Multimedia Đọc Báo in

Mùa lá lộc vừng non

08:36, 31/03/2012

Tháng ba, mùa cây lộc vừng thay lá. Loài cây lộc vừng thay lá cũng giống như cây bàng trong sân trường: Sau một thời gian lá già rồi vàng úa, những chiếc lá rụng dần, độ một tuần sau thì lá rụng hết, từng búp lộc non có màu tím bắt đầu nhú và bung dần. Chỉ trong khoảng mươi ngày, toàn thân cây lộc vừng phủ kín những chồi lộc lá non.

Lá lộc vừng non có màu tím, bóng, mọng nước, trông rất dễ thương. Còn nhớ, ngày trước, mùa này, lá lộc vừng non kín khắp đường vào các đồng ruộng, bờ ao. Khi lộc vừng non bung lá, những người dân quê tôi thường hái ăn sống những khi làm đồng, khi ăn kèm với các đọt rau rừng khác như lá sung, lá bứa, lá mơ; khi thì ăn với các loại rau sống, rau thơm trong vườn nhà. Đặc biệt đọt lộc vừng non chấm với mắm nêm, mắm ruột, mắm ruốc… lại càng ăn được cơm hơn. Cũng nhờ thế, nơi đồng quê xa xôi, thức ăn thiếu thốn, những người dân lao động có thêm sức lực để lao động sau những bữa cơm ngon với rau rừng.

Mẹ tôi một thời cũng đã từng thích ăn lá lộc vừng non. Sở thích của mẹ là ăn lá lộc vừng non cuốn thịt heo ba chỉ chấm mắm nêm. Nhưng hồi đó thịt heo đâu có mà ăn nhiều. Mẹ bảo mỗi năm chỉ được ăn một hai bữa ngon thôi. Đó là vào mùa lộc vừng ra lá non, mẹ chọn hái những búp lá ngon về trộn với các loại rau thơm trong vườn nhà rồi nhịn tiền mua ít thịt ba chỉ, thế mà đây được gọi là thức quý, dễ gì có mà ăn. Ngoài ra, những lúc khác, lá lộc vừng non làm gỏi trộn với chanh, đậu phộng cũng là một món ngon được nhiều người miền quê ưa thích một thời. Lá lộc vừng non có vị hơi chát, thường được dùng làm rau sống, ăn riêng hoặc trộn với lá đinh lăng non trong món gỏi cá, với các loại cá kho, bánh xèo. Vì vậy, mỗi khi cây lộc vừng ra lá non đầy cành thường là cái cớ để nhiều gia đình đổ bánh xèo hoặc làm món ngon gì đó ăn cùng với lá cây.

Sau này, đời sống khấm khá, người ta cũng ít ăn dần loại lá ngon một thời này đi mà ăn những thứ ngon có giá trị khác. Và ngày nay, không cần ra tận đồng xa hay lên rừng mà đi ngay từ thành phố đến nông thôn, có thể đâu đâu ta cũng thấy cây lộc vừng đứng trong sân nhà. Tuy bị “thuần dưỡng” nhưng đến mùa này lộc vừng vẫn thay lá, vẫn cho những đọt non như những cây mọc tự nhiên ngoài rừng. Nhìn lộc vừng trổ lá non, tôi thường nhớ về một thời tuổi nhỏ từng băng đồng lội suối chăn bò, làm đồng; nhớ về những bữa ăn cơm trưa giữa đồng ngay lúc trời nắng chang chang hay mưa trút ướt người, chỉ có cơm nguội muối vừng và lá cây lộc vừng non, thế mà cả nhóm ăn đến ngon lành; nhớ về mẹ với dáng vóc lưng còng, nắm lá lộc vừng trên tay loay hoay chuẩn bị bữa ăn và miệng luôn tấm tắc khen ngon khi được ăn loại lá này.

Bây giờ mẹ không còn, tôi cũng đi xa hun hút. Những con đường ra đồng, bờ ruộng cũng không còn bóng dáng cây lộc vừng to nhỏ thân thương nữa. Tôi tất bật với bao nhiêu công việc, song mỗi lần ngang qua những con đường ở phố, bất chợt nhìn thấy lá lộc vừng non bỗng nhớ về khoảng bình lặng của những ngày cũ da diết.

Đào Tấn Trực


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Nhớ rừng
22:33, 23/03/2012
Nhớ rừng
22:33, 23/03/2012
Góc quê
15:10, 17/03/2012
Góc quê
15:10, 17/03/2012
(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.