"Nước mắt" của một thời kháng chiến hào hùng
(Đọc trường ca “Nước mắt Trường Sơn” của Hữu Chỉnh, NXB Văn học, 2018)
Trường ca “Nước mắt Trường Sơn” của nhà thơ Hữu Chỉnh là tập sách được Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam giới thiệu theo Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam”.
Tác phẩm chia thành 8 chương: Đi dọc tuổi thơ, Dòng sông ngược, Thức đợi mặt trời, Miền đất giấu lửa, Vỗ lửa Trường Sơn, Lời ru bi đông, Văn bia tưởng niệm, Viết cho con. Tập trường ca được viết bằng sự chiêm nghiệm sâu sắc của người trong cuộc đã từng trải qua chiến tranh với biết bao đau thương, mất mát và cả niềm vinh quang sau ngày đất nước ca khúc khải hoàn. Đặc biệt, nhà thơ đã lấy mảnh đất cao nguyên Đắk Lắk làm hình tượng không gian nghệ thuật chính như là “miền đất giấu lửa” để khái quát về những hy sinh, gian khổ và cả ý chí quật cường của cả dân tộc Việt Nam suốt ba mươi năm chống giặc ngoại xâm.
“Đi dọc tuổi thơ” là chương mở đầu với những ký ức hồn nhiên, trong sáng về một quãng đời đẹp tươi của tuổi hoa niên thơ mộng. Trong chương này, nhịp thơ được viết liền mạch, cảm xúc thật tự nhiên, nhờ đó đã lưu dấu được những câu thơ hay trong lòng bạn đọc. Ký ức tuổi thơ là khoảng trời kỷ niệm về hình bóng quê hương thơ mộng, chất thơ đầy ắp qua hình ảnh, ngôn ngữ: “Gió nồm Nam mát buổi trưa hè/ Vòm đa quê hương ô xanh lọc nắng/ Nằm dưới gốc thỏa thuê nhìn ngắm/ Cánh diều no gió sáo ngân rung”. Đặc biệt, chương thơ kể lại những ký ức đau thương trong những ngày mưa bom bão đạn khi giặc Mỹ kéo đến xâm lược với những câu thơ nhức buốt, xót lòng: “Và trang sách em ta cháy dở/ Máu bầm đen áo trắng khăn hồng/Tiếng con bê lạc mẹ trên đồng/Cứ “nghé ọ!” giữa luống cày sấp ngửa/Tưởng tiếng đất oằn mình chống đỡ/ Bom đạn đang rạch mặt cánh đồng/Rạch mặt quê hương, rạch mặt những dòng sông”.
Tạm biệt tuổi thơ, tạm biệt quê hương, những chàng trai lên đường đánh giặc. Trùng điệp nối nhau “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” như những dòng sông hùng vĩ, dữ dội ngược về phương Nam. Vì vậy, chương thơ “Dòng sông ngược” là tiếng lòng hăm hở ra đi theo tiếng gọi non sông của bao lớp người sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc. Ý chí và khát vọng giải phóng miền Nam thôi thúc vô cùng mãnh liệt. Sức mạnh đoàn kết dân tộc như trăm ngàn dòng sông băng mình ra biển lớn: “Ta đi/ Theo ánh sao cờ/ Nhân loại cùng ta, vì ta thao thức/ Những đứa con của sông Lô, sông Thao, sông Luộc/ Hòa cùng sông Hồng, sông Mã, sông Lam…/ Ngọn lửa tim soi hai tiếng: Miền Nam!”.
Qua chương thơ “Thức đợi mặt trời”, tác giả khắc họa vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Đắk Lắk đánh giặc. Hình tượng “lửa” trở thành biểu tượng của khát vọng, niềm tin nơi mảnh đất cao nguyên đại ngàn: “Đất thì cứ ánh lên màu lửa/ Ủ lửa ngàn đời khát vọng bùng lên”. Lửa còn là biểu tượng của tương lai tươi sáng: “Vì ngày mai, ngày mai/ Mà bếp nhà sàn ủ lửa/ Lửa chưa bao giờ ngủ/ Tích tụ ngàn năm/ Mặt trời từ lòng đất/ Bùng lên thắp sáng đại ngàn”. Mỗi địa danh, thắng cảnh trên cao nguyên Đắk Lắk đều gắn liền với huyền thoại, dã sử lung linh kỳ diệu: “Có chàng Lắk tìm nước cho buôn làng/ Để con lươn đào nên hồ Lắk/ Có chuyện tình dệt nên sông Tóc/ Nước mắt chảy thành thác H’Linh/ Những dũng sĩ trở thành Chư Mốt, Chư M’Lanh/ Cùng Đăm Trao, Đăm Rao vào huyền thoại/ Quặn thắt mối tình oan trái/ Cho Ea H’leo nức nở thác ba tầng”.
