Multimedia Đọc Báo in

Góc ngẫm nghĩ

Xóm cũ

10:27, 12/06/2011

Cách một con phố thôi, xóm vẫn phải là xóm cũ. Ôi, cái xóm trọ nghèo em mưa nắng suốt ba năm. Với chừng ấy thời gian, cũng đủ dệt nên trong em một miền hỗn mang, sâu lắng. Thì cũng phải thôi, đời người là phép cộng những ba năm…

Những ngày đầu mới dọn đến, em không tài nào ngủ được vì cứ cách mười lăm phút lại có một chuyến tàu chạy qua. Ở thêm mấy tuần mới biết chỗ em gần sân ga nên một đoàn tàu phải qua đây hai lượt để đón và trả khách mỗi lần. Ở cạnh đường tàu, nhiều lần tức nghẹn cả cổ mà chẳng biết nói sao. Có hôm đi làm về đến đầu ngõ rồi mà phải chờ hơn nửa tiếng đồng hồ mới vào được nhà vì nạn kẹt xe sau mấy phút cả rừng xe dừng lại trước barie chờ tàu giờ cao điểm. Nhưng lâu rồi thành quen, cứ mỗi mùa lụt lại có vài ngày vắng tàu, thấy thiếu thiếu một thứ gì đó. Thế mới biết, con người lạ thật, đôi khi ngồi nhớ một nỗi bực dọc.

Em đã đi qua ba mùa đông, ba mùa nắng gió cùng căn nhà trọ bé tẻo teo toàn sách là sách này. Ở đó, em có bao nhiêu buổi sáng dậy sớm vừa lắc vòng vừa đọc tiểu thuyết, rồi tùy bút, truyện ngắn và thơ. Em không có thói quen đọc sách ban ngày, buổi tối thì bận đi làm gia sư nên chỉ có thể đọc sách vào lúc tinh mơ ấy thôi. Mà không biết có đúng không, nhưng với riêng em, đấy là thời điểm thích hợp nhất để thẩm thấu một tác phẩm văn học. Giờ đây khi em ngồi viết những dòng này thì không gian của “Thương nhớ mười hai” lại hiện lên, êm đềm và chân thực làm sao, như là em đã từng được trải qua, được chạm vào miền vắng xa ấy của tác giả.

Nơi ấy, em đã có những buổi sáng ngồi trước trang giấy trắng lặng im. Bao nhiêu ý tưởng mà chưa viết được, cứ chờn vờn trong đầu thì nghe tiếng nói vọng vào từ cổng: “Cà phê không nhà thơ?” của người bạn vong niên cũng yêu văn nghệ mà em vẫn gọi bằng bác, nhà cũng ở xóm đường ray này. Thế là hai bác cháu đèo nhau đến quán cà phê hẻm có giàn tigôn và bầy sẻ “tha hương” để nhâm nhi làn hương tinh khôi, thanh khiết ban mai. Và để bác sẻ chia một bài thơ mới viết. Em sẽ khen chê thật lòng, như bác vẫn thường làm với em. Thường thì sau một buổi mai như thế, ý tưởng trong em đã tìm được lối khai thông, em viết một mạch bài thơ mới, có khi vừa nấu ăn vừa viết.

Ôi! Cái xóm trọ nghèo. Vài ngày lại nghe tiếng cãi nhau ồn ã, cả chửi thề của anh xe ôm và chị vợ “chai bao”. Cãi nhau suốt nhưng chưa bao giờ nghe họ nói đến ly hôn hay bỏ nhau. Thỉnh thoảng lại thấy ông già nhà đối diện đánh đùi cái đét: “Hên quá! Lại trúng con độc đắc!”. Chẳng biết con “độc đắc” được bao nhiêu mà thấy ổng vẫn vậy, cởi trần đi qua đi lại suốt ngày. Chỉ khi bà vợ gánh bánh tráng đi dạo trở về mới chạy sang nhà bên xách nước giếng khoan về cho vợ tắm. Có những buổi chiều rỗi không phải đi làm, em đến quán bánh canh sát cạnh đường ray, mỗi lần có tàu chạy qua phải đưa hai tay bịt tai lại, để nghe chuyện anh này giỏi giang lắm, làm thợ cơ khí mà nuôi một vợ ba con, vợ chỉ ở nhà chả phải lo tiền nong chi sất, chuyện cô kia sắp lấy được chồng “ngon ơi là ngon”, chuyện hai vợ chồng thằng đó làm ăn gặp thời dễ sợ, cái quán bé xíu mà thu ngày gần triệu bạc…

Ôi! Cái xóm trọ nửa phố, nửa quê. Em đã xa rồi, chỉ cách một con phố thôi nhưng mỗi lần ngang qua mà như có gì níu lại, chỉ dám dừng xe rồi đứng tần ngần một lúc nơi đầu ngõ lại quay xe đi. Căn nhà ấy đã đón một người khác, rồi họ sẽ có ba năm hay bao năm mưa nắng với nó như em? Và khi xa rồi, họ có như em giờ đây, thi thoảng lại cồn lên giữa lòng điều gì không rõ nữa, hình như một nỗi rất…người.

 

Ngô Thị Thục Trang

 


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Ngõ Quê
15:52, 08/06/2011
Ngõ Quê
15:52, 08/06/2011
Hoa Nhớ
11:03, 29/05/2011
Hoa Nhớ
11:03, 29/05/2011
(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.