Chạm “giấc mơ” Mã Pí Lèng
Bên này núi đá cao vời vợi, dựng sừng sững cạnh những con đèo quanh co thách thức với cả đất trời. Bên kia là những thung sâu hun hút, thăm thẳm, chỉ cần lạc mắt thôi cũng có cảm giác như rơi xuống đáy. Mã Pí Lèng: giấc mơ, khao khát của những ai muốn với tay “chạm” tới mây ngàn.
Dòng Nho Quế chẻ đôi ngọn núi sắc lẹm như một lưỡi dao, chảy miệt mài… |
Từ lâu, tôi đã ấp ủ mơ ước một lần đặt chân lên miền đất mà huyền thoại được viết lên từ đá. Đá gai nhọn. Đá sắc lẹm. Đá thách thức người. Đá ngạo nghễ với đất trời. Vậy mà bức tranh được phối bởi gam màu xám ngắt, sắc lạnh của đá lại đẹp đến ma mị. Dọc suốt cuộc hành trình trên cung đường Hà Giang – Quản Bạ - Yên Minh – Đồng Văn - Mèo Vạc với những khúc cua đan xen như các nếp gấp trên tay áo, một bên núi, một bên vực, tôi thấy mình như một viên đá cuội lăn theo những vết mòn mà chỉ cần lạc ra ngoài “quỹ đạo” là có thể bị cái vực sâu hoắm kia nuốt chửng. Ta sợ hãi với đèo cao, vực sâu nhưng ta cũng thấy thèm khát chinh phục nó. Có lẽ những hiểm nguy, thử thách luôn có một sức hút ma quái và làm nên khát vọng của loài người. Đá nơi đây với những điều kỳ diệu như một “kho” bí mật để rồi khiến ta thảng thốt, giật mình, choáng ngợp với mỗi một bí mật được lần giở, như một câu chuyện thần thoại, kỳ bí cho đến chi tiết cuối cùng và ngay cả khi những bí mật dù đã được khám phá hết thì nó vẫn còn là điều bí mật, bởi không một ai đủ sức tự tin đứng trên con đèo huyền thoại mang tên Mã Pí Lèng vỗ vào ngực mình rằng đã đi hết chiều sâu của đá. Phải chăng cũng chính bởi đá nơi đây kỳ diệu mà sức sống của những con người “sống trên đá, chết vùi mình trong đá” kia càng diệu kỳ thay, kiêu hùng thay! Sẽ không thể nào diễn tả được hết vẻ đẹp hùng tráng của con đèo này bằng ngôn từ, ngay cả những bức ảnh đẹp nhất cũng không thể cho người ta nhìn thấy hết sự hùng vĩ của nó. Bên này núi đá cao vời vợi, dựng sừng sững cạnh những con đèo quanh co thách thức với cả đất trời. Bên kia là những thung sâu hun hút, thăm thẳm, chỉ cần lạc mắt thôi cũng có cảm giác như rơi xuống đáy. Dòng Nho Quế xanh rì, cuộn thác, chẻ đôi ngọn núi thế kia trở thành đường biên giới tự nhiên giữa 2 nước Việt Nam – Trung Quốc, vậy mà khi nhìn từ trên trạm dừng chân trở nên mỏng và sắc lẹm như một lưỡi dao, chảy miệt mài... Con sông mà bất cứ một ai khi đọc “Trở lại Mèo Vạc” của Nguyên Ngọc cũng bị ám ảnh với cảm giác rợn ngợp. “Hàng nghìn thước sâu có thừa. Ngọn núi lớn có lẽ từ hàng triệu năm trước, một hôm nào đó, đột ngột bị một nhát rìu khổng lồ chém đứt làm đôi, nhát chém dữ dội và sắc lẹm quá, cả trái núi đá hàng vạn ki-lô-mét khối bị bổ dọc, nứt toác ra, hai bờ thẳng đứng, bên này là Mã Pí Lèng, bên kia là Sam Pun, ở giữa dưới nghìn mét sâu là con sông Nho Quế leo lẻo xanh đến rợn người”. Con đèo vắt ngang qua núi đá xám ngắt như một đường diềm tinh tế trên nếp váy tuyệt đẹp của trời đất xứ sở này. Đứng tại Trạm dừng chân, ở độ cao khoảng 2.000m, phóng tầm mắt ra xa, một cảm giác khó tả ùa vào, xâm chiếm, choáng ngợp đến nghẹt thở... đó là sự vỡ òa của hạnh phúc, ngưỡng mộ và rưng rưng tự hào lẫn trong niềm sợ hãi. Mã Pí Lèng: giấc mơ, khao khát của những ai muốn với tay “chạm” tới mây ngàn...
