Multimedia Đọc Báo in

Ký ức mùa lũ

08:38, 02/10/2014

1. Xưa, vô tuyến chưa thông dụng như bây giờ. Cả xã họa hoằn lắm mới có một vài cái. Mọi tin tức đều phải nhờ tới đài phát thanh. Mỗi lần dọn cơm, bố đều tranh thủ bật đài ra cho nghe tin tức.

Biết sắp có mưa lớn bố lên kế hoạch luôn trong đêm cho những ngày sau. Ngoài cồn bãi hiện đang có khoảng hai sào mì lẫn khoai tím. Không thu hoạch kịp nước dâng ngập thì chỉ còn công cốc. Phương châm của bố lúc nào cũng rõ ràng và hợp lý: “ non trong nhà còn hơn già ngoài đồng”.  Chẳng cần ai phải thúc giục ai, mọi  thành viên trong gia đình đều dốc hết sức để hoàn thành công việc. Sản phẩm thu về được chất vào kho riêng, chờ nước rút, nắng lên mang ra phơi phóng.

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Mẹ lo lương thực ăn trong ngày lũ: Mua thịt về làm ruốc, rang đậu phộng, thêm một chút cá cơm chần mắm… Giường ngủ  bố cho sát nhau, kê gạch cao lên. Anh Hai gom tất cả đống sách vở, giấy tờ quan trọng cho vào túi ni lông buộc kín để vào hũ sành đậy nắp cẩn thận. Nhỏ em đứng cạnh thỉnh thoảng lại “nhắc nhở”: “ Còn cái giấy khen năm lớp 1 của em nữa anh. Anh để sót, nước cuốn trôi là em bắt đền đấy”.

Lũ gà nhép mới nở, trước đêm lũ về cũng  được ưu tiên  vào ở cùng với người.  Lũ gà nghe tiếng người lẫn ánh sáng đèn dầu, không quen  kêu liếp chiếp suốt cả đêm, đến là inh tai. Đêm nằm tránh ngủ, mùi phân gà bốc lên ngai ngái. Tôi khó ngủ, trở người liên tục lúc cộng chút cằn nhằn liền bị anh Hai cốc một cái vào đầu:  “ Đàn gà này ít hôm nữa lớn lên, bán đóng tiền học, mua sách vở cho mày đấy, kêu ca cái gì”.

2. Mọi người ai nấy đều lo lắng khi lũ về nhưng đám con nít chúng tôi thì vui lấy được. Bởi đơn giản, nước lên chúng tôi sẽ được nghỉ học vì không thể nào tới trường dưới nước lũ lớn như vậy được. Tôi thích hơn cả là sáng mai khi mưa ngớt được  bố cho ngồi xuồng đi đơm cá.

 Cho đến khi chứng kiến mùa  lũ năm 1998 thì tôi khiếp sợ hẳn, chẳng còn mong  lũ đến nữa. Theo đài  báo thì quá nửa đêm lũ mới đến. Công việc chuẩn bị trước lũ vẫn được cả nhà lên kế hoạch khẩn trương và chu đáo từ trước nhưng vẫn không sao có thể lường trước được. Lũ về nhanh hơn dự định.

Nước lên rất nhanh, ào ào tràn vô nhà, như một vị khách hung dữ chẳng ai mời mà đến. Bắt đầu từ đống bàn ghế đổ xuống, gãy răng rắc. Gió từng đợt thốc mạnh, ngói rơi độp độp xuống nền nhà. Một viên trúng ngay chỗ tôi nằm, một mảnh khác trúng ngay lũ gà. May mắn là chân tôi bị xước rớm máu. Nhưng chỉ chừng đó thôi, khiến tôi hoảng loạn vô cùng. Bố lấy băng bông, cột chặt vết thương cho tôi. Để  an toàn, bố mặc áo mưa  cho chúng tôi  rồi lần lượt bế sang nhà hàng xóm kiên cố hơn gửi. Chân tôi đau nhức, cả đêm không ngủ được, mắt thì rơm rớm chực khóc.

Sáng hôm sau trời hết mưa nhưng lũ vẫn không ngớt. Lũ từ trên thượng nguồn chảy xuống, kéo theo bao nhiêu là túi ni lông, khúc gỗ, rồi cả đồ gia dụng. Đám con nít tiếc của ra phía sông đi khều nhôm nhựa để bán đồng nát. Nhưng bố mẹ tôi thì nhất quyết không cho chúng tôi đi vì sợ nhỡ chẳng may lũ cuốn trôi. Và mùa lũ năm đó chúng tôi phải tiễn đi đứa bạn hàng xóm cũng chỉ vì tiếc của khều nhựa mà lũ cuốn trôi lúc nào không hay. Nghĩ lại thấy thương bạn vô cùng.

3. Một tuần sau nước bắt đầu rút hẳn. Nắng lên, trời quang đãng chiếu vào cảnh vật đang ngổn ngang giữa đống sình bùn. Đồ đạc trong nhà tôi trôi đi nhiều lắm. Mở cái chum sành ra tôi lôi túi bóng nơi đựng giấy tờ, sách vở. Cứ tưởng nước sẽ không bao giờ đụng đến được nhưng toàn bộ giấy tờ đã ướt nhẹp. Sách vở cũng thế. Tôi xót xa nhìn những dòng chữ nhòe bệt vào nhau. Tôi tiếc bộ giấy khen, giở từng cái một cho lên tấm liếp để nắng hong khô. Bố tôi cười, hứa sau này sẽ đi ép plastic toàn bộ giấy khen đó cho tôi để khi lũ về không còn sợ nữa. Còn  chồng sách giáo khoa, nắng lên chúng cũng khô nhưng giấy thì cứ cong lên, nhăn nhúm. May mà chữ vẫn còn có thể “dịch” được. Những cuốn sách đó, giờ ở kho cũ bố tôi vẫn đang còn giữ lại. Mỗi khi giở ra, ký ức xưa quay về, nước mắt chảy xuống, thấm chung với nước lũ.

Mỗi năm quê tôi ít nhất phải hứng chịu một cơn lũ. Nhưng bây giờ nhà cửa kiên cố hơn rồi. Lũ về chẳng còn hoảng sợ như xưa nữa. Sau bao năm ngồi trên ghế nhà trường, xấp giấy khen của tôi đã nhiều lên nhưng tôi chẳng quý chúng bằng mớ giấy khen bị ngấm nước lũ của ngày xưa. Mùa lũ năm 1998, cơn đại hồng thủy đã đi sâu vào ký ức mỗi người dân quê tôi đầy nước mắt và nhọc nhằn…

 Cao Văn Quyền


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Thương lũy tre làng
08:41, 01/10/2014
Khói nhớ
10:01, 27/09/2014
Chợ cóc
09:55, 19/09/2014
Ký ức đồng dao
15:01, 14/09/2014
Thương cây lúa đồng
19:39, 07/09/2014