Đàn Gỗ
Con trai lớn lên chắc phần nhiều yêu nhạc, yêu đàn ghi-ta; một loại đàn gỗ rất phổ biến ở làng quê Việt Nam. Yêu đàn ghi ta, thích chơi đàn là một chuyện, còn chơi đàn được hay không, chơi hay hoặc dở còn tùy thuộc vào năng khiếu của mỗi người.
Bạn tôi có rất nhiều người học đàn ghi-ta, nhưng số theo được cung đàn, tiếng nhạc đến tận bây giờ chỉ vài người. Năng khiếu trời cho không phải ai cũng có được. Nhất là những người đàn giỏi, hát hay là của hiếm trong thiên hạ. Nghĩ thương nhất là những thằng bạn mua được đàn tốt học hoài, học mãi không am hiểu nhạc lý, tiếng đàn buông ra nghe “cứng như ném đá” đành treo cây đàn lên vách làm vật kỷ niệm một thời trai trẻ.
Đừng tưởng ngày trước mua được cây đàn dễ như mua bát phở. Thời trai trẻ tôi không mua nổi được cây đàn ghi-ta. Tôi là kẻ mượn đàn dai nhất trong nhân gian. Tới nhà bạn mượn đàn ra sân ngồi đánh. Gặp bạn tốt, đồng cảm với lòng đam mê âm nhạc, thấy tội nghiệp, cho tôi mượn đàn đem về nhà tha hồ gảy. Tôi mua được cây đàn ghi-ta khi đã lập gia đình, khi mà tuổi mộng mơ đã “đóng cửa” tự bao giờ.
Tôi không đàn giỏi, hát hay, nhưng mỗi thứ tôi có một chút. Một chút đủ để chung vui với bạn bè trong lúc hội hè, hoặc thư giãn qua những giờ phút lao động nhọc nhằn. Con trai tôi không thích học đàn, nhưng lại thích ca hát. Nó còn dạn dĩ hơn tôi ngày xưa khi bước lên sân khấu. Vợ chồng tôi ít khi tham dự những cuộc hội diễn ca nhạc, nhưng lại thích xem con trai hát. Đôi khi còn tặng nó một bó hoa thể hiện sự ngưỡng mộ và khích lệ.
Có những người bạn văn nghệ ở thành phố khi thấy tôi ôm đàn buông những giai điệu trữ tình, họ lấy làm ngạc nhiên và thú vị. Không ai biết thời trai trẻ tôi từng yêu quý cây đàn ghi-ta đến nhường nào. Mọi người chỉ biết tôi cầm bút. Còn tôi thì tự hiểu, mình không có nhiều năng lực chơi đàn và ca hát nên im hơi lặng tiếng cho xong. Mỗi người nên chọn cho mình một chuyên ngành để đào luyện đến nơi, đến chốn. Không nên cái gì cũng biết một chút, kết cuộc là không biết rõ cái gì.
Ý kiến bạn đọc