Multimedia Đọc Báo in

THAM DỰ ĐẠI LỄ 1.000 NĂM THĂNG LONG – HÀ NỘI:

“Độc chiêu” đá quý Tây Nguyên

20:47, 18/09/2010

Ngày 18-9 tới đây, Công ty TNHH Xây dựng Phúc Vinh và Công ty TNHH Đá quý Ngọc Thạch tỉnh Dak Lak sẽ chính thức đưa 100 tác phẩm nghệ thuật được làm từ đá quý, nặng gần 100 tấn, trong đó có nhiều tác phẩm được giới “thạo đá” đánh giá là “độc chiêu” đi dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội…

Tác phẩm Ngư long bảo ngọc.
Tác phẩm Ngư long bảo ngọc.

Quá trình thi công các công trình giao thông, thủy lợi trên địa bàn Tây Nguyên đã cho phép ông Nguyễn Khánh Đệ, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Phúc Vinh, nhiều dịp “tình cờ” gặp các hòn đá lớn có màu sắc đẹp, độ cứng cao. Tìm hiểu qua các chuyên gia địa chất ông được biết, đó là các loại đá chalcedon, opal, mã não… được xếp vào hàng đá bán quý, có độ cứng từ 6.0 – 7.5. Vậy là ông thầm lặng cho thu gom về cất trong kho. Khi biết Đảng và Nhà nước ta sẽ tổ chức Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, ông liền nghĩ ngay đến việc tạo ra các tác phẩm đá độc đáo của Tây Nguyên để tham gia Đại lễ nhằm giới thiệu cho đồng bào cả nước biết thêm những thế mạnh, tiềm năng quý giá của Tây Nguyên, đồng thời để thể hiện tấm lòng của đồng bào Tây Nguyên luôn luôn hướng về Thăng Long – Hà Nội, trái tim của Tổ quốc.
Tác phẩm Thăng long vạn kỷ (Ảnh chụp mặt trước)
Tác phẩm Thăng Long vạn kỷ (Ảnh chụp mặt trước)
Tác phẩm Thăng Long vạn kỷ (mặt sau)
Tác phẩm Thăng Long vạn kỷ (mặt sau)

Để tạo ra tác phẩm có chất lượng cao, ông đã phối hợp với ông Phạm Quốc Lương, một chuyên gia về đá quý, Giám đốc Công ty TNHH Đá quý Ngọc Thạch, tìm và thuê hơn 50 nghệ nhân giỏi ở nhiều tỉnh, thành trong nước, như Ninh Bình, Huế, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Thuận, Lâm Đồng… để nghiên cứu dáng, thế, đục, mài, trau chuốt làm nên các tác phẩm nghệ thuật.

Sau gần 2 năm đầu tư tới hàng tỷ đồng, với biết bao trí tuệ, mồ hôi, công sức của các nghệ nhân, đến nay Công ty TNHH Phúc Vinh đã có trên 100 tác phẩm đá bán quý, không chỉ có giá trị thẩm mỹ cao mà còn có giá trị kinh tế tới hàng chục tỷ đồng; trong đó có 10 tác phẩm được xem là “độc chiêu” ít thấy ở nước ta, vì cỡ lớn, nặng hàng tấn, có tác phẩm nặng trên 20 tấn và rất đặc biệt, vì có nhiều màu sắc, hoa văn, hình dáng, hình thù độc đáo. Ví dụ tác phẩm Tây Nguyên huyền thoại (gồm 3 loại đá mã não, opal, Chalcedon pha trộn, độ cứng 6,0 – 7.0, nặng 9,5 tấn, cao 3m, rộng 2,1m). Ngắm kỹ tác phẩm này, ta có thể thấy Tây Nguyên với núi non trùng trùng điệp điệp, thấy mây trời Tây Nguyên nơi thì bồng bềnh, nơi thì cuồn cuộn vần vũ, thấy bóng dáng của thần linh đang bay lượn giữa bầu trời, thấy Đam San đang đánh nhau cùng quái vật để bảo vệ buôn làng, thấy những mùa màng, lễ hội người và thần linh giao hòa thật đầm ấm, vui tươi… Ngoài ra tác phẩm này còn có hình dáng của một con rùa khổng lồ, nên còn có tên phụ Thần Kim Quy… Hoặc tác phẩm Ngư long bảo ngọc (gồm mã não và chalcedon pha trộn, độ cứng 6,5 – 7,5, nặng 20,15 tấn, dài 7,5m, cao 1,8m). Đây là tác phẩm tự nhiên (không mài dũa), vừa có hình dáng của một con cá chép, vừa mang hình dáng của một con rồng (vì thế còn có tên Sự tích cá hóa rồng). Tác phẩm này được giới “thạo đá” đánh giá là độc nhất vô nhị ở nước ta về độ lớn và hình dáng. Vì vậy đã có những đại gia trả giá trên 2 tỷ đồng, với ý định đưa về trưng bày trên thảm cỏ trước tòa biệt thự lớn, nhưng chủ nhân không bán.
Ông Nguyễn Khánh Đệ cho biết: Việc làm ra các tác phẩm và đưa được các tác phẩm đó từ Dak Lak ra tận Hà Nội sẽ rất tốn kém và phức tạp, nhưng ông quyết tâm thực hiện bằng được, vì muốn thể hiện tình yêu sâu nặng của mình và của đồng bào Tây Nguyên đối với Thăng Long – Hà Nội, đối với Tổ quốc Việt Nam, dân tộc Việt Nam; đây cũng là cách để giới thiệu với đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế và một Tây Nguyên giàu có và tươi đẹp đang đồng hành đi lên cùng cả nước.

Đặng Bá Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.