Nhớ hoài mùa khế quê nhà
Minh họa: Trà My |
Thuở bé, nghe bà kể chuyện cổ tích Cây khế, chúng tôi hồn nhiên, ngây thơ và chưa một chút nghĩ suy về những điều mà dân gian gửi gắm trong câu chuyện này. Chỉ biết rằng, khi lớn lên, cây khế đầu ngõ đã có rồi. Bà tôi bảo khi nội còn bé, cây khế này đã có rồi. Thân nó to vừa hai người ôm, gốc xù xì, tán tỏa rộng cả một khu đất rộng. Chúng tôi hồn nhiên cứ ngỡ rằng đó là cây khế trong câu chuyện cổ tích kia và ngày ngày chơi dưới bóng khế, chúng tôi mong đợi có một chú chim nào bay đến ăn quả rồi nhả ra những cục vàng.
Không ngày nào chúng tôi không ra chơi dưới gốc khế đầu ngõ. Khi thì chơi chuyền, khi thì nhảy dây, khi thì đánh đáo, bóng khế tỏa rộng, lá xanh ngắt một màu che mát cho bọn trẻ chúng tôi thỏa sức vui đùa mà không sợ nắng. Nhiều khi chán trò, chúng tôi lại trèo lên thân khế, đánh đu và chuyền cành, mắc cả võng đu từ trên cành cao xuống sát mặt đất mà thú vị biết bao. Mẹ luôn nhắc chúng tôi chơi nhưng đừng làm gãy cành khế vì khế cũng biết đau như người vậy. Biết thế, tuy có nghịch ngợm nhưng chẳng đứa nào dám làm cho lá khế rụng và gãy cành dù là nhỏ nhất.
Sau những ngày ra hoa, mùa khế đã đến sau vài tuần kết trái. Từng chùm sai trĩu quả bám vào những cành khế khẳng khiu gầy guộc. Những cành nhỏ bị chùm quả kéo võng xuống nhưng vẫn không sao gãy được. Những quả khế đã “đủ da đủ thịt” trông mới ngon mắt làm sao. Bóng mượt, xanh ngắt, đủ rõ năm cạnh trông rất hấp dẫn. Từng chùm quả cứ lấp ló trong những tán lá xanh ngắt, rồi ngay cả chỗ những thân cây xù xì không có lá, quả cũng mọc ra từng chùm. Chúng tôi cứ thắc mắc không hiểu quả từ đâu mọc ra khi mà thân gỗ già nua ấy của khế tưởng như đã ngủ quên rồi.
Khi quả đã hơi ửng vàng cũng là lúc khế cho hái quả. Mẹ sai chúng tôi đi hái những quả khế to, vàng để nấu canh chua. Mẹ bảo các con hái khế phải thật khéo kẻo làm rụng mất những quả khế non hay gẫy cành làm cho khế đau và mùa sau sẽ không cho quả nữa. Những trưa hè oi nồng, mẹ nấu canh chua bằng khế thái mỏng, dập nát với cá rô đồng cùng mấy chú cua sữa và mấy cọng rau thơm hái trong vườn nhà. Bát canh nóng hổi, ngọt lừ sao mà ngon đến vậy. Chúng tôi cứ ngỡ nếu không sinh ra từ nông thôn thì có lẽ những đứa trẻ khác sẽ không bao giờ được thưởng thức ẩm thực làng quê ngon lành đến vậy. Bát canh có vị chua chua của khế, vị ngọt của cá rô, vị thơm của cua sữa và rau mùi tây. Có lẽ khế là chủ vị trong bát canh đầy hấp dẫn này. Không chỉ có vậy, khi khế chín rộ, mẹ sai chúng tôi đi nhặt khế về thái mỏng rồi phơi khô để kho cá ăn vừa thơm vừa bùi.
Mùa khế, mẹ hái những quả to mọng cho vào rổ và mang ra chợ bán. Mẹ bảo bán khế chẳng được là bao nhưng đó là sản vật bình dị của quê mình nên mẹ mang đi vừa bán lại vừa cho để dân mình biết quý, biết yêu cây trái quê mình. Những ngày mùa, người dân làng tôi đi làm đồng về, không quên dừng lại gốc khế nghỉ ngơi, ăn một vài quả giải khát và xin về làm món canh chua. Hình như biết thế nên càng ngày khế lại càng sai quả để cho ai ai cũng được nếm vị chua chua ngọt ngọt của trái khế quê.
Giờ đây, chúng tôi đã lớn khôn, đã đi làm xa nhà nhưng cây khế quê tôi vẫn xanh tốt nơi đầu ngõ, vẫn ra từng chùm quả căng mọng, vẫn reo vui trong ký ức của tôi mỗi khi nhớ về. Có lẽ khi nhớ về tuổi thơ, nhớ về làng quê yêu dấu, hẳn trong những ký ức mông lung, hình ảnh cây khế như một miền cổ tích xa xưa, gần gũi, êm đềm.
Nguyễn Thế Lượng
Ý kiến bạn đọc