Đừng “ép” trẻ nói dối
Chị gái tôi khá nghiêm khắc với con. Khi con trai đầu của chị học THPT, chị luôn theo sát thời khóa biểu của cháu. Ngoài những buổi học ở trường hay học thêm, cháu chỉ được ra ngoài khi có lý do mà chị cho là chính đáng. Nếu con xin đi giao lưu với bạn bè hay thăm danh thắng đâu đó, đi câu cá, đá bóng hay chơi bi-da những lúc rảnh… chị đều không đồng ý. Tất nhiên, nếu cháu xin đến nhà bạn học nhóm hay đến nhà cô hỏi bài, chị không cản. Chị muốn con dành hết tâm sức, thời gian cho việc học.
Lúc đầu, bị mẹ “cấm chỉ” ra ngoài, thằng bé bực ra mặt; năn nỉ mẹ không được, nó dỗi, mặt ỉu xìu, muốn khóc. Nhưng sau đó, cháu bắt đầu được tự do ra ngoài với những lý do khiến mẹ không thể ngăn. Nghe con bảo đi sinh hoạt chi đoàn, tham gia chương trình ngoại khóa, hay lao động công ích ở trường… là chị gật đầu ngay. Dần dần thằng bé liên tục nêu những lý do tương tự để được thoải mái ra ngoài. Thấy con đi nhiều quá, chị sinh nghi.
Một bữa, nghe con xin đến nhà cô mượn sách tham khảo, chị liền bám theo. Chị giận đến tái mặt khi thấy điểm đến của con là quán bida thay vì nhà cô giáo. Bị “tra khảo”, thằng bé đành “khai” thật rằng, đây không phải lần đầu nó nói dối để được đi chơi. Chị tức giận, làm ầm lên nhưng tôi ngăn lại. Chị tròn mắt khi nghe tôi ghé tai nói nhỏ rằng, lỗi nói dối của cháu, một phần cũng tại chị! Khi cháu nói thật thì chị không nghe, khi nguyện vọng chính đáng của cháu bị cấm cản thì buộc cháu phải nói dối để được thỏa mãn. Sự áp đặt của mẹ là không tôn trọng con; con đáp lại sự không tôn trọng đó bằng nói dối… Nghe tôi nói vậy nhưng chị có vẻ không thông.
Chị tôi còn áp đặt con trong việc học. Dường như chị không thể chấp nhận kết quả học tập “thường thường bậc trung” của cháu. Mỗi khi cháu bị điểm kém là chị lại rên rỉ, chì chiết. Bởi thế những bài kiểm tra bị điểm thấp của cháu “bỗng dưng biến mất”; trong cặp chỉ toàn những bài kiểm tra được điểm cao. Chỉ đến khi đi họp phụ huynh cuối năm, chị mới biết kết quả thật của con. Thế rồi, trong khi mẹ ca cẩm, trách móc thì con dúm dó, khổ đau.
Năm ngoái, sau khi có kết quả thi đại học, con trai chị không dám về nhà vì biết chắc bị trượt. Cháu đến nhà tôi, giọng buồn đẫm nước: “Mẹ con sẽ ra sao khi biết tin này hả cậu!?”. Tôi động viên cháu rồi gặp riêng chị, cảnh báo: “Chắc thằng bé trượt đại học nhưng chị đừng làm cháu buồn thêm. Nếu chị làm cháu tổn thương mà có hành động dại dột thì hối không kịp đấy!”.
Lần này thì chị nghe ra. Chị đi tìm con an ủi rồi đón nó về.
Nguyễn Trọng Hoạt
Ý kiến bạn đọc