Multimedia Đọc Báo in

Trải tình thương yêu với lứa tuổi học trò

08:11, 04/07/2021

(Đọc “Đứa con buôn Chua” của Bích Thiêm - Nhà xuất bản Dân Trí - 2020)

12 truyện ngắn và một bài thơ gửi bạn bè khoa Toán khóa 1978 – 1982 Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1 mà Bích Thiêm theo học để trở thành cô giáo gắn bó với buôn làng, được tập hợp làm nên hình hài “Đứa con buôn Chua” có độ dài 130 trang in, phù hợp với học trò ở lứa tuổi 12 – 18. Mỗi truyện đều có dung lượng vừa phải, có gợi mở cho lứa tuổi thanh thiếu niên tìm lẽ sống.

Mở đầu là truyện “Đứa con buôn Chua” (được lấy tên chung cho tập sách). Tuổi mới lớn, học lớp 12 nên dễ bị cám dỗ. Y Wit cũng không ngoại lệ, bạn rủ rê hút thử thuốc lá gây nghiện. Rồi cô bé tên Hương sử dụng Internet và Facebook nên bị kẻ xấu lợi dụng hãm hại, nằm bệnh viện. Phải chăng đây là lời cảnh tỉnh cho học sinh nên biết lựa chọn những gì tốt đẹp trong thời đại công nghệ đã về đến buôn làng. Cũng may Y Wit có chị dẫn đi thăm ngôi nhà chóe Đại Ngàn để thêm yêu quê hương, gìn giữ văn hóa bản địa. Muốn bảo tồn phát huy thì cần phải học, học nhiều: “Wit à, amai nghĩ với các đồ của thời ông bà, người già để lại, mình chỉ giữ không chưa được. Vẫn phải học để biết về chúng, để giữ được lâu và nói cho mọi người cùng biết”. Lời chị nói với em coi như lớp trước truyền cho lớp sau suy nghĩ của mình.

Truyện “Bài học trong nhà dài” chọn được cái cớ là học sinh dự trại sáng tác để được nghe kể khan Đam San đi tìm nữ thần Mặt Trời. Cháu ngủ mơ nghe ông kể để càng yêu miền đất của tổ tiên tràn ngập tiếng tông ching, lời khan huyền thoại và bến nước ông bà. Đây là đoạn kết truyện khi đứa cháu rót nước cho ông như sự kết nối: “Nó chạy lại rót thêm nước vô ly cho aê, aê uống một hơi rồi đứng dậy và bước ra ngoài hiên nhà. Mái tóc trắng bồng bềnh trong nắng sớm cứ óng ánh như có ánh sáng nhảy múa trên đó vậy”.

“Anh trai và Đăm Rei” là truyện viết khéo. Từ vật sang người. Từ chú gà Cồ được bố dạy cho trưởng thành, biết cất tiếng gáy chào buổi sáng, chuyển sang các em nhỏ trưởng thành dần, biết trông em và giúp đỡ bố mẹ. Các em hiểu biết về mẫu hệ và sự bình đẳng nam nữ, ai cũng như ai: “Con gái muốn đi bắt chồng, phải có ông cậu là người đại diện đi nói chuyện với nhà trai nha. Rồi trong nhà có khách, Đăm Rei sẽ đứng ra đón tiếp. Ngay cả thời xưa ông Đam San vẫn chiến đấu bảo vệ dân làng đấy, chính bà H’Nhí, H’Bhih đâu có làm được”. Truyện giải quyết ổn thỏa mối quan hệ.

“Đừng bao giờ bó tay” là mơ ước của tuổi mới lớn, có băn khoăn lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai. Học sinh lớp 12 nào chẳng có khát vọng được vào trường đại học ưng ý. Cô bé học giỏi đều các môn, gia đình khá giả, được cưng chiều. Ba mẹ muốn con thi khối A vào Trường Đại học Ngoại thương nối nghiệp mẹ. Cô bé lại muốn thi vào Tổng hợp Văn để được viết văn, viết báo thỏa chí phiêu lưu. Bà dì bị lừa đảo phải tự tử, rồi đài truyền hình cũng đưa tin có học sinh bị trầm cảm do áp lực thi cử nên bà mẹ chuyển biến, cho con tự chọn nghề. Xã hội cần nghề báo, người làm báo bảo vệ cái tốt, lên án cái xấu. Cô bé thỏa mãn nguyện vọng: “Nó vớ cây bút dạ và nắn nót viết lên góc chiếc bảng vẫn dùng học nhóm trên tường: Đừng Bao Giờ BoTay.COM”.

