Multimedia Đọc Báo in

Lễ mở mắt cho trẻ sơ sinh của người M'nông

08:41, 27/07/2014
Theo phong tục của người M’nông, sau khi đứa trẻ vừa mới sinh ra, cha mẹ đứa trẻ phải làm lễ mở mắt cho con mình (kaih mat kon). Nếu đứa trẻ sinh ra vào buổi chiều hoặc buổi tối thì sáng hôm sau gia đình phải làm lễ này. Còn sinh vào buổi sáng hoặc buổi trưa thì lễ này sẽ được tiến hành vào buổi chiều ngày hôm đó.

Vào lễ, người cha của đứa trẻ cầm một tô gạo trắng vừa mới giã xong, thắp một cây đèn sáp ong, cắm vào tô gạo đó, rồi ông lấy một chuỗi hạt cườm màu đỏ (loại cườm thường được thiếu nữ M’nông dùng làm trang sức trong các lễ hội lớn) đặt lên tô gạo. Rồi người cha cầm tô gạo có cây nến đang cháy và chuỗi cờm, đưa vòng tròn trên đầu đứa bé 7 vòng (theo chiều ngược kim đồng hồ). Vừa đưa, người cha vừa khấn thần linh, tổ tiên, ông bà ban cho đứa trẻ đôi mắt sáng, tinh khôn, để sau này lớn lên đi rừng bắt nhiều tổ ong, hái được nhiều hoa quả quý, đi suối bắt được nhiều cá, về già đôi mắt vẫn nhìn sáng rõ như thời trai trẻ.

Múa - nhân tố làm nên thành công tại các lễ hội M'nông. (Ảnh minh họa)
Múa - nhân tố làm nên thành công tại các lễ hội M'nông. (Ảnh minh họa)

Làm xong nghi lễ mở mắt cho con, người cha cột một ché rượu lớn, cắt tiết gà trống choai, lấy tiết pha vào rượu, làm lễ cúng tạ ơn thần linh, tổ tiên, ông bà. Sau đó, các thành viên trong gia đình, dòng họ đến mừng lễ mở mắt cho đứa trẻ và được cha mẹ đứa trẻ mời uống rượu cần. Từng người một lần lượt cầm cần rượu (nữ trước, nam sau), họ uống rượu chúc mừng đứa trẻ mở mắt, cầu đứa trẻ lớn lên có đôi mắt sáng hơn người; đồng thời tặng cho đứa trẻ những chiếc vòng đồng, tấm chăn đắp và tấm vải làm khăn địu. Để cảm ơn bà con cô bác đến mừng lễ mở mắt cho con mình, người cha cầu cho mọi người có nhiều sức khỏe, đi rừng, đi rẫy gặp nhiều may mắn, làm rẫy được nhiều bắp lúa, nuôi được nhiều trâu bò, heo gà.

Sau lễ này, cha của đứa trẻ mang ra một ché rượu lớn, nấu một nồi xôi, làm thịt một con gà trống thiến, lấy tiết bôi vào miệng ché rượu và pha vào tô rượu để cúng tạ ơn bà đỡ, cầu chúc bà luôn được thần linh phù hộ, có bàn tay ấm áp để đỡ được nhiều đứa trẻ ra đời dễ dàng, thuận lợi. Sau nghi lễ này, bà đỡ được mời ăn xôi, uống rượu và được chủ nhà biếu một con gà trống thiến (nướng chín vàng) đã cúng để mang về, nhưng bà đỡ chỉ lấy một nửa con gà, còn một nửa gửi lại cho chủ nhà.

Cuối cùng, người cha của đứa trẻ lại mang ra một ché rượu lớn, nấu một nồi xôi lớn, làm thịt một con gà trống thiến, lấy tiết gà pha rượu để cúng tạ ơn thần đá bếp, thần hàng rào, thần đất, thần rừng, thần sông, thần suối… cầu xin các thần phù hộ cho đứa trẻ mạnh khỏe, lớn lên thông minh hơn người, làm rẫy được nhiều bắp lúa, nuôi được nhiều trâu bò, heo gà, đi đâu cũng được dân làng yêu quý, kính trọng. Sau nghi lễ này, cha mẹ đứa trẻ mời mọi người uống rượu, ăn xôi với thịt gà nướng và trò chuyện vui vẻ, chủ yếu bàn về tương lai của con trẻ; cho đến khi nào rượu nhạt mọi người mới chia tay chủ nhà ra về.

Lễ mở mắt cho trẻ sơ sinh là một trong những phong tục thuộc hệ thống nghi lễ vòng đời người của dân tộc M’nông. Đây là một nghi lễ vô cùng độc đáo của gia đình, dòng họ luôn hướng về sự phát triển trí tuệ cho tương lai con em mình, cần được gìn giữ, bảo tồn trong đời sống văn hóa của người M’nông.

Trương Bi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.