Multimedia Đọc Báo in

Chang chang cồn cát nắng trưa…

16:54, 02/07/2012

Quê tôi, một vùng đất ven biển miền Trung đầy nắng và gió, nơi ấy, đã đi vào lịch sử và thơ ca bởi nghiệt ngã của chiến tranh,  của gió lào và cát trắng. Ngày xa quê, tôi mang theo tuổi thơ với những ngày ngập nắng…

Cầu Nhật Lệ trong sớm mai thanh bình.
Cầu Nhật Lệ trong sớm mai thanh bình.

Nắng ngào ngạt tháng Năm cháy một khoảng trời phượng đỏ, tuổi học trò vương vấn chia ly. Nắng dữ dội tháng Sáu, tháng Bảy cho mẹ phơi cá, phơi mực khô cong làm nên đặc sản "mực một nắng" ngon ngọt và thơm lựng không đâu bằng. Nắng mong manh tháng Tám vào thu, hong khô những cuộc tình bên dòng Nhật Lệ biêng biếc xanh. Nắng yên bình, ấm áp cho tàu xa khơi ăm ắp cá tôm. Và nắng cho tôi biết yêu thương những giọt mồ hôi mặn mòi đẫm trên lưng mẹ. Phải chăng, cũng nắng, gió của đất trời đã làm nên chất giọng đặc trưng của người Quảng Bình. Những "mô, tê, răng, rứa…” khi tình cờ gặp “quê hương trên mọi quê hương” lại thấy ấm áp, da diết đến lạ.

Có người khi giới thiệu với bạn bè về mảnh đất quê hương đã có sự liên tưởng thú vị: nếu Hà Nội là thủ đô hoa lệ; Sài Gòn là hòn ngọc Viễn Đông; Đà Lạt là thành phố ngàn hoa, Huế trầm mặc với đền đài lăng tẩm… thì Quảng Bình chính là thiên đường của nắng, dù đi đâu, về đâu vẫn cháy lòng khi nhớ! Bởi chạy dài trên dải đất hình chữ S, không nơi đâu như trên mảnh đất này, nắng gió mang hơi nóng quần quật, táp vào mặt bỏng rát, không gian trở nên đặc quánh, khắc nghiệt đến nỗi người ta có thể ngửi thấy mùi của nắng!

Trong ký ức tôi, nắng gió của quê hương là những ngày theo ngoại ra đồng mò cua bắt ốc, từ sáng sớm cho đến khi bóng của hai bà cháu đổ dài trên đê. Đó là những ngày mùa, cánh đồng quê ươm vàng thơm nức hương lúa chín, tôi theo bà cho đến khi mặt trời lặn sau rặng núi Thần Đinh. Nắng gió quê hương cũng lặn vào cuộc đời lam lũ của ngoại tôi. Vượt qua những mất mát, đau thương của chiến tranh, một đời quần quật với nắng mưa, ngoại vò võ nuôi cháu con khôn lớn! Tôi đã soi mình vào cuộc đời của ngoại để mà lớn khôn, trưởng thành.

Đặt chân lên mảnh đất quê hương sau nhiều năm xa cách, bắt gặp những vạt nắng đổ vàng trên cánh đồng hai huyện, câu thơ của Tố Hữu chợt ùa về trong tâm trí, da diết đến tận cùng: “Lặng nghe mẹ kể ngày xưa. Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình …”. Ở đây, nắng như song hành với những thân phận người. Những người mẹ quang gánh trĩu vai vẫn thoăn thoắt lướt đi trên cát. Những gương mặt sạm đen vì nắng gió, vì sức nóng bỏng của cát. Cuộc sống mưu sinh vất vả, khó nhọc là thế nhưng nụ cười hồn hậu không bao giờ tắt trên môi. Những nụ cười vào buổi sớm mai đắt hàng, vì tôm cá tươi rói đầy khoang, nụ cười xua tan những mệt nhọc của một ngày nhọc nhằn, khi nắng tắt, chợ tan được trở về mái ấm. Ở đây, nắng với gió Lào là một thứ “đặc sản” tinh thần, để những người xa quê như chúng tôi “làm giàu” thêm cho ký ức. Dừng chân ngang trung tâm thành phố của bom đạn một thời, giờ đã nhiều đổi thay với những nếp nhà bình yên trong nắng sớm, tôi thấy dậy trong lòng niềm vui lẫn trong niềm tự hào. Đứng trên cầu Nhật Lệ bao quát tầm nhìn về phía biển thăm thẳm xanh và những mạn thuyền xé gió ra khơi, phía những đồi núi xanh rờn xa tít chân mây, giai điệu bài hát Nhật Lệ trăng huyền thoại chợt ngân lên da diết: “Anh đi lòng chợt nhớ/ Hương biển chiều chênh chao/Anh đi lòng chợt nhớ/ Hương biển say ngọt ngào/ Dù đi đâu, về đâu/ Người ơi đừng quên nhé/ Nhật lệ trang huyền thoại/ Mắt ướt buồn chiêm bao/ Nhật lệ đêm huyền thoại/ Em hát vầng trăng chao.”, cõi lòng tôi như bị thiêu đốt, cháy cồn cào hai tiếng quê hương!

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Bay cao nhé, diều ơi!
17:08, 29/06/2012
Lả lả thùy dương…
14:42, 22/06/2012
Trường cũ
09:01, 08/06/2012
Vườn quê
22:05, 04/06/2012