Ngõ Quê
Từ ngõ nhà mình, mẹ về làm dâu nhà người, đêm trở dạ mẹ sinh tôi giữa thời chiến tranh… Mái rạ gió lùa, cha thân vạc, mẹ thân cò bữa đói bữa no; mẹ nuôi tôi bằng con ốc, con cua đồng làng. Thế rồi thời gian cánh én chao liệng, mùa đông qua đi… tôi mang cả mùa xuân lên công trường, ngày lao động, đêm sáng đèn làm thơ, nắng xối, mưa tuôn vẫn mơ những bến bờ trăng nước.
Mỗi khi đi đâu xa về, tôi thường đứng ở bờ để dõi mắt nhìn về phía ngõ quê xa xa. Ngõ quê thấp thoáng hiện ra những rặng tre hiền hòa trùm xuống con đường làng từ bao đời nay như người mẹ hiền che chở cho những đứa con, làm tan đi cái nóng giữa trưa hè oi ả… Ngõ quê cũng là nơi chia tay bịn rịn nhớ thương, nâng từng bước ta đi…
Càng gần ngõ quê, lòng tôi càng thấy nghèn nghẹn, tôi đã thấy bóng dáng cha ở đó, đang dõi mắt về phía mình. Tôi nấc lên và khe khẽ thốt lên “Cha ơi! Con đã về”. Sao mà thiêng đến thế, như có một điềm báo trước vô hình nào đó mà cha tôi đã đứng ở đầu cái ngõ quê này tự lâu rồi để chờ đón đưa con của mình sau bao ngày xa cách. Trong gian nhà ấm cúng, râm ran tiếng nói cười của mẹ và các em tôi.
Ngõ quê luôn mãi xanh một màu xanh cổ tích, là minh chứng của thời gian mưa nắng; còn cha tôi mái đầu đã bạc trắng thêm nhiều, phần vì tuổi tác, phần vì vất vả lo toan cho cuộc sống để nuôi nấng chúng tôi ăn học nên người. Nhớ lại những lời răn dạy của cha: “có công mài sắt có ngày nên kim”, ở trên đời có ba điều đáng tiếc: “Ngày hôm nay bỏ qua, đời này không học, thân này nhỡ hư”. Bản thân tôi có được như ngày hôm nay cũng là nhờ sự chắp cánh bay lên bằng tình yêu thương, dạy dỗ của mẹ cha.
Tôi nhớ sao ngõ quê, mỗi khi tháng ba về hoa xoan nở tím ngõ quê, tím thương nhớ. Bạn bè tôi đi trăm ngả, ai vất vả, ai sang giầu. Thời gian trôi gấp gấp, tóc dù bạc, bao đổi thay, riêng ngõ quê lòng vẫn thế, chờ… trông… đợi… gọi ta về.
Ý kiến bạn đọc