Con đường lượn vòng với những nếp uốn, ôm quanh đỉnh Mã Pí Lèng. |
* *
*
“Đường Hạnh Phúc Hà Giang – Đồng Văn – Mèo Vạc. Nhằm giúp vùng núi tiến kịp vùng xuôi, Trung ương Đảng, Khu ủy Việt Bắc quyết định mở đường Hà Giang – Đồng Văn – Mèo Vạc. Ngày khởi công: 10-9-1959, ngày hoàn thành: 15-6-1965. Thành phần mở đường gồm 16 dân tộc ở các tỉnh Cao Bắc Lạng, Hà Tuyên Thái, Hải Hưng, Nam Định. Riêng dốc Mã Pí Lèng, công nhân đã treo mình 11 tháng để mở đường”. Những dòng khắc trên tấm bia đá ở Trạm dừng chân tuy ngắn ngủi nhưng cũng đủ làm con người sởn ốc, lạnh toát sống lưng. Sẽ chẳng thể nào tin được gần 200 km với đèo dốc quanh co, lượn mình trên núi đá chênh vênh lại được làm bằng sức quai đá rất thủ công tạo nên kỳ tích mang tên đường Hạnh Phúc. Cái tên thật đẹp để mỗi bước chân hôm nay có thể sải bước thênh thang từ thị trấn Mèo Vạc sang thị trấn Đồng Văn rồi đi hết cung đường lên đến thành phố Hà Giang là bởi trước đó nó là một kỳ tích được làm nên từ máu, nước mắt, mồ hôi của hàng vạn thanh niên xung phong các dân tộc nơi đây. Nó là khúc tráng ca bi hùng nhất bởi chỉ riêng đoạn đường gần 20 km thôi qua núi đá chênh vênh, hiểm trở, dốc như dựng đứng lên thẳng trời xanh kia được mở chỉ trong vòng 11 tháng bằng những đôi tay trần đục, đẽo đá suốt ngày đêm, trong đó đoạn qua dốc Mã Pí Lèng, những thanh niên xung phong ngày ấy phải treo mình trên vách núi dựng đứng, đọ sức, thách thức cả tính mạng mình với núi cao, vực thẳm. Ông Dương Ngọc Đức, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Văn bảo, những thế hệ con cháu sau này sẽ mãi mãi khắc ghi lịch sử con đường được viết lên bằng máu và nước mắt. 6 năm với trên 2 triệu ngày công đục khoét gần 3 triệu mét khối đá mà hầu hết trong đó là lao động thủ công không có sự hỗ trợ của máy móc, để con đường Hạnh Phúc được hoàn thành vào 15 tháng 6 năm 1965 đã đem đến cuộc sống mới trên cao nguyên đá này. Trong tổng thể con đường với nhiều cua lắm dốc, thì thử thách gian lao nhất chính là đoạn vượt đỉnh Mã Pí Lèng. Qua hơn 1.000 ngày con đường được thi công, hàng vạn thanh niên xung phong và dân công đã vấp phải một bức tường thành đá khổng lồ dựng đứng là đỉnh Mã Pí Lèng. Để vượt bức tường đá này cần xây dựng một đường đèo men theo vách núi ở độ cao khoảng 1.600m. Tuy nhiên, khó khăn đến mức trong giai đoạn đầu, để mở một vỉa đường nhỏ mang tên "đường công vụ" rộng khoảng 40cm trên vách đá làm chỗ đặt chân thi công mở đường rộng ra, thì 17 thanh niên trong Đội Cơ dũng ngày ấy phải treo mình bằng dây buộc vào một cây nghiến cổ thụ roòng từ trên đỉnh núi xuống, bám vào các vách đá, ròng rã trong 11 tháng đục đẽo hoàn toàn bằng tay và dụng cụ thủ công. Thể hiện lòng quyết tâm và tinh thần đối mặt với hiểm nguy, các công nhân ngày ấy còn đặt tại lán của mình những chiếc quan tài và truy điệu sống trong từng ngày làm việc. Sau khi hoàn thành, đèo Mã Pí Lèng - với 9 khoanh uốn khúc bên vách đá dựng đứng sâu hun hút, trở thành con đèo hiểm trở nhất nơi miền biên viễn này. Qua câu chuyện lịch sử mở đường được ông Đức kể lại rành rọt đến từng chi tiết tôi như cảm nhận được có một niềm tự hào bất diệt trong lòng người dân nơi đây. Quả thực, 6 năm ròng rã với sức người và tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường, con đường đã mang ''hạnh phúc" về với đồng bào nơi cực Bắc này đúng như cái tên nó mang trên mình: đường Hạnh Phúc! Lịch sử của khúc tráng ca chỉ gói gọn trong vài dòng chữ mà lẫm liệt (*), kiêu hùng. Cung đường Mã Pí Lèng đã trở thành một kỳ tích mà nhiều người ví như một "Vạn Lý Trường Thành" của Việt Nam hay "Kim Tự Tháp" của người Mông cùng người miền xuôi, miền ngược chung tay xây dựng trên cao nguyên đá này. Và kỷ lục về những cái nhất: “con đường thi công gian khổ - hiểm nguy nhất, thủ công nhất, huy động lượng thanh niên xung phong đông nhất với số ngày công khổng lồ nhất” của con đường này cho đến bây giờ vẫn là kỷ lục. Có lẽ đó mãi mãi là một kỷ lục bi tráng bởi trong lịch sử mở đường, không có con đường nào sau khi mở xong có riêng một khu nghĩa trang ở thị trấn Yên Minh để tưởng nhớ những thanh niên xung phong đã thầm lặng hy sinh. Để rồi trên mảnh đất mà sức sống mãnh liệt của con người được chắt ra từ đá ấy, người già đời đời vẫn kể cho con cháu họ nghe về con đường tưởng chừng chỉ có trong những câu chuyện huyền thoại, cổ tích đã làm nên ngô, lúa, chở văn minh lên khắp các rẻo cao. Còn với tôi, có lẽ khi đến với mảnh đất này sẽ mãi niệm trong tim khúc tráng ca bi hùng đó.
