Câu chuyện từ tàn tro
Sau mỗi mùa gặt, ở các vùng quê thường có tục đốt ruộng. Tàn tro - một thứ tưởng chừng bỏ đi, nhưng đã đem lại nhiều giá trị kinh tế cho những ai biết tận dụng nó. Những câu chuyện xung quanh về mùa gặt, về tàn tro mấy ngày này cứ rôm rả suốt một miền quê nghèo nơi tôi ở.
Tờ mờ sáng đã nghe tiếng ì ạch của xe gắn máy, ở các nẻo đường trong làng, để đến các làng lân cận thu mua tàn tro, hoặc xin rơm về để đốt. Miền Trung, khí hậu khô nóng, mỗi năm hai vụ lúa. Năm nào lúa được giá thì nông dân được nhờ, năm nào lúa rớt giá thì bán rẻ cho các thương lái. Câu chuyện về hạt lúa, hạt gạo đã cũ. Nhưng câu chuyện về tàn tro lại mới. Kiếm tàn tro để bán đã trở thành cách kiếm tiền cho những người nông dân lam lũ, cần cù.
Ngày càng nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất mọc lên. Nhiều người bỏ ruộng đi làm công nhân, cũng có nhiều người vẫn gắn bó với mảnh ruộng của cha ông để lại. Có người vừa làm công nhân, và làm thêm ruộng. Chủ yếu là lấy hạt gạo để làm lương thực dự trữ trong nhà. Cũng có nhà mỗi mùa dư giả vài chục tấn thì đem bán, đầu tư cho con cái ăn học, còn lại mua phân bón cho mùa sau.
Cuộc sống hiện đại, người dân quê tôi không còn dùng bếp củi, mùn cưa, hay rơm khô nữa, mà đa số chuyển sang dùng bếp điện, bếp ga. Nên số lượng rơm cuối mùa gặt thường bỏ đi. Có nhà đốt để lấy tro bón cho mùa sau, có nhà đem cho.
Sau khi gặt xong, có người đến từng ruộng để xin rơm khô. Và sau khi xin đủ số rơm, họ đốt đi, để bán cho những hộ nông dân làng khác dùng để bón ruộng, phục vụ cho việc trồng trọt. Những người phụ nữ lấm lem bên đám tàn tro của vụ mùa, họ hốt từng bao tro để ra chợ bán kiếm tiền mua từng quyển sách, cái cặp, may từng bộ quần áo cho con ăn học.
Minh họa: Trà My |
Những đồng tiền đi ra từ tàn tro, và sự vất vả của những người mẹ, người chị đó làm tôi suy nghĩ mãi về giá trị của lao động. Có những em học sinh bước vào cánh cửa đại học từ những bao tàn tro mà bố mẹ thức khuya dậy sớm, bán ngoài chợ. Vất vả là thế, nhưng điều họ mong mỏi duy nhất là con họ được nên người, được ăn học đến nơi đến chốn, và ít ra đỡ khổ như cuộc đời của bố mẹ chúng.
Nhìn cánh đồng hun hút khói đốt đồng, ai biết được những tai nạn gì sẽ xảy ra, nếu vô tình những đám lửa đó theo gió cháy lan rộng. Sức người nhỏ bé ấy làm sao dập tắt được những cánh đồng lửa. Nguy hiểm là thế, vất vả là thế, nhưng bóng dáng của những người phụ nữ thôn quê vẫn lầm lũi, cùng với những chiếc bao tải, đứng trên bờ ruộng, cứ chờ tro nguội là xuống hốt về mang ra chợ, để đổi lấy bữa rau, bữa thịt, và đổi lấy tiền để đóng học phí cho con, đổi lấy những nụ cười hồn nhiên, vô tư của chúng ở sân trường.
Cũng mùa gặt này năm ngoái, có một phụ nữ góa bụa, một mình lam lũ nuôi hai con học đại học, từ những cái ve chai, và từ những đám tàn tro ấy.
Đôi lúc trong cuộc sống, có những vật với người này là thứ bỏ đi, nhưng với người kia chúng trở nên quan trọng, vì chúng giúp ích cho cuộc sống của họ. Tàn tro, với nhiều người đó là đồ bỏ đi, nhưng chính nhờ nó đã đem lại miếng cơm, kinh tế cho những phận người trong cái vùng quê đang dần đổi mới.
Thanh Trâm
Ý kiến bạn đọc