“Bài học nhỏ” phù hợp tuổi mới lớn, là học sinh cuối cấp, có ganh ghét, đố kị, cả việc yêu đương dẫn đến đánh hội đồng. Nhân vật nữ tên là Hoàng tính tình giống con trai tình cờ gặp chú Thịnh, bạn chiến đấu của bố hỏi thăm đường lại đúng nhà mình. Qua câu chuyện tình bạn của người lính Hoàng suy nghĩ: “Có một tình bạn như vậy thật thích! Mình nhất định sẽ cố gắng để cha mẹ khỏi buồn. Mình không gây lộn nữa để tụi nó khỏi chọc mình là “anh Hoàng”. Mơ thấy mình cùng Duyên mặc áo dài trắng đang đạp xe đến trường. Tà áo dài bay bay và tiếng cười của hai đứa giòn tan trong nắng sớm tinh khôi”.

“Xuân quê mới” kể về hai gia đình chuyển cư vào vùng kinh tế mới đã hơn 10 năm, lũ trẻ lớn dần lên và có tình bạn đẹp. Lần đầu tiên được gói bánh chưng (những năm trước đều đặt mua). Tình bạn có hiểu lầm giận dỗi giữa Nam và Linh rồi dần dần thông cảm. Có cả việc giúp mí Thuần gói bánh để người Êđê chung vui đón Tết cùng người Kinh. Chi tiết này khéo về sự đoàn kết giữa các dân tộc, để Linh cười thành tiếng: “Tết thật vui, thật vui!”.

“Mùa cà phê chín” nêu lên tình bạn được xây dựng từ sự cảm thông, yêu người. Gia đình Hiếu mới vào còn khó khăn phải đi lượm cà phê. Hiếu sợ Y Hen khi Y Hen bắt gặp đang lượm ở rẫy nhà Y Hen. Y Hen thông cảm dẫn Hiếu về nhà và chỉ rẫy nhà mình cho Hiếu lượm. Y Hen chủ động dẫn mẹ đến thăm nhà Hiếu, mang cả mật ong rừng đến tặng mẹ Hiếu. “Mình phải thương nhau chứ. Lúc nào đến nhà mình chơi, mí Hiếu nhé. Y Hen thích có nhiều bạn đến chơi lắm”.

“Những bước đi” kể về Y Thân bị chất độc da cam di truyền từ bố mẹ nên bị teo chân, đi lại khó khăn. Được tình thương yêu của gia đình, bạn bè, cô giáo và cả xã hội (báo Tuổi Trẻ tặng quà), Y Thân nghĩ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn đã vươn lên bằng nghị lực của mình.

Một lần ama bận đi họp, nhờ Y Riao chở đến trường, được một đoạn nó xin xuống tự đi: “Y Thân muốn tự đi bộ mà. Đi cho quen chứ! Y Thân muốn mình như mọi người”.

12 truyện ngắn, truyện nào cũng đầy ắp tình thương của tuổi học trò đang lớn, đang tìm hiểu cuộc sống, để noi theo những gì tốt đẹp. Truyện nào cũng đáng yêu. Văn phong nhẹ nhàng. Tình bạn đằm thắm. Đặc biệt là sự đoàn kết gắn bó các dân tộc anh em. Truyện nào cũng có cái kết mở ra những điều tốt đẹp. Truyện không có gì là gay cấn, chỉ là để cô giáo - nhà văn Bích Thiêm trải tình thương yêu với học sinh, với sự trân trọng của mình dành cho đất và người mà mình yêu quý.

Hữu Chỉnh