng, vừa quay mặt nhìn vô phía cổng, vừa nháy nháy mắt với thiếu tá Ba, rồi tiếp - Mới rồi có một em nào đó vác buồng chuối vô nhà, nhìn phía sau, thấy ngon ghê. Thiếu tá làm mai cho em. Thì thiếu tá vô nhà đi, đứng đây làm chi, chiều tối rồi, gió máy phiền phức lắm.

Thiếu tá Ba cười:

- Hổng có được đâu. Tui mua chuối, ới một tiếng nhờ nó dác dô giùm. Nó có chồng, hai con rồi, còn cái nước gì nữa mà ham.

Viên thiếu ý cười nhẹ, rất tâm đắc:

- Ờ, tiếc quá... Y lại ngập ngừng rồi tặc lưỡi - Tại cái số em nó đen đủi. Của ngon cứ tránh em hoài. Ở quê, cái con đẹp nhất xã lại chê em, nó lấy thằng thợ rèn chân đi cà lỉa cà lỉa... Thưa thiếu tá, thiếu tá có hiểu lòng dạ của bọn đàn bà, con gái không? Ờ, mà thôi, mình cứ vô nhà, nhìn nó một cái cho sướng con mắt. Cứ trận mạc dài dài, buồn thúi ruột.

Thiếu tá Ba lắc đầu:

- Con nhỏ đó dề rồi. Nó đi cửa sau. Hồi nãy nó đã xách nón đi dề, nói là cả ngày chưa cho con bú. Nó nể tui già cả, dác buồng chuối hổng nổi, nên nó mần giùm. Mà lo gì thiếu úy, để rồi tui làm mối cho mấy đám, nhắm mắt quơ cũng có một nắm con gái trong tay.

Viên thiếu úy tỏ ra thất vọng:

- Ơi, thiếu tá cứ nói vậy cho qua chuyện. Nay mai thiếu tá lại mịt mù binh đao ở Plâyku, Kon Tum, bỏ em một mình xứ bụi mù trời này, không biết dốc bầu tâm sự với ai hết.

Đến đây, viên thiếu úy như sực nhớ ra điều gì, đưa ta lên túi áo ngực, rút ra một tấm hình to bằng bàn tay. Đưa tấm hình cho thiếu tá Ba, y nói:

- Đây là mặt mũi con nhỏ Việt cộng đứng ở quầy bar Sơn Cước. Bố ráp mấy ngày vẫn chưa thấy tung tích nó ở đâu.

Ông Ba thiếu tá cầm trên tay tấm hình bán thân chụp Hồng Ánh đứng ở quầy. Ông nói chậm như đếm:

- Ừa, hèn chi tui nghe đại úy Tuyến, đại đội trưởng đại đội thám báo nói là đang tung lực lượng làm cái dụ gì đó. Con nhỏ này xuất hiện ở buôn Ky chiều hôm qua mà.

Viên thiếu úy ngạc nhiên:

- Thấy nó ở buôn Ky? Thiếu tá thấy nó ở đó sao?

Ông ba thiếu tá lắc đầu :

- Không, không. Đấy đâu phải chuyện của tui. Tui tình cờ nghe ông Tuyến nói như dậy. Thiếu úy về thưa với ngài tỉnh trưởng là nên tập trung lực lượng theo hướng buôn Ky. Cứ cà rịch cà tang thì con mồi sổng mất - Đến đây, ông Ba hạ giọng - Tui nghe người ta đồn con nhỏ đó một lúc bắn súng cả hai tay, nó bắn như thần. Nếu thiếu úy có tham mưu dụ này thì nhớ coi trước, ngó sau kỹ kỹ một chút, sao đó cho yên bề cái mạng.

Mặt viên thiếu úy hơi đanh lại, y dạ dạ, rồi lên xe. Trước khi nổ máy xe, y hỏi:

- Như vậy là thiếu tá không đến chơi bài được. Xin chào thiếu tá - Dạ, thế nào em cũng rót một chai trong hũ Từ Hy để tặng thiếu tá.

Ông Ba thiếu tá vừa lắc đầu vừa xua tay:

- Thôi, miễn miễn... Tui có mấy chai Gò Đen từ miền tây mới gửi lên. Một giỏ chục con chuột đồng béo núc. Thiếu úy có rảnh, lại đây lai rai dài xị. Thứ chuột Đồng Tháp Mười còn ngon hơn gà trong tiệm, món ghiền số dzách của dân nhậu miền tây tụi tui mà.

Viên thiếu tá dạ dạ một lần nữa, rồi đánh xe chạy thẳng, để lại phía sau đám bụi đỏ mù.

Hồng Ánh không ngờ mình lại lánh nạn ngay cái nơi cô được kết nạp vào Đảng. Cơ sở xay xát gạo này cũng nhỏ, chỉ có hai ba thợ làm hằng ngày, nó nằm cách nhà ở của chủ nhà chừng năm sáu chục mét, cùng trong khu vực đất vuông vắn khá rộng rãi, cây cối lưa thưa.

