Multimedia Đọc Báo in

Tiếng gàu khua trăng

17:10, 02/07/2011

Đêm nay không ngủ được. Có lẽ là do ly cà phê bất thường nổi hứng buổi chiều. Nằm nhắm mắt, im lặng, bỗng tôi nghe từ nơi nào thẳm sâu thinh vắng, tiếng gàu khua nước róc rách. Mở mắt, đã thấy trăng tràn vào phòng giàn giụa tự bao giờ. Trong một thoáng chốc, tôi không ý thức được thanh âm kia là thực hay mộng. Và ký ức dắt tôi về miền quê ấy với những đêm vàng yên tĩnh, bóng tôi sóng sánh cùng bóng trăng. Có là bao năm mà sao như lâu lắc tự thủa nào…

Cái giếng nằm cạnh đường làng, bên nó là đồng lúa. Chiều chiều vừa vục gàu múc nước, tôi vừa nhìn ngắm những đôi chân cò lỏng khỏng lội nhẩn nha trên những thửa ruộng chỉ còn trơ gốc rạ. Xa xa kia là rặng tre xanh ngắt, trầm tĩnh. Sau rặng tre ấy là những cuộc đời với mái tranh, giàn bí, vại nước, đàn gà, cây khế và lũ trẻ đang “chi chi chành chành”. Tôi vẫn thường hay ngắm khói chiều bay lên từ những ngôi nhà khuất sau rặng tre ấy. Đến khi trời sập tối mới sực nhớ từ chiều đến giờ vẫn chưa gánh đầy mấy lu nước ở nhà. Ngẩng lên đã thấy vầng trăng đầu tháng treo vắt vẻo giữa trời.

Giếng đã có từ lâu lắm trước khi tôi ra đời và cung cấp nước cho cả làng, nhất là vào mùa khô hạn. Ngày ấy, đào được một cái giếng quả là một kỳ công. Nhà tôi cũng bỏ ra cả tháng trời, thuê người về hì hục đào nhưng đến hơn bảy mét gặp toàn đá là đá. Rồi nước cũng có nhưng mùa mưa thì đục như nước cơm, mùa hạn lại khô quắt, mạch nước tắt ngấm. Thế nên mỗi năm chỉ dùng nước giếng nhà được chừng nửa năm, khoảng thời gian đất trời dễ chịu, chưa đứng về một phía cực đoan mưa nắng nào. Đến mùa mưa lại hứng nước mưa dùng. Còn mùa hè khô hạn, không riêng giếng nhà tôi mà giếng các nhà khác trong làng đều trở thành cái hang khô. Cái giếng làng sâu chưa đầy hai mét trở thành vị cứu tinh của cả làng.

Nhưng quá nhiều cái gàu vục xuống cùng một lúc thì sông cũng cạn chứ đừng nói là giếng. Nên mới có cảnh một lũ con nít tranh nhau bu xung quanh thành giếng. Tôi đã có nhiều buổi chiều như thế, mồ hôi nhễ nhại, mặt đỏ bừng bừng chen lấn cùng mấy đứa trẻ khác, tranh thả gàu thật nhanh để giành vị trí thuận lợi cho nước vào gàu mình nhiều nhất. Nhưng tôi thường chậm chạp hơn nên khi có đứa gánh nước về rồi, tôi vẫn chưa đầy một thùng.

Giành nhau ban ngày chưa đủ. Đêm đến, tôi cùng anh Hai quảy thùng đi. Ban đêm, có ít người hơn nên đỡ tranh giành. Chúng tôi bàn với nhau chờ cho nước rỉ ra thật nhiều, để đầy gàu rồi sẽ chia nhau múc, cho khỏe. Anh Hai tôi hiền, nên bao giờ cũng là người múc cuối cùng. Vì thế tôi có một khoảng thời gian dài nằm xoài trên bãi cỏ mà tưởng tượng giờ này chắc chị Hằng đang chống cằm nhớ mẹ, nhớ cha, còn chú Cuội thì đi qua đi lại làm trò hề cho chị Hằng vui mà cười. Tự nhiên có lúc trăng sáng quắc, như thể soi vào tận tâm can người khác, tôi hét lên: “Chị Hằng cười đó, anh Hai!” Anh Hai tôi vẫn cười hiền hiền: “Là chị Hằng đang tắm đó, cô nương.” Nằm chán chê rồi, tôi bò dậy đến bên thành giếng nhìn chị Sương nhà bác Sáu múc nước. Bóng chị in trên mặt nước sao mà lung linh đến thế. Bóng tôi cũng lung linh bên cạnh. Chị thả gàu rồi lắc một cái, chiếc gàu ngập trong nước. Chị sải tay thật dài, nắm lấy dây gàu thoăn thoắt. Trong nháy mắt, chiếc gàu lại nằm trong tay, chị đổ nước vào thùng, quay sang hỏi tôi: “Buồn ngủ chưa?” Tôi lắc đầu. Rồi chị bảo: “Trăng sáng thế này, chị lại mất ngủ mất thôi!” Mãi sau này lớn lên, tôi mới hiểu lời chị nói trong đêm trăng ấy. Đâu phải là chị nói cho tôi nghe…

Tôi xa quê, dùng nước máy ngày ngày, tắm dưới vòi sen. Quê tôi từ ngày có điện nhà ai cũng đào giếng khoan sâu đến hai ba chục mét. Cái giếng làng không còn ai gánh nữa. Không còn bóng người con gái nào in trên mặt nước những đêm trăng. Tuần trước tôi về quê, ngang qua giếng xưa, chợt nghe lòng hiu quạnh. Vị cứu tinh của cả làng thủa nào giờ đứng lẻ loi giữa đám cỏ cao lông nhông. Tôi rẽ cỏ bước vào, thấy rêu đã phủ đầy thành giếng. Chợt nhận ra, không phải thời gian mà chính sự quay lưng của con người làm cho mọi thứ mau thành quá vãng.

Phải vì nỗi ám ảnh ấy không, đêm nay, trong tôi bỗng vẳng lại tiếng gàu khua trăng da diết?

Ngô Thị Thục Trang

 


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Nắng hạ
17:00, 02/07/2011
Nắng hạ
17:00, 02/07/2011
Kỷ Vật
21:14, 25/06/2011
Kỷ Vật
21:14, 25/06/2011
(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.