“Miền đất giấu lửa” giàu giọng điệu làm nên vẻ đẹp nghệ thuật riêng trong trường ca “Nước mắt Trường Sơn”. Khi hào hùng với “rùng rùng đất chuyển/ rầm rập voi đi”; khi vui sướng, tự hào có làng buôn mới hình thành: “Tiếng chiêng qua chóp núi/ Tiếng chiêng lướt đỉnh rừng/ Tiếng chiêng giao hòa trời đất…”; khi tâm tình kể chuyện: “Người Êđê sinh con gái thì sắm kông-tua…”; khi tang thương, đau xót: “Một chiều súng nổ/ Lửa thiêu nhà sàn/ Tro bay đen trời/ Tro bay kín đất/ Chòi lúa thành than/ Ché túc vỡ tan/ Chiêng khắc dúm dó/ Bến nước ông bà máu đỏ/ Giàng ơi!”. Đặc biệt là giọng điệu hào hùng, tráng khí trở thành âm hưởng chính khi cả “miền đất giấu lửa” đứng lên đánh Tây: “Chư Yang Sin bạc đầu/ Sê-rê-pốk dội sóng/ Tây Nguyên sôi động/ Tin lan truyền Nơ Trang Lơng đánh Tây/ Chiếc xà gạc phạt cây/ Chém rụng đầu Hăng-ri Mét”…
“Vỗ lửa Trường Sơn” là chương thơ tái hiện lại hành trình “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của cả một dân tộc: “Xin bắt đầu bằng/ Đường mòn Hồ Chí Minh - đường dây 559” với biết bao gian khổ, hy sinh: “Đường lên cổng trời/ Dấu tay nối nhau/ Vịn vào cây nhẵn bóng gương soi/ Đồng đội điệp trùng/ Leo dốc ngược… Có đợt nghìn chuyến xe đi/ Còn trăm rưỡi trở về đất Bắc”. Từng vào sinh ra tử trên con đường Trường Sơn huyền thoại, nhà thơ ghi lại những trang nhật ký bằng thơ hết sức sống động, cụ thể nhưng giàu sức khái quát về một thế hệ anh hùng chống ngoại xâm: “Hàng cọc căng tăng đứng sẵn đợi người/ Giá để ba lô khỏi mối xông, chuột gặm/ Mỗi đêm mỗi người lại thiết kế một ngôi nhà/ Đủ tiếng cười chia khắp gần xa/ Đủ miếng lương khô ngọt bùi chia sẻ/ Đủ sao trời, hương phong lan dịu nhẹ…”.
“Lời ru bi đông” là chương thơ được viết bằng thể thơ lục bát duy nhất trong toàn bộ 8 chương của trường ca. Hình tượng bi đông giàu vẻ đẹp ẩn dụ, như một biểu trưng nghệ thuật đầy sáng tạo của tác giả. Chương thơ thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc thông qua hình tượng bi đông: vẻ đẹp hào hùng từ những chiến công; sự hy sinh, mất mát; niềm tự hào và cả nỗi xót xa… Có “Lời ru bi đông” hướng về quê hương xứ sở, nghe thật da diết, nhất là những câu thơ viết về cái nghèo khó, lam lũ, đói rét nơi miền quê những người lính đang hành quân và hoài niệm nhớ về: “Ngoan ngoan cái ngủ à ơi/ Nặng bồng, nhẹ tếch ngược xuôi cánh bèo/ Bi đông đựng nước quê nghèo/ Đồng chiêm tiếng ếch đổ theo mưa rào… Bi đông mang nặng yêu thương/ Nối quê với những chiến trường con qua”. Có “Lời ru bi đông” hóa nỗi đau ngày mất mẹ nhạt nhòa nước mắt: “Bi đông nước mắt nhạt nhòa/ Trắng vành khăn trắng, mưa sa trắng trời/ Ngổn ngang trong dạ bời bời/ Nhớ thương thổi dọc cuộc đời mẹ ta”. Có “Lời ru bi đông” trở thành sức mạnh đoàn kết, hội tụ hồn thiêng sông núi, nơi trăm ngàn con sông đất nước đã lắng vào chiếc bi đông tròn tròn theo suốt cuộc đời người lính trẻ, làm nên vẻ đẹp hào hùng: “Cớ chi chia cắt hai miền/ Thịt xương đòi được nối liền thịt xương/ Bi đông càng nặng yêu thương/ Trường Sơn hội tụ bốn phương anh hùng”. Có “Lời ru bi đông” trở thành biểu tượng chiến công, sự bất khuất của cả một dân tộc trước những kẻ thù hùng mạnh nhất: “Tròn tròn tròn cái tròn tròn/ Nặng hơn trái đất, nhẹ hơn lông hồng/ Bi đông! Bi đông! Bi đông!/ Tượng đài xin tạc chiến công anh hùng”.
