Multimedia Đọc Báo in

Cầu tre lắt lẻo

22:13, 16/04/2011

Ngày nhỏ tôi thường đi qua sông đến trường trên chiếc cầu tre mong manh, nhìn từ xa như những nét vẽ nguệch ngoạc trên sông nước dưới ánh ban mai lấp lánh. Sáng nào bà ngoại cũng dẫn tôi đi qua tận chân cầu bên kia sông để đến trường. Khi bàn chân tôi tiếp đất, ngoại còn kéo tôi vào lòng, thơm lên trán: “Thằng Út đi học xong nhớ về ngay, ngoại đợi đấy!”. Vậy mà có những lần sau giờ tan trường, tôi quên lời ngoại dặn; cùng lũ bạn vứt cặp sách, bắn bi mê say. Lúc tôi về đến bờ sông, trời đã đứng bóng. Ngoại ngồi dưới gốc đa như bà tiên tóc trắng, đợi chờ đưa tôi sang sông với cái nhìn hiền hậu, bao dung: “Út ơi! Có đói bụng lắm không con?”. Tôi mân mê bàn tay ngoại với vẻ mặt hối lỗi: “Ngoại đói thì có. Con bắn bi ăn gần chục viên bóng rạnh à, mừng quá không thấy đói”. Ngoại xoa đầu tôi, mắng yêu: “Cha mày! Chỉ giỏi ham chơi!”.

 

Tôi không nhớ có bao nhiêu ngày tháng nắng mưa dãi dầu, ngoại đưa tôi qua lại trên chiếc cầu tre lắt lẻo ấy. Dòng sông thì trẻ mãi, nhưng chiếc cầu già đi và ngoại tôi cũng bắt đầu mỏi gối chồn chân. Năm cuối bậc tiểu học, tôi lại là người thường dắt ngoại trên chiếc cầu tre băng qua sông đi thăm dì tôi lấy chồng bên làng Hạ. Rồi ngoại về cõi vĩnh hằng trong một chiều lất phất mưa bay. Nước mưa và nước mắt tôi hòa vào nhau nghe mặn chát đầu môi.

Sau ngày ngoại mất, cứ mỗi lần tan trường, tôi lại nhớ ngoại da diết. Tôi thương ngoại nhiều lần ngồi bên bến sông nhịn đói, đợi đưa tôi về. Không còn ngoại để dặn dò, nhưng tôi bỏ hẳn thú vui sau giờ tan trường. Và mỗi khi đến bến sông, đôi chân tôi đi chậm lại, mắt đăm đắm nhìn về phía gốc đa già cỗi tìm lại hình bóng bà tiên tóc trắng bằng trí tưởng tượng. Bà tiên nhân hậu mà đêm đêm hằng đi vào giấc mơ tuyệt đẹp của tôi; bà tiên lúc nào cũng dành cho tôi phần quà nhiều nhất và sẵn sàng che chắn, bảo vệ tôi những lần bị đòn roi.

Tôi lớn lên, chiếc cầu tre thay đổi biết bao lần. Song, mỗi bước đi, tôi vẫn còn nhớ lời ngoại dặn: “Thằng Út cứ bám vào tay bà, mắt nhìn thẳng về phía trước mà đi!”. Bà thường ngâm ngợi: “Ví dầu cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi”. Tôi hiểu, đường đời là một con đường không bình lặng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Chiếc cầu tre đơn thuần là phương tiện giao thông, nhưng cũng là “một chút chông gai” đầu tiên trên đường đời mà ta đi tới.

Từ lâu chiếc cầu tre quê tôi đã thay bằng chiếc cầu đúc bằng bê tông vững chãi. Song, tôi không thể nào quên chiếc cầu tre mà tôi đã tập tễnh vào đời có bàn tay dắt dìu của ngoại.

Trần Quốc Cưỡng 

 


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Hà Nội mùa hoa sấu
17:44, 01/04/2011
Hà Nội mùa hoa sấu
17:44, 01/04/2011
Bâng khuâng tiếng ve
11:01, 27/03/2011
Bâng khuâng tiếng ve
11:01, 27/03/2011
Hoa bí tháng giêng
10:30, 06/03/2011
Hoa bí tháng giêng
10:30, 06/03/2011
(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.