Thương về nón lá ngày xưa
Ngày xưa, người phụ nữ nào cũng có chiếc nón đội đầu, dù là giàu hay nghèo, già hay trẻ. Mẹ bảo tôi, đã là phụ nữ thì chiếc nón luôn bên mình, đội trên đầu để che mưa che nắng và như thế mới nữ tính. Nhìn bà, nhìn chị, nhìn mẹ đội nón sao mà yêu thương và gắn bó với quê mình đến vậy. Bởi nón làm bằng lá cọ, mà quê mình thì toàn cọ là cọ. Hồn quê đấy, kết thành những chiếc nón từ những đọt lá cọ non mỡ màng và dịu mát. Bàn tay người nghệ nhân làm nón kể cũng tài hoa. Những mảnh lá cọ non được chuốt lại cho bóng bẩy và bện vào nhau thật tinh tế theo những vòng tròn hình chóp. Cái hình chóp nón ấy trên đầu người phụ nữ quê tôi như in sâu vào hồn làng, dáng quê để rồi chẳng ai có thể xa lạ với chiếc nón mộc mạc mà chân chất ấy.
Vào mỗi buổi chợ phiên, mẹ cho các chị đi chợ để chọn mua nón. Mẹ bảo con gái đã trưởng thành thì phải biết chọn nón và có nón mới đội đầu. Chợ phiên ngày xưa thường bán hai loại nón, nón lá non và nón lá già để dành cho hai lứa tuổi khác nhau. Các cụ cao tuổi thường hay chọn nón lá già có màu nâu nhạt cho phù hợp với tuổi còn các chị tôi và những thiếu nữ trong làng thường chọn nón lá non trắng để đội. Ở chợ quê, hàng nón là đông khách nhất và cũng đắt hàng nhất. Người mua, người chọn, nâng lên đặt xuống, xoay tròn hay trả giá cứ tấp nập, đông vui hẳn lên. Chẳng thế mà phiên chợ nào, chị cũng đòi theo mẹ đi chợ cốt là để ngắm những chiếc nón đẹp.
Người vùng quê trung du thường ăn chắc mặc bền vì thế khi mua nón về, bà và mẹ tỉ mỉ ngồi dùng kim chỉ khâu lại những đường cước của nón cho nón không nhanh bị buột cạp rồi bà còn dùng ni lông để khâu thành đường diềm xung quanh để tránh nước mưa ngấm vào nón làm cho lá cọ nhanh bị mục. Còn các chị không khâu bọc diềm ni lông như bà vì sợ nón xấu mà lại có cách làm nón đẹp riêng. Chị lên đồi thông sau nhà, tìm lấy những cục nhựa thông già về cho vào bát nướng lên, đổ chút xăng vào để “quăng” dầu cho nón. Làm như thế, nón vừa bóng, vừa bền, vừa đẹp. Thỉnh thoảng, các chị lại làm như thế để trang điểm cho chiếc nón của mình.
Ở quê tôi ngày xưa, gái quê đi lấy chồng không thể thiếu được chiếc nón mới. Ngoài những vật dụng và đồ trang điểm đã chuẩn bị thì một vật rất quan trọng là chiếc nón cũng được cô gái mua về, đánh dầu bóng, khâu cạp thật đẹp và sáng bóng từ đầu tháng. Đám cưới đi bộ trên con đường làng, qua đình làng, trên cầu tre lắt lẻo, soi bóng xuống đầm sen thật đẹp và hữu tình. Những chiếc nón trắng tinh trên đầu người đưa dâu nhất là những cô thiếu nữ đang tuổi xuân thì làm cho khung cảnh làng quê thật êm đềm, trữ tình và ấm áp. Khuôn mặt cô dâu khép nép, dịu dàng trong vành nón, đến cổng, người mẹ chồng chạy ra đón, đỡ lấy chiếc nón như một cử chỉ vỗ về yêu thương người con dâu mới.
Chiếc nón từ lá cọ quê tôi từ bao đời nay đã gắn bó ân tình với người dân như thế. Không chỉ là vật che mưa, che nắng, mà chiếc nón đã in sâu vào trong nếp nghĩ, nếp sống và phong tục của làng, của mỗi con người sinh ra và lớn lên nơi làng quê yên ả. Ngày nay, cuộc sống hiện đại như cuốn theo mọi thứ, chiếc nón yêu thương ngày nào của bà, của mẹ, của chị sao mà khó bắt gặp đến thế. Tuy ngày nào, bà cụ bán nón cũng ôm chồng nón đi qua ngõ, chẳng biết bà bán được mấy chiếc vào buổi chợ phiên nhưng giờ ra đường chỉ thấy người ta đội mũ đủ các kiểu loại, che ô và để đầu trần. Hay chăng, chiếc nón ngày nào nếu hôm nay đội lên đầu mỗi thiếu nữ sẽ trở nên quê mùa và vướng víu ? Hẳn vậy, nhưng biết sao được khi cuộc sống đổi thay thì có lẽ chiếc nón lá bình dị ngày nào sẽ chỉ còn là ký ức tươi đẹp của một thời!
Nguyễn Thế Lượng
Ý kiến bạn đọc