Multimedia Đọc Báo in

Ăn Tết Độc lập - nét đẹp của người Thái ở Ea Krái

08:41, 19/09/2010

Bên cạnh Tết Nguyên đán, thì Tết Độc lập (2-9) cũng là một ngày lễ quan trọng trong năm của người Thái ở thôn Ea Krái (xã Dliê Ya, huyện Krông Năng) .

Theo người dân nơi đây kể lại, Tết Độc lập là dịp để đồng bào người Thái thể hiện tấm lòng biết ơn Đảng, Bác Hồ đã giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Về Ea Krái trong những ngày gần Tết Độc lập, nhìn cổng chào đầu thôn được trang hoàng cờ mới, các dòng chữ được viết lại rõ nét còn thơm mùi sơn, đi một vòng quanh thôn mới cảm nhận được không khí chuẩn bị và niềm phấn khởi của bà con nơi đây mỗi độ Tết về. Chị Lò Thị Việt tâm sự: “Để may quần áo mới cho cả gia đình mặc trong dịp Tết Độc lập, mình phải ra chợ huyện chọn mua chỉ về dệt vải trước cả mấy tháng mới kịp”. Đã thành thông lệ, mỗi năm gần đến ngày Quốc khánh (2-9) là dịp người dân trong thôn tập hợp nhau lại quét dọn vệ sinh thôn, xóm sạch sẽ, chuẩn bị sân khấu cho các hoạt động văn nghệ, sân chơi thể thao. Sau công việc chung của cả thôn, những người thân trong gia đình lại quây quần bên nhau chung tay dọn dẹp nhà cửa, sửa sang thay mới bàn thờ lau chùi ảnh Bác cẩn thận, sạch sẽ, mua sắm mâm ngũ quả dâng lên bàn thờ Bác và gia tiên, rồi vào rừng chọn những cây tre thẳng tắp để treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc.

Chị Lò Thị Việt đang chuẩn bị những bộ quần áo truyền thống cho người thân trong gia đình.
Chị Lò Thị Việt đang chuẩn bị những bộ quần áo truyền thống cho người thân trong gia đình.
Ông Lục Anh Đức, thôn trưởng khoe với chúng tôi: “Hiện nay, trong thôn nhà nào cũng có bàn thờ và ảnh Bác Hồ”. Để thiết đãi bạn bè, khách mời trong dịp này, các món ăn, thức uống luôn được đồng bào chuẩn bị khá chu đáo và cũng là dịp để con cháu báo công lên Bác Hồ, tổ tiên. Vào những ngày này, toàn bộ công việc đồng áng, nương rẫy của người dân trong thôn đều ngưng nghỉ, họ chỉ dành thời gian cho các hoạt động vui chơi, ăn uống. Cứ vào sáng 2-9, không ai hẹn ai, toàn bộ người dân trong thôn từ già trẻ, gái trai đều mặc những bộ quần áo truyền thống đẹp nhất, tập trung ở một khoảnh đất rộng bằng phẳng để tham gia biểu diễn, cổ vũ các hoạt động văn nghệ, thể thao. Trong ngày hội này, các trò chơi dân gian như kéo co, tró lệ; hoạt động văn nghệ như múa xèo, hát dân ca là nơi thu hút đông đảo người dân tham gia. Các cô gái Thái trong những bộ trang phục truyền thống múa và hát những làn điệu dân ca chuẩn bị công phu về trang phục, đạo cụ, cũng như thời gian tập luyện. Bởi đây không chỉ là hoạt động văn nghệ quần chúng mà qua đó còn góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ các giá trị văn hóa của dân tộc.  Trong các cuộc thi này không có kẻ thắng người thua và phần thưởng dành cho các đội tham gia là những tràng pháo tay cổ vũ của người xem. Đây cũng là dịp các cô gái, chàng trai tuổi cập kê hẹn hò chọn cho mình người bạn đời ưng ý. Các hoạt động văn nghệ, thể thao kết thúc là khoảng thời gian người dân trong thôn, xóm đến thăm hỏi, chúc mừng nhau những điều tốt đẹp về sức khỏe, làm ăn gặp nhiều may mắn… và cùng nhau quây quần bên những mâm cơm. Với người Thái rượu cần, cơm lam là thức uống và món ăn không thể thiếu trong mỗi dịp lễ, tết. Rượu cần thường được họ chuẩn bị trước cả 2, 3 tháng...

“Tết Độc lập không những là dịp để mọi người được giao lưu với nhau, mà qua đó còn góp phần tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc anh em. Bên cạnh đó, còn nhắc nhở giáo dục cho thế hệ trẻ biết yêu quý tự do và lòng tự hào dân tộc”, ông Cao Xuân Phu, Chủ tịch UBND xã nhấn mạnh.

 

Tuấn Anh

 


Ý kiến bạn đọc