Nhung nhớ nồi bánh chưng đêm ba mươi...
Nồi bánh chưng ấy cũng có đầy đủ nhân thịt heo, đậu xanh và những gia vị khác, nhưng lại thiếu thứ quan trọng nhất là vị… Tết.
Mười năm gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên, năm ngoái là lần đầu tiên tôi cùng gia đình nhỏ đón Tết ở Buôn Ma Thuột. Đó là cái Tết nơi phố thị khác hẳn với cảnh Tết đầm ấm, thân thương ở quê nhà.
Trẻ em hào hứng bên nồi bánh chưng Tết. (Ảnh minh họa) |
Ngày cuối năm, sau khi dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, cả gia đình tổ chức gói bánh chưng thờ Tết. Sáng sớm, vợ tôi ra chợ mua mấy ký nếp cùng lá dong và nguyên liệu làm nhân bánh. Cậu con trai tuổi lên 3 lần đầu cùng cha gói bánh Tết cũng rất háo hức, vừa bi ba bi bô vừa bốc gạo nếp ném khắp nhà, yêu thương đến lạ.
Nhìn con lại nhớ đến tuổi thơ nghèo khó của mình với ký ức cùng những chiếc bánh chưng ngày Tết. Nhà tôi như bao gia đình nông dân khác, Tết có thể thiếu thốn nhiều thứ, nhưng nhất thiết phải có bánh chưng dâng lên cúng gia tiên. Đến Tết, mẹ đi quanh làng tìm những lá dong to, không bị rách. Nếp thì chọn loại ngon nhất và tỉ mẩn nhặt từng hạt đen, vỡ rồi mới ngâm. Còn cha thì đi chặt những khúc giang về chẻ lạt, vót găm. Cha dạy cho hai anh em tôi gói bánh sao cho vuông vắn, đều cả 8 góc. Đứa em gái thì được mẹ dạy cách chọn gạo nếp, làm nhân bánh ngon... Nhờ thế mà khi không còn là đứa trẻ háo hức chờ ăn chiếc bánh gói riêng từ phần nếp dư, 3 anh em tôi đều đã biết gói bánh chưng, bánh tét.
Cạnh nồi bánh chưng đang đỏ lửa bên góc vườn nhỏ, tôi cùng mấy đồng nghiệp xa quê mà anh em hay gọi là “tổ làm báo xa mẹ” uống với nhau ly rượu cuối năm. Tôi quê xứ Nghệ, bạn thì người Bình Định, người lớn lên ngoài Bắc… cùng cảnh tha hương, thân tình, ấm cúng, nhưng ai cũng nhung nhớ Tết quê nhà. Chuyện của mấy anh em xoay quanh nồi bánh chưng cùng ký ức về cái Tết quê giản dị, ấm cúng không thể quên.
Biết rằng Tết quê giờ cũng khác nhiều, nhưng vẫn cảm thấy trân quý, yêu thương, bởi ở đó có cha mẹ, có bờ tre và mùi khói bếp chở che, nuôi lớn tâm hồn những người con. Giờ này ở quê, cha mẹ đã cắm cành đào, trang trí cây quất và ngồi bên bếp lửa chuyện trò chờ bánh chưng chín. Mẹ lại giật mình nhớ mong con cháu khi nghe rậm rịch tiếng bước chân vội vàng của ai đó làm ăn xa trở về kịp đón Giao thừa. Mẹ bảo làng quê nhiều đổi mới, gia đình đón Tết sung túc hơn…
Anh em ngồi hàn huyên cho đến lúc gần Giao thừa. Ngoài kia, phố xá vẫn rộn ràng và háo hức. Đêm cuối năm bỗng cảm thấy chạnh lòng, buồn tủi. Nhìn lại năm cũ thấy thương hơn đôi tay cha thô ráp, chai sần và mắt mẹ bao dung in hằn những vết chân chim. Vớt bánh chưng dâng lên bàn thờ, rồi biếu mấy gia đình hàng xóm với hy vọng năm mới sẽ đón những điều tốt đẹp. Vậy là Xuân đã về trong mỗi căn nhà…
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc