Màu của đất đai và văn hóa buôn làng
(Đọc tập thơ “Màu thổ cẩm” của Bùi Minh Vũ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2019)
Sau một thời gian đắm hồn vào cõi thơ siêu thực, bứt phá nhiều về nghệ thuật biểu đạt cũng như nội dung tư tưởng, nhà thơ Bùi Minh Vũ lắng lại lòng mình hướng đến các giá trị truyền thống viết về đất nước và con người, nhất là mảnh đất cao nguyên Đắk Lắk nơi anh đang sống và làm việc với một điệu thơ gần gũi, quen thuộc hơn với độc giả.
Có thể xem tập thơ “Màu thổ cẩm” là tấm lòng biết ơn của anh với đất đai và văn hóa buôn làng - nơi tuy không sinh thành nhưng đã nuôi dưỡng anh từ hạt lúa củ khoai cho đến lời ca tiếng hát, có khi bằng “nhịp chiêng dài như ánh trăng nghiêng”.
Từ tiêu đề tác phẩm, người đọc dễ dàng nhận ra cảm hứng sáng tạo bao trùm của tập thơ là mảnh đất cao nguyên với biết bao vẻ đẹp văn hóa chắt lọc từ đời sống hiện thực: “Hạt cà phê”, “Nghe cây hát”, “Màu thổ cẩm”, “Em thổi Đing năm”, “Đường về nương rẫy”, “Amí Thi không ngủ”, “Bến nước”, “Qua bảy mùa uống tháng”, “Con voi Buôn Đôn”, “Đêm nghe tiếng khóc trâu”… Mỗi bài thơ là một thanh âm cất lên từ điệu hồn tác giả, khi vui cũng như lúc buồn, tất cả chứa chan một tấm lòng yêu thương, nâng niu với mảnh đất ba zan sâu nặng ân tình.
Vốn là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Bùi Minh Vũ khá am tường các luật tục và vẻ đẹp văn hóa bản địa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Từ lễ tắm lúa hay lễ đâm trâu, tác giả đều muốn giúp người đọc hình dung được nét văn hóa độc đáo của buôn làng. Văn hóa làng buôn qua cái nhìn tinh tế của tác giả thật khơi gợi và dễ đi vào lòng người:“Ơ anh/ Hãy cầm hạt lúa nâng lên/ Thầm mong/ Đôi ta không bao giờ/ Tuốt lúa hướng tây/ Sợ lúa theo mặt trời lặn mất” (Tuốt lúa). Từ hạt cà phê thảo thơm, tác giả bồi hồi nghĩ về đất đai lắng sâu vào tâm hồn con người muôn thuở.
Đất, rừng, sông suối, cỏ cây hoa lá… thực sự bừng thức qua nhịp chiêng ngân, ché rượu cần, rẫy nương cho đến ánh lửa rực hồng trong đêm nồng nàn lễ hội. Tất cả hóa thành “con mắt”, thành linh hồn của xứ sở thiêng liêng này: “Hạt cà phê con mắt đất ba zan/ Long lanh trong nắng sớm/ Hạt cà phê con mắt biết nói/ Ta muốn nghe từ đêm kể khan” (Hạt cà phê). Ngày mùa vui, tác giả “Màu thổ cẩm” cũng hòa điệu nỗi mừng vui vào bữa cơm của một gia đình nông dân sau biết bao mồ hôi khó nhọc. Tấm lòng thương người, thương đời nhờ đó lan tỏa ấm áp: “Những bao cà phê chồng lên cao/ Amí nhìn, ama đứng ngắm/ Tiếng cười của ngọn điện/ Thả xuống mâm cơm vui” (Tiếng cười).
Điều thú vị của tập thơ “Màu thổ cẩm” là vẻ đẹp của thế giới tình yêu lứa đôi hiện lên hài hòa trong vẻ đẹp của văn hóa buôn làng qua rất nhiều bài thơ tình ý vị. Tình yêu lứa đôi nhuộm sắc màu thổ cẩm, màu của yêu thương qua không gian “năm đồi bảy rẫy” mới có nhau. Yêu nhau, hẹn nhau, nhớ thương nhau “phải đến lễ hội trong buôn” để hòa tình yêu vào thế giới cộng đồng rộng lớn:“Bóng của họ nhuộm sắc màu thổ cẩm/ Tiếng yêu thương suối chảy đá mòn/ Còn thổn thức lửa tràn say tay đắm” (Màu thổ cẩm).