Nhiều đoàn khách viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Ảnh: cand.com.vn |
“Văn bia tưởng niệm” là chương thơ gần như tổng kết lại hành trình hy sinh, gian khổ của hàng triệu người chiến sĩ đã làm nên chiến thắng thần kỳ của dân tộc: “Từ chính nghĩa xây nên chiến thắng/ Dựng lương tâm phẩm giá con người”. Giọng điệu thơ hào sảng, các vế đối nhau theo lối văn biền ngẫu, đã làm nên một không khí tráng ca: “Muôn thuở Cư Yang Sin còn đó/ Ngàn đời Sê-rê-pốk còn đây/ Chiêng ngàn năm rung nhịp, nâng trời/ Voi muôn thuở hội mùa dậy đất”. Khép lại chương thơ, nhà thơ đã bày tỏ niềm kính vọng thiêng liêng trước những trang oanh liệt suốt đời vì dân, vì nước: “Dựng kỳ đài ghi ơn người vì Nước, hàng hàng mộ chí kiên trung/ Tạc văn bia nhớ ơn người vì Dân, vằng vặc gương soi đất trời muôn thuở”.
“Viết cho con” là chương thơ cuối của trường ca, giọng thơ chuyển sang điệu tâm tình thế sự, mang nhiều nỗi niềm suy tư của tác giả về quá khứ và hiện tại. Nói với con về một thời gian khổ, nhưng cũng là mừng cho cuộc sống hôm nay hạnh phúc, đổi thay. Nhờ đó, sự sâu lắng và đầy chiêm nghiệm được tác giả bày giải chân thành, tha thiết của người đi trước. Có một thời gian khổ cảm động rưng rưng: “Chuyện hôm nay đâu phải chuyện ngày xửa, ngày xưa/ Hàng chục vạn người như cha từng nằm trong hang đá…”. Từ đó, nhà thơ muốn các con càng yêu quý nhiều hơn độc lập, tự do: “Giá mỗi tấc đường không tính nổi con ơi/ Không thể tính theo kiểu công trình bạt rừng san đá/ Suốt mấy mươi năm, mỗi tấc đường trở thành vô giá/ Mà có giá nào bằng Độc lập - Tự do”.
Về nghệ thuật sắp xếp cấu trúc, 8 chương của trường ca “Nước mắt Trường Sơn” được kết nối nhờ vào mạch cảm xúc, suy tưởng theo hướng cấu trúc của trường ca hiện đại. Mỗi chương thể hiện một nội dung riêng, nhưng lại có khả năng hồi cố chương trước và khai mở tư tưởng cũng như cảm xúc cho chương tiếp theo. Đặc biệt, hai chương đầu và cuối là “Đi dọc tuổi thơ” và “Viết cho con” là cả một dụng ý nghệ thuật, như kiểu kết cấu vòng (đầu cuối tương ứng), nhờ đó “Nước mắt Trường Sơn” có khả năng “phong kín” một cách hàm súc tư tưởng nghệ thuật, không đơn giản như kiểu thơ nối dài để thành trường ca.
Đọc trường ca “Nước mắt Trường Sơn” của nhà thơ Hữu Chỉnh, với gần 160 trang sách, lòng thầm cảm ơn biết bao thế hệ cha anh đã hy sinh để có được nền độc lập, tự do cho Tổ quốc hôm nay.
Lê Thành Văn
Ý kiến bạn đọc