Sống cùng rừng
Cái thế quân bình về văn hóa, nếp sống ấy đã tạo nên sự đặc sắc của xã hội nơi đây. Đâu đâu cũng thấy bóng dáng của rừng, con người bước ra từ rừng và khi chết lại trở về với rừng. Họ sống cùng rừng trong những tập tục, nghi lễ, trong mọi công việc lao động sản xuất; và đặc biệt, trong những huyền thoại – sự kết tinh tâm thức tập thể, dệt nên ký ức của người Tây Nguyên. Nhưng đó là những ký ức không chỉ thuộc về quá khứ, không ngủ yên trong quá vãng, mà luôn sống động, tuôn chảy vào hiện tại, để hòa cùng nhịp sống mọi thời đại.
Những hiểu biết đó về Tây Nguyên, về vai trò của rừng đối với đời sống của người dân nơi đây, khiến tôi phần nào hiểu ra nỗi niềm trăn trở của một anh bạn người Tây Nguyên mà tôi có dịp quen biết. Anh tâm sự về chuyện rừng ngày một thưa ít dần, con người ngày càng sống xa rừng. Xưa kia, chỉ cần bước chân ra khỏi nhà là đã thấy những thân cây cổ thụ um tùm, tỏa bóng mát xuống ngôi làng. Mọi vật dụng trong nhà dân cũng đều được lấy từ rừng: cột nhà, vách nhà, sàn nhà, dây buộc… Rừng cho cả cái ăn, như những đọt rau rừng, quả rừng; cái uống như dòng suối mát, ngọt lành. Rừng và nhà rông tạo không gian diễn xướng văn hóa… Con người chan hòa với rừng, hòa đời mình vào đời rừng. Nhưng nay, cùng với sự tiện dụng lẫn tính xô bồ của đời sống hiện đại, những điều đó phần nào mai một dần. Cả đời sống văn hóa cũng phai nhạt bản sắc. Có khi, anh sống giữa rừng mà cảm thấy thiếu rừng…
Những người như tôi, từ trước đến nay sống giữa thị thành, có lẽ không cảm được hết nỗi buồn cùng những suy tư, trăn trở đó của anh. Nhưng qua những tin tức trên báo đài, qua những lần tiếp xúc với những người như anh, tôi cũng nhận thức sâu thêm về tầm quan trọng của rừng và văn hóa rừng. Và biết rằng, bảo vệ và giữ gìn rừng, không chỉ là trách nhiệm của những người sống với rừng, sống cùng rừng. Đó là trách nhiệm của tất cả chúng ta, khi việc bảo vệ và gìn giữ ấy cũng chính là bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn những đặc trưng của một miền đất nhiều huyền thoại…
Lê Minh Kha
Ý kiến bạn đọc