Bếp nhà
Những ngày cận Tết, con gái lại tất bật rộn ràng chuyện sắm Tết. Nào mua tôm khô, đặt củ kiệu, dưa chua, nào mứt kẹo mỗi thứ một ít chưng vào hộp để trên bàn thờ, nào trang hoàng nhà cửa cho sạch đẹp…Cả năm vùi đầu vào công việc, ăn uống quấy quá sao cũng được nhưng những ngày Tết cũng phải đàng hoàng chu đáo một chút.
Nhìn cả nhà bận rộn, tíu tít tôi lại nhớ bà ngoại, nhớ má tôi ngày xưa vô kể. Má tôi vẫn nói: muốn biết gia đình nào đó có êm ấm, hạnh phúc không cứ nhìn vào góc bếp, vào gian nhà sau của họ. Bởi sự ấm cúng hay lạnh lẽo tỏa ra từ đó. Ngoại tôi không nói gì nhưng lúc nào gần Tết cũng nhắc con cháu phải lo đổ thật đầy khạp gạo, hủ muối trong nhà để quanh năm gia đình được no ấm đủ đầy. Bây giờ nhắm mắt lại, tôi như vẫn thấy má tôi đang ngồi rim mứt mãng cầu, mứt chùm ruột ở một góc bếp, trong khi ngoại tôi đi tới đi lui coi mấy đứa cháu gái lột bạch quả, đậu phộng, hột sen chuẩn bị cho nồi gà tiềm xuất sắc của ngoại. Mấy đứa nhỏ hơn một chút thì náo nức đợi mấy mẻ mứt chuối, mứt mãng cầu rim xong để được người lớn cho gói mứt, gói kẹo bằng những tờ giấy bóng đủ màu rực rỡ. Khác với bây giờ hầu như mọi thứ đều được mua hoặc đặt làm, Tết xưa thường mỗi nhà tự lo nên không khí Tết đến từ mấy ngày trước, khi cả nhà chuẩn bị nấu nướng, rim mứt… Bởi vậy, cả gian nhà bếp cứ ấm sực, thơm phức. Những ngày ấy, bước vào căn bếp, hít một hơi thật sâu: Mùi thịt kho nước dừa ngào ngạt, mùi mứt quyện vào đường hơi khen khét, mùi nồi gà tiềm với đủ loại hạt, loại quả bốc lên béo ngậy, ngò xộc vào mũi khiến ta ngây ngất, thèm thuồng. Hương vị những ngày Tết như thế, làm sao quên được!
Không biết những người lớn lo Tết bận rộn, vất vả thế nào chứ bọn nhỏ chúng tôi đúng là “vui như Tết”. Nhà càng lu bu công chuyện, càng bày ra nhiều thứ để làm thì cái Tết càng trở nên quyến rũ, thu hút sự tò mò. Năm nay nhà mình ăn Tết ra sao? Có lớn hơn năm ngoái không? Có món gì mới trong mâm cơm rước ông bà không? Và còn nữa, năm nay đứa nào được “lì xì” nhiều nhất để mấy ngày Tết, con heo đất nó nuôi sẽ mập ú, tiền mới đặc khừ trong bụng? Hình như có bài hát thiếu nhi có câu hát đại khái như “ năm nay em đã lớn…em không thích lì xì…”. Nghe mà cứ cười tủm tỉm. Hát là hát vui vậy thôi chứ tôi nghĩ có trẻ nào, lớn đến đâu lại không thích lì xì!
Ngày Tết, khi mâm cơm cúng ông bà được bày ra với những món ngon nấu bằng cả tấm lòng của cháu con, khi đĩa bánh mứt được sắp lên bàn thờ để đón giao thừa, rước mừng năm mới với hương trà thơm ngát quyện vào khói nhang thoang thoảng trên bàn thờ, cũng là khi cả nhà tề tựu vui vầy, ý nghĩa của bếp lửa, của gia đình mới thiêng liêng, nồng ấm làm sao!
Ôi góc bếp, chái nhà, ngọn lửa muôn đời tỏa ấm trái tim ta!
Nguyễn Ngọc Tuyết
Ý kiến bạn đọc