Multimedia Đọc Báo in

Những tội ác khủng khiếp bị đưa ra ánh sáng

10:01, 26/11/2017

(Đọc cuốn “Mệnh lệnh lưỡi lê: sự thật về cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam” của Nick Turse - NXB Trẻ)

“Sửng sốt, căm giận, đau lòng” là cảm xúc chung của nhiều độc giả khi đọc cuốn sách “Mệnh lệnh lưỡi lê: sự thật về cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam” (Kill anything that moves: the real American war in Vietnam) của nhà báo, nhà sử học Nick Turse.

Nick Turse đã dành hơn 10 năm nghiên cứu các tư liệu mật của Lầu Năm Góc, phỏng vấn những cựu binh Mỹ cũng như những nạn nhân Việt Nam từng sống sót trong các trận càn của quân Mỹ, các cựu tù nhân bị bắt bớ, giam cầm, tra tấn trong các nhà tù ở miền Nam Việt Nam từ đầu những năm 1960 đến những năm 1970 để tìm ra một sự thật là: các hành động bạo lực nhằm vào dân thường Việt Nam như vụ thảm sát Mỹ Lai không hề là cá biệt, mà mang tính hệ thống; đặc biệt, những hành động tàn sát này là chuỗi hệ quả tất yếu của những mệnh lệnh phát ra từ những cấp cao nhất của quân đội Mỹ: “kill anything that moves” (giết bất cứ thứ gì động đậy).

Ảnh bìa cuốn sách
Ảnh bìa cuốn sách "Mệnh lệnh lưỡi lê: Sự thật về cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam"của tác giả Nick Turse.

Chi tiết đến đáng ngạc nhiên, Nick Turse khắc họa cách vận hành của bộ máy chiến tranh đã gây ra tội ác trong hầu hết các trận chiến đấu của quân Mỹ. Anh đã đi đến nhiều vùng ở Việt Nam, gặp rất nhiều nhân chứng và phát hiện ra rằng ở bất cứ vùng nào ở miền Nam Việt Nam, từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đến đồng bằng sông Cửu Long đều có các vụ như Mỹ Lai. Theo tìm hiểu của Nick Turse, sở dĩ tình trạng lính Mỹ bắn giết dân thường trong chiến tranh Việt Nam diễn ra phổ biến như thế xuất phát từ quan điểm coi việc “đếm xác kẻ thù là căn cứ đánh giá nỗ lực quân sự của quân đội Mỹ trên chiến trường” của các quan chức cao cấp trong Lầu Năm Góc. Áp lực phải gia tăng số liệu “đếm xác” đè nặng lên lục quân lẫn thủy quân lục chiến khiến lính Mỹ tàn sát, bắn giết dân thường vô tội vạ rồi báo cáo đó là “xác kẻ địch đã tiêu diệt được”. Bên cạnh đó, những chính sách quân sự cấp cao như: chiến thuật tìm – diệt, lách luật, các vùng bắn phá tự do… được đưa ra ở Việt Nam càng khiến việc tàn sát diễn ra trên diện rộng. Những tội ác chiến tranh diễn ra khắp nơi trong suốt thời gian lính Mỹ ở Việt Nam: từ thảm sát cho đến tra tấn, xẻo thịt xác chết và cưỡng hiếp. Binh lính Mỹ đã tàn sát dân thường, bắn phá nát tan các làng quê yên bình ở Việt Nam bằng đủ loại vũ khí siêu hạng, tối tân, được thiết kế chuyên biệt nhằm gây thương tật và làm tàn phế con người.

Những tội ác mà quân Mỹ gây ra ở Việt Nam khủng khiếp đến nỗi khiến chính người Mỹ, trong đó có nhiều cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam, không thể im lặng. Đã có những lời tố cáo, những lá đơn gửi đến các cơ quan truyền thông, các cấp lãnh đạo cao nhất của quân đội Mỹ nhưng tất cả đã rơi vào im lặng vì quân đội Mỹ có hẳn một bộ máy tinh vi trong việc khiến cho những lời cáo buộc “chìm xuồng”. Trong cuốn sách của mình, Nick Turse kể rằng một cựu binh Mỹ ẩn danh đã viết những lá thư gửi tới Tướng Westmoreland, Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ bấy giờ, tố cáo về việc thảm sát dân thường trong chiến dịch “Hành quân thần tốc” ở châu thổ đồng bằng sông Cửu Long xảy ra trong thời gian dài. Người cựu binh Mỹ (tự gọi mình là trung-sĩ-ưu-tư) đã không thể im lặng khi đồng đội trong Sư đoàn của mình gây ra quá nhiều tội ác tàn bạo, cho rằng chính các chính sách chỉ đạo chính thức từ các cấp chỉ huy quân đội Mỹ đã dẫn tới cái chết của hàng nghìn thường dân vô tội. Tuy nhiên, rốt cuộc những bức thư của người cựu binh Mỹ ấy chưa bao giờ được công khai, vẫn nằm yên trong Văn khố quốc gia Hoa Kỳ cho đến khi tác giả Nick Turse tìm ra chúng. Tương tự, cuộc biểu tình của những cựu binh Mỹ từng được trao huân chương nhằm gây sức ép yêu cầu tòa án bắt giữ các tội phạm chiến tranh cũng chẳng có tác dụng. Những người tố cáo hoặc là bị đe dọa hoặc là bị cản trở bởi chính những đặc vụ dày dạn kinh nghiệm của Mỹ. Nick Turse viết “Vào cuối thập niên 1970, các vụ xét xử binh lính tại ngũ bắt đầu diễn ra, nhưng lần lượt từng vụ kiện cũng đều nhanh chóng rơi vào quên lãng khi các vị tướng tai to mặt lớn ra lệnh hủy bản án, còn các bồi thẩm đoàn của các tòa án quân sự cho phép những kẻ thủ ác bước ra khỏi vành móng ngựa”.

Hơn 400 trang sách ngồn ngộn những tư liệu tỉ mỉ và sống động, rất nhiều trong số đó là những tư liệu mật từ Văn khố quốc gia Hoa Kỳ được Nick Turse cất công “khai quật” và đưa ra ánh sáng. Đọc sách, chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng, dù cuộc chiến tranh Việt Nam đã trôi qua hơn 40 năm nhưng hậu quả của nó vẫn còn rất khủng khiếp, không chỉ đối với người dân Việt Nam, mà cả những người Mỹ “vẫn phải chịu đựng một cuộc chiến nội tâm luôn giằng xé mỗi lúc đêm về”.

Nick Turse (sinh năm 1975) là nhà báo, nhà sử học Mỹ. Anh từng được nhận giải Ridenhour Prize tại Câu lạc bộ báo chí quốc gia tháng 4-2009 vì nhiều năm điều tra các vụ thảm sát do binh lính Mỹ gây ra ở đồng bằng sông Cửu Long trong chiến dịch Hành quân thần tốc. Anh còn nhận được giải thưởng James Aronson Award cho Sự nghiệp báo chí vì công bằng xã hội của Hunter College và giải danh dự trong MOLLY National Journalism Prize cho bài viết “A My Lai a month” (Mỗi tháng một Mỹ Lai).

Hải Như


Ý kiến bạn đọc