* *
Những nếp nhà nằm xen trong nếp đá. |
Những bước chân thênh thang giữa mây núi trập trùng. |
*
Đá - chỉ toàn là đá dựng sừng sững bên những con đèo quanh co, đá dựng thành tường rào, đá giữ nước, giữ đất cho ruộng bậc thang xanh mượt trên triền núi; đá như thành lũy để bảo vệ biên cương; con người thì sống quyện mình với đá, chắt lọc từ đá sự sống: nhà tựa vào vách đá, những mầm sống ươm lên từ đá… Với 3/4 diện tích là núi đá, tưởng chừng bức tranh nơi đây chỉ một màu sắc lạnh, xám ngắt vậy mà như có phép màu linh diệu, sự sống trên cao nguyên đá này lại trở nên mãnh liệt, mãnh liệt như những bước chân của người Mông, Dao, Lô Lô, Pu Péo… vẫn ngày ngày sải từng bước “chân cứng đá mềm” xuyên núi đá. Nhìn những mái nhà nằm chênh vênh, lắt lẻo trên triền núi, tôi tự nhủ, đá nơi đây thách thức người hay chính con người nơi đây đang thách thức với đá. Nhìn những ruộng bậc thang đang vào mùa gặt thảm vàng miên man trên những triền núi, những gùi ngô nặng trĩu, không ai tin rằng nó được ươm mầm từ những hốc đá tai mèo sắc nhọn kia. Cuộc mưu sinh với họ như một cuộc trường chinh không mệt mỏi với hạn hán, mây mù bao phủ. Lúa và ngô ở đây vì vậy mà cũng kiên cường như người trồng ra nó vậy. Đất và nước dường như là thứ hiếm hoi, quý giá nhất đối với họ, cho nên họ gần như không để cho bất cứ một tấc đất nào có thể nghỉ ngơi. Nghe câu chuyện của ông Dương Ngọc Đức kể về những người Mông gùi đất từ vùng thấp để đổ vào từng hốc đá tai mèo sắc nhọn như đâm nát chân người làm nên những vạt ngô, lúa xanh mượt khắp núi đồi mà tôi cứ ngỡ là mình đang nghe một câu chuyện cổ tích. Vậy mà, đó lại là một kỳ tích, kỳ tích được làm nên bằng sự kiên trì, bền bỉ của khối óc và sự mãnh liệt của trái tim. “Bạn đã có dịp nghe hát dân ca Mông bao giờ chưa? Đó là sự kết hợp bất ngờ đột ngột kỳ diệu của những âm vực gần như không thể tưởng tượng nổi: cao chót vót, và trầm sâu đến đáy. Không có cái giữa chừng, không có sự trung bình, chỉ có cực điểm. Núi non ở đây là thế. Con người là thế. Hãy ngửa cổ nhìn lên cái đỉnh Cán Tỷ hay đỉnh Mã Pí Lèng kia mà xem, thăm thẳm trong mây. Anh còn tinh mắt không? Anh sẽ nhận ra, loang loáng trong mây, tít tận chỗ sát trời xanh kia, một làng Mông lơ lửng chơ vơ. Trời ơi, sao lại leo lên đến tận trên ấy mà ở, mà làm nhà, mà sinh sống, yêu đương, sinh nở, cha truyền con nối? Đố ai mà hiểu được.” (**) Nghịch lý đến không hiểu được, vậy mà nơi đây đó lại là sự hợp lý. Núi non nơi đây là thế, con người nơi đây là thế, nó như cho ta biết thế nào là sự sâu thẳm, thế nào là sự vững chãi, thế nào là phóng khoáng và cả thế nào là sự sợ hãi. Và với tôi, đó là miền đất mà có lẽ cả cuộc đời này sẽ chẳng thể nào khám phá hết, đi cho đến cạn kiệt hơi thở vẫn còn cháy bỏng đam mê.
Mùa vàng trên cao nguyên đá. |
Sức sống diệu kỳ của những ruộng bậc thang. |
Lê Hương
(*) Chữ của Đỗ Doãn Hoàng
(**)Trích trong “Trở lại Mèo Vạc” của Nguyên Ngọc
Ý kiến bạn đọc