Multimedia Đọc Báo in

Ụ mối vườn quê

14:24, 15/05/2011

Vườn quê nhiều ụ mối. Những vùng đất thổ cư cao ráo - ít khi bị lụt lội hỏi thăm, lại có nhiều bóng mát phủ che - là thiên đường của mối. Ụ mới đùn có, ụ lâu năm có; cứ núp bóng các cội cây âm thầm mà xây mà cất. Nhìn ngoài, đôi lúc thấy đơn sơ lắm: chỉ là cái cồn đất nhỏ, ôm (hoặc tựa) vào một thân cây sống, sườn, chóp vẽ lam nham, ngoằn ngoèo vài vệt đất ướt - dấu tích đường đi do lũ mối thợ mới làm. Thế nhưng, nếu có việc tình cờ, vác cuốc xẻng mà đào sâu vào bên trong mới thấy hãi: Ôi chao, nào thành nào lũy, dãy dọc tòa ngang, hầm hào chi chít - đích thị là một vương quốc! Lúc nhúc trong cái “vương quốc” ấy là hàng ngàn, hàng vạn… phải đến hàng triệu con mối ngược xuôi, chen chúc. Mối lính càng to, đầu đen trũi, làm “lực lượng vũ trang” coi giữ an ninh cho tổ. Mối thợ nhỏ con, bộ dạng hiền lành hơn, lo việc hậu cần, quân lương, xây cất là chính. Ấy vậy nhưng chớ thấy bộ dạng hiền lành (lúc chưa lâm sự) của chúng mà tưởng bở; bởi vừa đụng cuốc vào tổ mối, chúng cũng lập tức nhào ra, hung hãn chẳng kém đám “quân nhân chuyên nghiệp” mối lính là bao! Mối chúa, mối vua thì khó thấy hơn; thường chúng nằm sâu trong tẩm cung, tận tổng hành dinh của tổ mối. Ấy là vì lý do an ninh; bởi mối chúa – mối vua thực chất là hai cái… máy đẻ, chuyên làm công tác “bổ sung nhân sự”, duy trì và phát triển giống nòi nhà mối. Hình dạng mối chúa lạ lắm; đầu, chân cũng giống những con mối thợ bình thường khác; nhưng cái bụng thì thật… khó tưởng tượng: nó to gấp vài mươi lần con mối bình thường, mềm nhũn, trắng toát! Đương nhiên, với cái bụng to lớn như thế, mối chúa chỉ có thể nằm yên một chỗ (cả đời) mà lo chửa đẻ và… ngo ngoe, khỏi mơ chi chuyện đi đó đi đây ! Mà cũng chẳng sao; ăn uống thì đã có đám mối thợ bưng mời tận miệng. Chuyện gối chăn thì mối vua có trách nhiệm… phục vụ tận nơi; cả sức lực của nàng mối chúa chỉ còn dồn cho mỗi một việc: đẻ! Quả là “chuyên nghiệp hóa” tới mức… không tin nổi.

“Triều đình” mối chỉ có một vua duy nhất. Và chúa cũng chỉ có một. Ấy thế, nhưng nếu tưởng vua mối theo chế độ hôn nhân “một vợ một chồng” là nhầm to. Trong tẩm cung, ngoài mối chúa ra, còn có những con mối cái khác (gọi là “mối hậu” hoặc “mối chúa thứ cấp”). Đám này có thể xem như vương phi hoặc tì thiếp của vua - bởi chúng cũng có khả năng giao phối và sinh đẻ, cho dù không chuyên nghiệp bằng mối chúa. Điều kỳ lạ nhất là những con “mối hậu” này đều do mối chúa sinh ra; nhưng theo phương pháp sinh sản… vô tính (kiểu như cừu Dolly), nghĩa là chúng chẳng bà con chi về mặt di truyền với mối vua!

Giống mối hẳn là một trong những thứ côn trùng bị con người ghét bỏ nhiều nhất. Cũng phải, bởi chúng phá lắm. Nhà cửa, vật dụng, công trình…, hết thảy những gì bằng chất xen-lu-lô là chúng xơi tất tật. Có điều ít ai để ý: mối chỉ xơi “gỗ chết” - tức khi cây chỉ còn là cái xác gỗ, chấm dứt khả năng sinh tồn và phát triển. Cây còn sống, mối tuyệt đối không động đến (chẳng giống các “lâm tặc” nhà ta - cứ vô tư ào ào cưa, đốn cây còn sống nguyên đem bán làm giàu!).  Thế nên, trong môi trường tự nhiên, tập tính của loài mối là một tập tính tốt; bởi chúng là “vệ sinh viên” thu dọn rác thải thực vật – giống như các loài linh cẩu, quạ, kền kền chuyên thu dọn rác thải động vật từng bị con người ghét bỏ một thời! Chưa hết, khoa học ngày nay còn buộc phải thừa nhận nhiều yếu tố tích cực hơn ở loài mối: trợ giúp ngành địa chất trong việc thăm dò khoáng sản, làm thông thoáng đất đai, chống xói mòn, cung cấp thực phẩm cho một số giống loài chuyên ăn kiến mối…. Nói gọn: cái công quả chung tay làm cân bằng hệ sinh thái của loài mối chắc chắn không nhỏ chút nào. Thế nên, cách hành xử phải đạo của con người – phải chăng – là nên nhìn nhận sự hiện diện của lũ mối bằng cái nhìn thiện chí hơn, nhân văn hơn; nên thu xếp chung sống hòa bình thay vì cứ  thẳng tay tận diệt loài mối?

Nhưng thôi, ấy là những chuyện vĩ mô, mang tầm vóc nhân loại. Hãy trở lại cùng những ụ mối vườn quê một thuở ấu thơ. Về những buổi trưa hè xách nước tưới tràn tổ mối, moi đất sét về nặn con giống, đồ chơi (đất sét tổ mối nặn đồ chơi là tuyệt hảo bởi là “đất tuyển”, lại được nhào cùng nước bọt của lũ mối thợ nên có độ dẻo, dính đặc biệt!). Về những bát canh, bát cháo nấm mối thơm lừng ngọt lịm giữa ngày đông. Tất tật đều gắn bó, thân thương như những “bài ca không quên” - lâu lâu lại nhắc nhớ ta về một góc khuất xa xôi; nhẫn nại như đàn mối thợ không tên cứ âm thầm nhào nặn những hạt đất ngày xưa đem kết dính hồn ta cùng với đất quê, không cho nó bong rơi, lìa bỏ cội nguồn…

 

Y Nguyên

 


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Nhớ cỏ
20:45, 08/05/2011
Nhớ cỏ
20:45, 08/05/2011
Cầu tre lắt lẻo
22:13, 16/04/2011
Cầu tre lắt lẻo
22:13, 16/04/2011
Hà Nội mùa hoa sấu
17:44, 01/04/2011
Hà Nội mùa hoa sấu
17:44, 01/04/2011
(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.