Huyện Ea H’leo: Phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh, phát triển bền vững
30 năm kể từ ngày thành lập, đặc biệt là qua hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Ea H’leo đã luôn phát huy truyền thống cách mạng, vượt qua khó khăn, huy động mọi nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tạo chuyển biến tích cực trên mọi lĩnh vực.
Công trình mở rộng, nâng cấp trục đường giao thông trung tâm huyện đang được khẩn trương thi công Ảnh: Hoa Hồng |
Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh cách mạng, nhân dân các dân tộc trong huyện luôn đoàn kết cùng quân dân cả nước chống ngoại xâm và các thế lực phản động, lập nên những chiến công vang dội, như chiến thắng đèo Cư Rê ngày 17-7-1954 ghi dấu trận đánh cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên chiến trường Dak Lak; chiến thắng Cẩm Ga-Thuần Mẫn ngày 8-3-1975 giải phóng Ea Hleo, mở màn cho chiến dịch Tây Nguyên, giải phóng Buôn Ma Thuột. Viết tiếp trang sử hào hùng, sau ngày giải phóng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Ea H’leo lại đồng lòng, dốc sức khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới, biến vùng đất hoang sơ nghèo khó thành vùng quê trù phú với những vùng chuyên canh cây công nghiệp bạt ngàn, đời sống mọi mặt người dân không ngừng được nâng cao, đưa Ea H’leo trở thành vùng phát triển kinh tế năng động, vùng trọng điểm sản xuất cây công nghiệp của tỉnh. Đặc biệt, huyện có quần thể Thủy tùng, loại cây quý hiếm của thế giới cùng nhiều thác nước đẹp và những khu rừng nguyên sinh khá lớn, đây là thế mạnh cho địa phương phát triển du lịch cũng như kinh tế - xã hội nói chung.
Huyện Ea H’leo hiện có 12 đơn vị hành chính (1 thị trấn, 11 xã), 25 dân tộc anh em cùng chung sống, với tổng số 123.700 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 40,5%. Từ một trong những địa phương nghèo nhất tỉnh, đến nay đã từng bước vươn lên thành một trong những huyện dẫn đầu, với tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, bình quân trên 13%/năm, thu nhập bình quân đầu người 13,4 triệu đồng, tổng thu ngân sách tăng mạnh qua từng năm và vượt xa chỉ tiêu 62 tỷ đồng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần VIII đề ra, năm 2009 thu 132 tỷ đồng đạt 106% kế hoạch năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, sản xuất công nghiệp có sự chuyển biến tích cực, cụm công nghiệp Trường Thành-Ea H’leo được hình thành bước đầu hoạt động có hiệu quả, giải quyết việc làm cho lao động địa phương và tạo ra nguồn hàng xuất khẩu với khối lượng lớn; hoạt động thương mại dịch vụ sôi động, các thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển, hiện có 145 doanh nghiệp đang hoạt động, giá trị thương mại dịch vụ năm 2009 đạt 667 tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng giao thông được chú trọng xây dựng, hầu hết các tuyến đường chính trên địa bàn đã thảm nhựa, một số tuyến đường liên xã, thôn buôn được mở rộng, nâng cấp, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại, giao thương của người dân.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội của huyện có nhiều tiến bộ. Cơ sở giáo dục được phủ kín đến các xã, toàn huyện hiện có 63 trường học, trong đó có 7 trường đạt chuẩn quốc gia, 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên và 1 Trung tâm dạy nghề với tổng số hơn 32.000 học sinh, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao, đến năm 2008 huyện đã được công nhận hoàn thành phổ cập THCS. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được đẩy mạnh, hệ thống y tế được củng cố, kiện toàn, hiện có 6 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Công tác xóa đói giảm nghèo được các cấp các ngành quan tâm chỉ đạo đầu tư và thực hiện lồng ghép với các chương trình, dự án có hiệu quả, tạo điều kiện cho hộ nghèo được vay vốn, tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các chương trình mục tiêu quốc gia như 132-134 về giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, Chương trình 135 về phát triển kinh tế xã hội vùng đặc biệt khó khăn…được thực hiện đúng tiến độ, đạt hiệu quả. Nhờ đó, đời sống nhân dân nâng lên rõ rệt, bộ mặt nông thôn, buôn làng ngày càng khởi sắc, khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng trong huyện thu hẹp dần, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua từng năm, từ 29% năm 2005 xuống còn hơn 10% năm 2009. Người dân không ngừng vươn lên làm giàu, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, đã có 3.000 lượt hộ được công nhận hộ sản xuất kinh doanh giỏi, chiếm 14% tổng số lượt hộ sản xuất kinh doanh giỏi toàn huyện.
Cùng với phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, lĩnh vực an ninh quốc phòng ngày càng vững mạnh. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở không ngừng được củng cố, công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ được chú trọng kiện toàn. Tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ đảng viên phát triển nhanh về số lượng bảo đảm chất lượng. Khi mới thành lập huyện vào năm 1980, toàn Đảng bộ có 154 đảng viên, sinh hoạt ở 13 tổ chức cơ sở Đảng, đến năm 2009 có 2.332 đảng viên sinh hoạt ở 49 tổ chức cơ sở Đảng, không còn thôn, buôn, trường học “trắng” đảng viên. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ đảng viên được tăng cường, phương thức lãnh đạo của Đảng tiếp tục được đổi mới...
Với những thành tích xuất sắc trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược cũng như trong công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc, huyện Ea H’leo vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (1984), hạng Nhì (2009), hiện 2 xã Ea Khal, Ea Hiao đang được đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Để xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển bền vững, phấn đấu thực hiện mục tiêu theo nghị quyết của Đảng đã đề ra; duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội…thời gian tới huyện tập trung thực hiện tốt các giải pháp cơ bản: tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và cải biến kinh tế nông thôn; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh có giá trị cao, phù hợp lợi thế, tiềm năng từng vùng, từng địa phương; tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội; tăng cường xã hội hóa, nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt chú ý phát triển giáo dục vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số; đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực văn hóa xã hội, tiếp tục thực hiện tốt các chương trình phát triển vùng đồng bào DTTS…Cùng với phát huy nội lực, huyện chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp trong nước đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, góp phần thúc đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa hiện đại hóa trên địa bàn.
Ý kiến bạn đọc