Từ đôi mắt của người con gái buôn làng, nhà thơ "uống" biết bao mạch nguồn nơi xứ sở làng buôn. Đó là tiếng chiêng vọng ngân từ nhà dài, trườn qua hoa lá cà phê, chụm vào đụn cây, lắng biết bao vui buồn nơi đáy ché rượu cần thân thiết…, tất cả xoay quanh đôi mắt người con gái đẹp: “Uống tiếng chiêng/ Vọng từ nhà dài/ Băng qua đỉnh cầu thang mẫu hệ/ Lung linh chùm sao/ Trong ngần mắt em” (Từ mắt em). Một cuộc giã bạn dùng dằng đủ níu làn hương cà phê xao xuyến lòng người trở về nhớ mãi. Vẻ đẹp của tình yêu lứa đôi nhờ đó cũng hòa vào cảnh sắc tự nhiên, lung linh vẻ đẹp của văn hóa buôn làng: “Em hái cành hoa cà phê tặng anh/ Ngày giã bạn hoa đưa hương níu mãi/ Tay đưa hương nhòa sắc hương níu lại/ Trắng muốt hoa tay lơ lửng trong lành” (Nghẹn thở).
Đâu chỉ có niềm vui, niềm hạnh phúc trào dâng vào ngày mùa, ngày lên nương rẫy hay khi tình yêu hòa vào suối sông, lễ hội của người đồng bào, “Màu thổ cẩm” còn thể hiện nỗi niềm đau xót của tác giả trước nạn phá rừng tàn bạo, thiếu nhân tính của con người. Rừng bảo vệ đất đai, nuôi sống chúng ta, nhưng do hàng ngàn lý do khác nhau mà con người đã gieo nỗi đau cho rừng, cho quê hương: “Có nghe đất khóc/ Có nghe cây khóc/ Có thấy nước mắt tổ tiên/ Như giọt mưa nhỏ xuống ròng ròng” (Đất vàng). Nhận thức được sự mất mát của rừng, của văn hóa bản địa ngày càng mai một, nhà thơ Bùi Minh Vũ đôi khi thảng thốt, dằn vặt đầy thương cảm: “Ôi nếu em đòi/ Một đóa lan rừng/ Một tiếng mang kêu/ Một dòng suối hát/ Ta mất một đời để trả nợ cho em…Ôi trang viết buồn biết bao nhiêu hả trời/ Giá như rừng là mực/ Ta chấm vào viết nên trang sách/ Tự do cho muôn loài” (Trả nợ).
Thơ Bùi Minh Vũ vốn không dễ tiếp nhận bởi các biểu trưng nghệ thuật và sự liên tưởng khá mới mẻ, xa lạ so với cách tiếp nhận thơ truyền thống. Tuy nhiên, ở tập thơ “Màu thổ cẩm”, các tác phẩm được nhà thơ biểu đạt với một thi pháp gần gũi, giản dị nhiều hơn, dù rằng hình thức thơ anh viết đa phần tự do, phóng túng câu chữ. Không sử dụng nhiều các thủ pháp nghệ thuật tu từ, “Màu thổ cẩm” phần lớn được biểu đạt trực tiếp cảm xúc của tác giả, ví như: “Anh làm chòi bằng cỏ tranh/ Mưa bảy ngày chòi dột/ Em vào rừng cho anh xin bó nứa/ Lợp cái chòi trên rẫy đêm trăng” (Cho anh xin bó nứa). Thơ lục bát không được Bùi Minh Vũ sử dụng nhiều trong tập “Màu thổ cẩm”, nhưng vẫn có đôi bài nhẹ nhàng, giản dị như ca dao: “Đồi cao em bước hướng nào/ Vực sâu chớ lội, suối gào đừng qua/ Biển vàng đừng bước chân xa/ Heo may ngày gọi, thướt tha bóng chiều” (Chiều).
Với 151 bài thơ trong tập “Màu thổ cẩm”, lần đầu tiên thế giới nghệ thuật về vùng đất cao nguyên hiện lên khá toàn bích trong thơ Bùi Minh Vũ. Không chỉ đơn thuần miêu tả và kể chuyện về thiên nhiên, tình yêu lứa đôi hòa trong văn hóa buôn làng, phía sau đó là cả một tấm lòng mà tác giả gửi gắm, khát khao. Cảm mộ và tạ ơn mảnh đất cao nguyên Đắk Lắk, có được một đứa con tinh thần thi ca dâng tặng, ít nhiều Bùi Minh Vũ cũng được nhẹ lòng, thanh thỏa nghĩa ân sau tháng ngày được sống và yêu thương.
Lê Thành Văn
Ý kiến bạn đọc