Ông Ba dặn Hồng Ánh không được xuống chỗ xay xát bởi ở đó nhiều người vô ra. Ông có thể đưa ra vô số lý do để cho máy móc ngừng chạy vài ba hôm, nhưng ông không làm như vậy, bởi ông không muốn tạo ra một tình huống nào đó khác thường, rất dễ khiến người bên ngoài đặt nhiều dấu hỏi. Ông xếp Hồng Ánh ở trong phòng thường ngày là nơi để đủ thứ đồ đạc, được gọi là nhà kho. Ông và đứa con trai mất một buổi mới dọn sạch căn phòng. Ông biết việc đưa Hồng Ánh đến đây đã được tiến hành cẩn thận, khéo léo và ông không có gì lo lắng lắm khi cô lưu lại đây dăm ba ngày để chờ tổ chức đưa cô ra hậu cứ. Bản thân ông cũng không hiểu vì sao đầu mối này bị lộ. Ông đưa ra lý do ốm đau để xin nghỉ ở nhà vài ngày.

Cuộc truy lùng Hồng Ánh đang diễn ra ráo riết, đến tận vùng ven. Kiểm soát ngặt nghèo tại các cổng gác các mối đường đi Nha Trang, Gia Lai, suốt hai mươi bốn giờ trong ngày. Những nơi đông người đều có dán tấm hình của Hồng Ánh được phóng to bằng trang vở học trò. Dưới tấm hình có ghi: “Hồng Ánh, tức Nguyễn Thị Thanh Xuân - Điệp viên cộng sản, đang bị truy nã”.

Hồng Ánh nằm trên chiếc giường gỗ có màn che muỗi, cô không sao ngủ được. Nỗi vui mừng vì được lánh một nơi khá yên ổn cũng chỉ thoáng qua. Điều đang nói day dứt làm cô không cầm được nước mắt, là lúc chiều, khi xe lam đang chạy, anh tài xế cho biết việc bà Mười bị bắt qua nhiều đầu mối anh góp lại.

Lúc mười một giờ đêm, khi cảnh sát bao vây quán Sơn Cước, cũng là lúc một nhóm khác gồm bốn cảnh sát do một đại úy chỉ huy, đi xe Jeep đến bắt bà Mười, không mở miệng nói một tiếng. Bà Mười hỏi: “Tôi có tội tình gì mà bắt tôi”. Tên đại úy trưởng nhóm đáp gọn: “Thôi đừng giả bộ nữa, bà ơi”. Chúng không trói bà, bởi chắc thấy bộ dạng bà, thì không phải bận tâm lo bà tẩu thoát trên đường đi. Tên cảnh sát đi sau cùng đã châm lửa đốt căn nhà của bà.

Khi đến đồn cảnh sát, tên đại úy hỏi:

- Bà già, chớ bà không sợ chết sao?

Bà Mười thủng thẳng đáp:

- Tôi nay đã bảy mươi lăm, Phật Quan Âm sắp đến rước đi rồi, còn ham cái nỗi gì nữa mà sợ chết.

Tên đại úy nhếch mép cười:

- Bây giờ, bà nghỉ tạm ở đây một đêm. Chắc bà Quan Âm Bồ Tát trên thiên đình đã nhảy mũi, thế nào cũng sớm đằng vân xuống rước bà lên Niết Bàn.

Hai cảnh sát dẫn bà Mười đi thẳng đến cái nhà xây nhỏ nằm ở ngay sau cái nhà chính của đồn có chiều dài không đến hai chục mét. Phần nền của nhà chính được nâng cao, cách mặt đất đến sáu bảy tấc. Vì vậy, từ đó chỉ cần nhìn qua cửa sổ phía sau, người ta có thể theo dõi mọi động tĩnh phía trước cửa phòng giam. Đấy là chưa kể một bốt canh chỉ đủ cho lính canh một người đứng, liền kề đầu phòng giam, túc trực suốt hăm bốn giờ trong ngày.

Viên đại úy ngồi ở nhà chính của đồn, điện sáng trưng. Bên cạnh có một thiếu úy và một lính cảnh sát. Khi hai cảnh sát dẫn bà Mười vào phòng giam trở lại, viên đại úy nói:

- Mấy người canh phòng cẩn mật, để nó đào hầm tẩu thoát thì chỉ có nước xuống trại lao công đào binh làm kiếp nô lệ.

Viên thiếu úy cười:

- Đại úy yên tâm. Móng bằng đá hộc, tường dày bốn tấc thì làm sao mà đào bới được. Bà già đó ngoáy trầu còn không nổi nữa thì đâu có cái chuyện ảo tưởng đào bới nữa.

Viên đại úy chau mày, nói to:

- Mấy người này không biết gì hết trọi, cho giải nghệ, về nhà rửa đít cho vợ. Y ngừng một lát, rồi tiếp - Bà già đó cần chi phải đào. Bọn đặc công 310* độn thổ vô, hớt tay trên, ẵm bà đi. Các người không nhớ, mấy năm trước, cũng mấy thằng 310 trên Dak Lak này xuống dưới Phú Yên, giải thoát 23 lãnh tụ Mặt trận Giải phóng ra khỏi lao tù ngon ơ đó sao? Ừ, thì tên của mấy ông đó tui cũng quên mất - Người ta toàn dân trí thức hết, chớ đâu như mấy người, hai cộng ba cũng không biết là bao nhiêu.

* Về sau, đại đội 310 là một đơn vị của tiểu đoàn đặc công 401 thuộc lực lượng vũ trang tỉnh Dak Lak.

(Còn nữa)

Trích tiểu thuyết của Trúc Hoài


Ý kiến bạn đọc