Cuối năm, nhớ căn bếp của mẹ
Đã nhiều lần, giữa căn bếp đầy đủ tiện nghi, rộng rãi mà vẫn cảm thấy trống trải, thiếu vắng một thứ gì đấy rất quen thuộc. Lục tung ký ức mới ồ lên rằng ấy là mùi khói bếp, mùi tro vùi trấu trong căn bếp của mẹ.
Căn bếp của mẹ. Gợi như thế bởi vì mẹ mới là người biết nhen lên ngọn lửa ấm áp trong ngôi nhà đơn sơ mà rộn rã tiếng cười. Chỉ có mẹ mới nấu được nồi cơm dẻo thơm và nồi cá đồng kho dưa mặn mòi ngày mưa dầm, gió mùa đông bắc tràn về, hun hút lạnh. Và chỉ có mẹ mới kéo được mấy cha con quây quần bên mâm cơm đạm bạc, trên bếp là nồi khoai vẫn đang bốc khói. Ngọn lửa liếm quanh nồi, chập chờn gợi thức, nâng niu những tình cảm ấp nồng.
Căn bếp của mẹ đầy bồ hóng. Đun bằng rơm, củi tre dễ cháy nhưng lại mau tàn. Đó là thế giới tuổi thơ giấu trong góc nhỏ nhiều kỷ niệm. Cái ổ gà nằm nép góc bếp, mấy quả trứng hồng hồng đều đặn bắt mắt. Mấy cái nồi nhôm cũ, dính đầy nhọ đen. Mấy chùm hạt giống treo lủng lẳng. Cả mấy dụng cụ nhà nông như sàng, giần, nia, thúng cũng được gác trên giàn bếp.
Nhớ một hôm được nghỉ học, lúi húi trong bếp cùng mẹ. Mẹ sai coi chừng bếp, chạy vội ra vườn kiếm mớ rau. Vì mải kiếm tìm theo tiếng dế trong hốc đất chân tường nên tống cả ôm củi vào bếp, báo hại nồi cá tràu um chuối cháy đen, khét lẹt. Mẹ nghe mùi, lật đật chạy vào, lắc đầu, cũng may không xảy ra hỏa hoạn.
Trong mảng nhớ về tuổi thơ, căn bếp nghèo vô vàn câu chuyện. Năm ấy mất mùa, trời hết hạn lại lũ thất thường. Củ khoai, đọt rau cứu đói. Cả nhà ngồi quanh bếp lửa nướng từng củ khoai lang, từng bắp ngô rồi xuýt xoa, nóng rẫy. Cha mẹ nhìn nhau, nhìn lũ con háu đói mà ứa nước mắt. Rồi cái đận ấy cũng qua mau. Vụ mùa bội thu sau đó. Căn bếp lại ngập tràn giọng nói, điệu cười. Mẹ đồ xôi, mùi gạo nếp lan tỏa. Mẹ đúc bánh xèo, mùi mỡ hành thơm dậy khắp nhà. Nhưng không gì bằng căn bếp trong những ngày cận Tết. Rộn rã, náo nức và xôn xao tiếng người.
Minh họa: Trà My |
Một nồi bánh tét ùng ục sôi. Mẹ ngồi giữa mấy đứa con kể chuyện ngày bà nội còn sống. Cha mang thêm củi gộc vào chất quanh bếp. Chị mang tấm áo mới may ra săm soi, ba ngày Tết sẽ diện cùng đám bạn. Bên bếp lửa cha mẹ dạy con điều hay lẽ phải, cách đối nhân xử thế, dạy con được mùa chớ phụ ngô khoai. Đặc biệt, chảo mứt sên đường được mẹ kỳ công chế biến là nỗi thòm thèm của mấy đứa con. Chị lớn trong nhà được mẹ dạy từng công đoạn làm mứt, làm bánh nên năm sau tự mày mò cũng ra những mẻ bánh, mứt thơm ngon. Mẹ hay bảo con gái phải biết nữ công gia chánh, phải biết làm gọn căn bếp, sau này lấy chồng… Mẹ chưa nói hết câu, chị mắc cỡ, má ứng lên như sắc hồng của ánh lửa.
Căn bếp của mẹ. Từ đấy các con dần lớn lên. Để rồi mỗi người đều nghiệm ra rằng, nơi góc bếp đơn sơ và nghèo nàn ấy, những ngày hạnh phúc nhất đã có. Bây giờ mỗi đứa con mỗi nơi. Sống trong những ngôi nhà tầng kiên cố hay những chung cư đắt tiền nhưng vẫn cứ hoài vọng về ngôi nhà nhỏ với căn bếp bám đầy khói đen mà nồng đượm ân tình. Thật vậy, làm sao quên được những bữa cơm chiều, từng đụn khói lam vờn quanh mái rạ rồi lửng lơ bay giữa bóng hoàng hôn dần bao phủ. Quên làm sao được mùi khói hun cay mắt vì mớ củi ướt đun vội, để mấy ngày sau mùi ấy cứ còn ám trên áo quần. Giờ thì gọi tên là mùi nhớ. Mùi nhớ in sâu trong tiềm thức. Cái mùi ấy quen lắm nhưng khó có được trong căn bếp sáng bóng không một tí bụi của chung cư, của nhà cao tầng toàn xài bếp gas, bếp từ. Căn bếp của mẹ. Một hôm mấy chị em hẹn nhau về. Những đứa cháu gốc gác chân quê nhưng lại sinh ra ở phố đã bịt mũi, khoát tay khi đứng trước căn bếp. Bọn chúng bảo rằng u ám và đầy bụi bặm. Cha mẹ chúng không thể đe nẹt được vì đó là sự thật. Nhưng cảm thấy buồn lòng, thấy xót xa trước cái điều bình dị thân thương sẽ dễ bị lùi vào quên lãng
Ngôi nhà cũ giờ chỉ còn mình mẹ vào ra. Cứ mỗi ngày cuối tuần, thỉnh thoảng con cháu về thăm, mẹ lại vui vẻ nấu nồi lá tắm cho gội sạch bụi đường, cho lòng thêm sáng. Lúc ấy, căn bếp ngày xưa ngọn lửa lại reo vui hòa cùng tiếng cười mang lại cảm giác ấm áp sum vầy. Đấy mới thật sự là nơi quây quần các thành viên của gia đình, để thêm yêu thương nhau
Chiều cuối năm, chợt ngọn gió lang thang phả vào lòng vị nồng của khói bếp để ký ức trở về những ngày xưa yêu dấu bên ánh lửa chập chờn, cời mãi, thắp lên niềm hạnh phúc đơn sơ.
Sơn Trần
Ý kiến bạn đọc