Bông bí miền quê…
Trong tâm khảm của mỗi người xa quê có lẽ đều ẩn chứa một khu vườn, đong đưa những khóm hoa đồng nội tỏa hương vào giấc mơ. Mỗi loài hoa thuộc về góc quê hồn hậu đều mang trong mình những vẻ đẹp riêng.
Vẻ đẹp ấy không chỉ ở sắc màu, phấn hương mà còn đẹp bởi cốt cách dung dị, bởi nét hồn nhiên gieo bao niềm bịn rịn, vương vấn. Lòng tôi vẫn thường rung động trước cỏ cây gần gũi, lành hiền, đượm hồn quê kiểng. Trên ban công gác trọ sáng nay có vài bông bí mới nở, chỉ thế thôi cũng đủ làm tôi tần ngần nhớ dáng mẹ lặng thầm. Những bông bí màu vàng cam chất phác, vẽ lên trong tim miền quê nhỏ êm đềm, mà tâm trí luôn đau đáu một nỗi nhớ mênh mông.
Dường như trong mỗi loài hoa đều chất chứa những câu chuyện giấu sau vẻ ngoài dù lộng lẫy hay đằm thắm. Ngày còn nhỏ, tôi thường một mình tha thẩn trong mảnh vườn của mẹ, để bắt nhịp cùng những câu chuyện mà cỏ hoa gửi gắm vào từng mùi hương, dáng vẻ. Bông bí nhu mì như thắp lên những ngọn đèn vàng ấm áp, bung tỏa, rực rỡ dưới màu nắng miên man. Mùa gió nồm, mẹ gieo những hạt bí nơi góc vườn, rào giậu, rồi chiều chiều lại tảo tần bón chăm, tưới nước. Có khi vài hạt bí vô tình được vãi xuống, gặp buổi trời mưa chúng sẽ hồn nhiên lên xanh mà không kén đất, chọn vùng. Như người quê bao đời một lòng bền chặt với đất quê, bắt đầu từ nơi quanh năm dầu dãi nắng mưa, gió bão ấy mà thành làng, thành xóm, tối lửa tắt đèn có nhau.
Minh họa: Đức Văn |
Chỉ cần ta có lòng, góc phố thân thuộc cũng trở nên đằm thắm một nét quê. Những bông bí vàng giữa ban công mướt xanh rau trái - góc nhỏ ấy như niềm an ủi, thỏa thê nỗi nhớ quê nhà. Có những người gốc gác nhà quê, những đứa con sinh ra bên rạ rơm ngược xuôi vào phố đã trọn lòng chắt chiu, vun vén một khoảng xanh khiêm nhường mang dáng dấp cố hương. Lòng luôn canh cánh niềm nỗi quê xa mà nương vào bông bí, liếp cải, bụi ớt để được mang theo một góc quê bên mình.
Ngắt vài bông bí thả vào nồi rau luộc, bữa cơm có đĩa rau xanh điểm vàng bông bí làm tôi cồn cào bao dư vị thuộc về mẹ, đã ngấm sâu vào tôi không lẫn vào đâu, chẳng thể phai nhòa. Nỗi nhớ dắt tôi về bên gian bếp ấm có những đọt bí non, những bông bí vàng mẹ xào với tỏi còn hôi hổi nóng, thoảng thơm mùi khói củi. Nhớ vị đậm đà, ngọt nước của nồi canh bông bí đỏ, rau tập tàng mẹ nấu chung với mớ tép đồng cha cất vó. Hay giản đơn chỉ là đĩa bông bí luộc chấm cùng chén mắm cà vào một chiều mưa dầm cũng đủ làm lòng xốn xang…
Ngày bé, ríu rít bên mẹ như một chú gà con, tôi biết rằng những bông bí vàng cũng có hoa “đực”, hoa “cái”. Nối liền với cuống hoa cái là bầu nhụy sau này lớn thành trái bí mẹ hái vào nấu canh. Đến ngày hoa bí nở rộ, mẹ thường hái hoa đực úp lên hoa cái để thụ phấn cho cây. Mùa gió nồm là mùa những cây bí trong vườn đậu nhiều quả nhất, từng trái bí non lớn dần dưới bàn tay sớm chiều nâng niu, chăm chút của mẹ. Và như thế, bức họa thơ ấu được tô thêm những vệt vàng hoa bí từ những món ăn đượm vị ký ức của mẹ, từ mảnh vườn yêu dấu đã chắp thêm cho tôi đôi cánh mộng mơ. Dáng hình của bông bí hệt như chiếc chuông nhỏ leng keng gọi tôi về những triền xanh nõn nà hoa cỏ, những khóm chuối, giậu rau non mướt, và rót vào tâm hồn tiếng chim vườn cũ biết hót lời nhớ thương.
“Xưa tôi sống trong làng/ Giờ làng sống trong tôi” (*). Cảm ơn những bông bí thấm đẫm hồn quê đã sưởi ấm trái tim tha hương, mang về cơn gió dịu êm thổi qua ngày tất bật. Cảm ơn từng ngọn cây, cọng cỏ đã dung dưỡng tâm hồn biết lắng nghe lời thì thầm hoa lá, biết bao dung với cuộc đời tựa gác trọ trần gian. Bông bí nở thắm hồn tôi, tỏa mùi hương của yêu thương sâu đậm, vàng như ánh trăng soi sáng lòng mẹ vỗ về…
(*) Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh
Trần Văn Thiên
Ý kiến bạn đọc